AI LÀ THẦY CỦA TA?

Trong tác phẩm “Sách ngược đời xuôi” của Gabrielle Zevin, tiệm sách Hải Đảo hiện lên cùng với những dòng chữ đầy ý vị, hằn trên tấm biển đã phai màu: 

“Sách, mỗi cuốn một khung trời 

Người, chẳng ai là đảo.”

Đúng vậy. Trên thế gian này, có ai suốt đời đều sống tách biệt, tự sinh tự diệt như một hòn đảo hoang đâu chứ? Sống tại kiếp người, dù muốn dù không, chúng ta cũng phải tương tác với rất nhiều người để tồn tại và trưởng thành. Họ đến từ nhiều nơi, đa dạng độ tuổi và hành nghề khác nhau. Và một trong số đó có những người thầy của ta.

Từ nhỏ đến khi trưởng thành, thầy cô luôn là một trong những người có tầm ảnh hưởng quan trọng với ta. Đây là những người truyền dạy kiến thức, không chỉ là tri thức trên sách vở, mà còn thêm cả những đạo lý làm người. 

Thầy cô là những người truyền dạy kiến thức trực tiếp cho ta

Vì vậy, khi nhắc đến “thầy”, ta sẽ bất giác nghĩ về những ai làm nghề giáo đầu tiên. Thế nhưng, chữ “thầy” thực sự chỉ bao gồm những người đang đứng trên bục giảng thôi sao?

Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không trải qua 500 năm bị đè dưới chân Ngũ Hành Sơn, sau gặp được Đường Tam Tạng, mới kết duyên sư đồ, phụng trợ cho Người. Đường Tăng không phải là người thầy đầu tiên của Tôn Ngộ Không. Ông càng không truyền thụ võ nghệ cho Đại đệ tử, thế nhưng Ngộ Không vẫn luôn nhất mực tôn kính ông. 

Không phải bởi vì có sự khống chế của vòng Kim Cô, mà là vì Ngộ Không hiểu được Đường Tăng đang uốn nắn mình. Ngài giúp Tề Thiên Đại Thánh gọt giũa đi sự sắc bén gai góc, thu liễm tính khí nóng nảy và nhận thức được con đường chánh đạo. Có thể nói, Đường Tam Tạng khiến Tôn Hành Giả hoàn thiện chính mình hơn.

Đường Tam Tạng khiến Tôn Hành Giả hoàn thiện chính mình hơn

Rất nhiều giáo viên đã từng dạy ta, nhưng ta chỉ nhớ đến một vài thầy cô. Ta cũng đi qua vô số người, nhưng người tác động mạnh mẽ đến lối tư duy của ta thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi người đều có thể trở thành thầy của ta, và ta cũng có thể trở thành thầy của một ai đó. 

Con người thường theo đuổi một phiên bản hoàn mỹ hơn. Do đó, vô số người luôn nỗ lực và cải thiện chính mình. Nếu ta mở rộng tư duy cùng một tâm thái tích cực thì có thể khám phá được nhiều điều thú vị về bản thân, và để bước trên con đường này, không thể thiếu mất sự hiện diện của những “Người thầy vô danh”.

Chuyến đi dù ngắn ngủi cũng có thể mở ra chân trời mới. Có những người chỉ gặp một lần, tưởng chừng như không gắn kết với ta, nhưng lại dạy ta một bài học quý giá. 

Mỗi người ẩn giấu những kho báu khác nhau, có thứ bình thường với người, nhưng lại vô cùng đặc biệt với ta. Trong giây phút chớp nhoáng, ta lượm lặt được tinh hoa nào đó. Để rồi trải qua năm tháng vô tận, ta vô tình biến những cuộc hội ngộ thành câu chuyện riêng mình, trở thành một phần của chính ta.

Thái Sùng Đạt có một câu như thế này: “Mỗi người bước qua cuộc đời chúng ta, đều tham dự cùng ta, đồng thời cuối cùng tạo thành bản thân ta”. Những lời gièm pha hay trách móc, những lời dịu dàng hay khích lệ, khinh rẻ và tôn trọng, chỉ trích và bao dung… Tất cả đều sẽ cho ta một bài học nhất định. 

Kể cả với những nỗi đau, ta cũng có thể học được từ đó những bài học quý giá. Tổn thương và được xoa dịu. Hai thái cực đến từ bên ngoài, nhưng thật ra lại là kết quả của thế giới nội tâm. 

Chữa lành là một việc vốn không hề dễ dàng. Để chữa lành những vết thương, ta phải trải qua một hành trình đủ dài, nơi xuất hiện những người thầy đặc biệt. Họ chỉ dẫn ta những lối đi mới, dạy ta biết nóng biết lạnh, biết yêu biết ghét, biết đúng biết sai. 

Thế nhưng, người bước cùng ta rồi cũng sẽ có lúc ngừng lại. Còn ta, lại chính là người phải đưa ra quyết định, nên giữ cảm xúc nào và chọn lấy bài học gì.

Trong xã hội nhộn nhịp ngày nay, nhiều người chọn quay về với bản thân. Họ giành thời gian cho chính mình nhiều hơn, tập suy nghĩ tích cực, sống đơn giản, đọc sách, thưởng trà và thiền định. Tất cả những việc này đều hướng đến mục đích: quay về chính mình và hiểu rõ bản thân.

Nói một cách khác, người mãi đồng hành cùng ta, cũng là người thầy đặc biệt nhất, không ai khác ngoài linh hồn ta.

Nhiều người chọn quay về với bản thân nhiều bằng nhiều cách khác nhau

Tương lai vô định, nước biếc chảy dài. Xuân đi, hạ đến, thu sang, đông về. Mọi thứ xung quanh ta đều đang đổi thay, nhưng dường như lại không biến chuyển. Giống như việc ta không thể tránh khỏi số phận, nhưng phải chăng cũng có thể nắm nó trong tay? 

Vì hoàn cảnh tác động mà ta dần khác đi. Ta trưởng thành, biết suy nghĩ, nhưng rồi cũng trở nên lo lắng và phiền muộn nhiều hơn. Để rồi một ngày nào đó, ta hốt hoảng nhận ra, xong lại nhanh chóng mà học cách dũng cảm, muốn tìm về niềm vui như ngày còn bé. 

Mỗi người đều đang đi trên những hành trình riêng. Có người lội sông vượt núi, có người chịu nắn chịu sương, có người bỗng nhiên chịu nổi oan ức, có người lại không tránh khỏi sự chia ly thấu tận tâm can. 

Dù thế giới có tàn nhẫn vô tình, mong người vẫn giữ được thiện lương. Mong rằng giữa những bão bùng của cuộc đời, người sẽ thật kiên cường như cây xương rồng nọ, và cũng như đóa sen trắng kia, bảo vệ được sơ tâm tốt đẹp như thuở ban đầu.

Chúc người, trở thành người thầy tuyệt vời nhất.

Petrichor