Bài học từ ngôi trường ba chữ

Tháng 11 về mang theo từng đợt nắng ấm áp. Bầu trời trong xanh đã vội điểm thêm những vệt mây trắng bồng bềnh. Ngày 20/11 hàng năm đều thế. Vào ngày này, dường như vòm trời sẽ trở nên cao hơn, và mặt đất sẽ ẩn hiện nhiều thêm những cái bóng đen trải dài trên con đường đến trường.

Trước cổng trường, tấp nập người đang đứng bán những đóa hoa hồng. Hoa hồng đỏ rực nở tươi rói được gói thật đẹp thành từng bó hoa. Tôi dừng chân, chọn lựa ra những đóa hoa mà mình ưng ý nhất.

Trước cổng trường, tấp nập người đang đứng bán những đóa hoa hồng. Hoa hồng đỏ rực nở tươi rói được gói thật đẹp thành từng bó hoa.

Tháng ngày trôi qua, thoắt cái tôi đã trở thành sinh viên năm cuối rồi. Trường F đã cho tôi có cơ hội được gặp gỡ những người bạn mới, cũng như được học hỏi nhiều điều từ các thầy cô của mình. Giáo viên của trường không chỉ dễ gần mà mỗi người đều có những cá tính riêng. Điều này tạo cho tôi có những ấn tượng sâu đậm.

Sải bước trên con đường nhựa, tôi nhìn thấy từng tốp sinh viên đang chụp hình cùng các thầy cô bên cạnh hồ sen. Một cơn gió thổi qua khiến tôi bất chợt bùi ngùi. Lòng tôi nao nao nghĩ về phương trời xa. Vậy là tôi sắp tốt nghiệp rồi…

Nghĩ đến 4 năm học ở trường, tài liệu chất chồng và deadline dồn dập luôn là một nỗi ám ảnh "kinh hoàng" với bất kỳ ai. Nhưng vào giờ phút sắp chia xa, bất giác tôi thấy thật bùi ngùi. Tôi sẽ nhớ lắm những năm tháng ấy, những người thầy đã đi qua đời tôi và mang đến thật nhiều điều tuyệt vời.

Tôi còn nhớ khi mình là sinh viên năm nhất, vừa mới tập tành làm quen với các môn chuyên ngành, tôi đã có một bài học mà mình phải nghĩ về mãi. Môn “Kinh tế vi mô” đối với tôi đặc biệt thú vị, chủ yếu là vì thầy dạy môn này là một người thú vị. Thầy tên Đạt Anh. Thầy có một tiệm hoa nhỏ nhỏ xinh xinh, có những kiến thức sâu rộng về lĩnh vực kinh tế, và có cả lối truyền đạt vô cùng hài hước.

Câu nói “làm nên thương hiệu” của thầy là: “Học môn này để cho ta make sense”, ý chỉ ta có thể ít khi vận dụng thực tiễn được những kiến thức này, nhưng điều quan trọng là ta có thể mở ra một lối tư duy mới.

Ngày hôm đó trường tôi cúp điện, thế là cả lớp có dịp tâm sự cùng thầy một phen. Thầy kể cho chúng tôi nghe một câu truyện cổ nào đó, rồi lại tám về thời học sinh của mình. Thầy cũng như chúng tôi, từng thích game còn hơn cả thích tìm crush. Thế nhưng thầy không vì game mà lạc mất bản thân. Trái lại, thầy còn tìm được cách kiếm tiền từ nó. Chuyện này khiến tôi nhận ra, ta có thể kiếm được tiền từ nhiều nơi, bao gồm cả những thứ gần gũi và chính từ niềm đam mê của mình.

Hôm ấy thầy cũng nói cho chúng tôi nghe về quy luật hấp dẫn. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với quy luật này. Thầy bảo, nếu ta suy nghĩ và hành động tích cực thì ta có thể thu hút thêm những điều tích cực. Thầy chìa bàn tay ra, ngụ ý rằng tương lai của ta vốn có vô ngần đáp án. Mỗi lần ta đưa ra quyết định, dù là lựa chọn trông có vẻ nhỏ nhất, cũng có thể nối đến một con đường khác trong tương lai.

Chính vì lẽ này, tôi thường sẽ cố gắng động viên mình những khi gặp khó khăn, cũng sẽ tự thúc giục mình phải nổ lực nhiều hơn.

Mỗi lần ta đưa ra quyết định, dù là lựa chọn trông có vẻ nhỏ nhất, cũng có thể nối đến một con đường khác trong tương lai.

Thầy thường tự ra những đề có kiến thức gắn liền với thực tế, và đòi hỏi chúng tôi đưa ra nhận định về nó. Đề sẽ không có một khung đáp án cố định, miễn là chúng tôi tư duy logic và có thể đưa ra lý lẽ đủ thuyết phục thầy, chúng tôi sẽ đạt được điểm thật cao.

Vì thế, từ thầy, tôi cảm thấy mình học được những tư duy mới và suy nghĩ trở nên tích cực hơn.

Nói đến cách nghĩ tích cực, tôi lại nhớ về thời kỳ đi quân sự của mình. Tôi từng đăng ký vào đội diễn kịch, và tác phẩm kịch này sẽ được biểu diễn trong tuần tới. Tôi đã quen với những màn biểu diễn có kịch bản sẵn. Ấy thế mà vừa bước chân vào môi trường Đại học, tôi đã tiếp xúc ngay với tác phẩm “tự biên tự diễn”.

Một chị cán bộ cười hì hì nói ra kịch bản trong-đầu-mình. Tôi đóng vai chính, nhưng không biết phải nói gì cả. Tôi hỏi chị cán bộ: “Thế còn lời thoại thì sao?”. Chị ấy lại cười mà rằng: “Tùy cơ ứng biến đi em! Cứ chế theo cách của mình!”.

Tôi đã quen với những màn biểu diễn có kịch bản sẵn. Ấy thế mà vừa bước chân vào môi trường Đại học, tôi đã tiếp xúc ngay với tác phẩm “tự biên tự diễn”.

Thế mà vở kịch cũng thành công đấy. Tôi cũng không ngờ nó có thể thành công đến vậy. Cho tới hiện tại, kỷ niệm của vở kịch đó vẫn mãi lưu giữ trong tim tôi.

Thật ra kỷ niệm này nếu nhìn ở góc độ khác lại là một bài học mới mẻ. Cách của chị cán bộ trông có vẻ... tùy tiện thật đó, nhưng lại là một cách hay trong một số trường hợp. Có lúc do tôi suy nghĩ quá nhiều, dẫn đến lo được lo mất mà không dám làm. Nhưng đôi khi nghĩ về kỷ niệm này, tôi chợt lại có can đảm mà bước đi. Không nghĩ ngợi nhiều, cứ làm thôi!

Nếu ta vì sợ hãi mà phải chờ đợi một kế hoạch hoàn chỉnh nhất, vậy thì có thể ta sẽ chìm mãi trong đợi chờ và nỗi sầu muộn vì không thực hiện được gì. Vì vậy, có lúc ta nên dũng cảm mà làm, đi được bước 1 sẽ thấy được bước 2. Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng, mọi chuyện đều đã có an bài.

Những người xung quanh ta đều có thể trở thành một người thầy của ta. Và ở ngôi trường 3 chữ này, tôi đã gặp được nhiều người thầy chỉ đường cho tôi.

Tháng 11, hi vọng rằng, những người thầy của tôi sẽ được mạnh khỏe. Cũng mong rằng, bạn sẽ tìm thấy được những người thầy và các bài học quý giá cho riêng mình.

Petrichor