Bay cao cùng chiếc túi “rỗng”

Quá trình tiến đến “trưởng thành” quả là gian nan nhưng cũng thật nhiều kỷ niệm. Ở đó, chúng ta – những đứa “con nít tập lớn” sẽ phải học cách “cộng” thêm cho mình thật nhiều hành trang quý giá. Nhưng bài học về những phép trừ mới là điều khó khăn nhất. Ai cũng muốn lấy thêm, mấy ai lại muốn từ bỏ điều gì? Giống như câu chuyện sự tích cây khế, đôi khi bạn chỉ có thể bay cao với một chiếc túi “rỗng”.

Chắc hẳn ai trong cuộc sống cũng đã có vài lần cố chấp với những thứ mình thích. Với tôi, điều đó được thể hiện qua bài văn đầu tiên khi mới bước vào cấp 3. Tôi nhớ mình đã từng viết: “Sau khi tốt nghiệp cấp 2, điều tồi tệ nhất đã xảy đến với tôi. Tôi trượt hết tất cả những trường chuyên mà mình đã nộp hồ sơ, dù tôi đã chuẩn bị từ khi mới học lớp 6. Tuy nơi tôi đang học là một ngôi trường tốt nhưng khi ngồi trong lớp, tôi không thể nào thấy vui và không có gì ngoài cảm giác chán chường, thất vọng về những gì đã diễn ra.”. Thế nhưng bất ngờ thay, lời phê mà cô giáo để lại cho tôi chỉ vọn vẹn một câu: “Hãy biết trân trọng những gì mình đang có, con nhé!” Ở thời điểm đó, tôi chỉ đọc thôi chứ không nghiền ngẫm, tuy vậy sau này tôi mới biết chính câu nói ấy làm nên con người tôi ở hiện tại.

Những “dấu cộng” bủa vây

Trước nhịp sống năng động của đám bạn cùng trang lứa, tôi trở thành một cô gái có phần lập dị khi luôn lựa chọn đứng trong... “ban” cổ vũ. Tôi không hay tham gia hoạt động trường lớp, hoặc cảm thấy rằng việc ấy chỉ để cho vui chứ không có mục đích cụ thể. Tôi chỉ tập trung vào việc mà bản thân phải làm, chăm chút kỹ lưỡng cho nó dù đó có là việc nhỏ nhặt nhất: Học hành, các cuộc thi ngoại ngữ, làm CTV cho những chương trình về lĩnh vực tôi yêu thích. 

Đây cũng có thể là lý do khiến các bạn xung quanh khi nhắc đến tôi đều đi liền với cụm từ “bị làm sao ý”. Mọi người cho rằng tôi là người sống nông cạn khi không biết tận dụng các cuộc tụ họp để “cộng” thêm cho mình những mối quan hệ (có thể) sẽ có ích. Những “dấu cộng” đó cứ bủa vây lấy tôi, mời gọi tôi tham gia. Nhưng chẳng sao cả, tôi vẫn trân trọng những công việc tôi đang có và làm nó tốt nhất có thể. Như cách mà cô giáo cấp Ba đã dạy tôi năm nào.

Trước kia, tôi từng là một con người “sân si”, hay bực bội khi mọi thứ không diễn ra theo ý mình, thậm chí mặt tôi còn được gắn lên 2 chữ “đanh đá”. Cho tới một ngày, người bạn thân nói với tôi: “Có những suy nghĩ tiêu cực về người khác, ai là người phải chịu thiệt, chẳng phải chính chúng ta hay sao? Đáng lẽ thời gian và công sức đó nên dùng để làm điều mình mình thích. Cách này còn tốt hơn việc xởi lởi với mọi người nhưng sau lưng lại lan tỏa những cái nhìn không hay về họ”.

Tôi thấy thật hạnh phúc đơn giản bởi vì bản thân có thể sống đúng với tính cách “thật” và biết rằng xung quanh luôn có những người yêu quý tôi vì điều đó. Lúc này, tôi biết mình đã lựa chọn đúng khi buông bỏ những tâm tư hỗn loạn về mọi người và “trân trọng những gì mình đang có”.

Tôi và chiếc túi rỗng

Không để tâm đến cuộc sống bên ngoài không có nghĩa là tôi để cho nội tâm và trí não mình trở nên trống trải. Như mọi người hay đùa vui “Hãy chuẩn bị cho mình một tâm hồn thật đẹp”. Tôi tích lũy cho mình những điều tuyệt vời mỗi ngày. 

Từ khi bắt đầu hiểu chuyện, tôi luôn thầm biết ơn vì gia đình là những người đầu tiên giúp tôi làm được điều này. Mức sống của gia đình tôi không khá giả, và ở mức sống này việc học piano, học vẽ hay học tiếng Anh với người nước ngoài là một chuyện vô cùng xa xỉ. Thế nhưng, mẹ tôi cho rằng một thế giới nội tâm mạnh mẽ mới là thứ không phải ai cũng có được, vì vậy mà tôi được tham gia các lớp học với học phí khá cao so với một người lao động bình thường trong nhiều năm. 

Đương nhiên, để có tiền chi trả cho những buổi học nghệ thuật của con, bố mẹ tôi không những phải cật lực làm việc mà gia đình tôi cũng đã không đi du lịch đâu đó trong đến tận 10 năm. Biết được điều này, mọi người xung quanh chỉ trích bố mẹ rất nhiều, nhất là khi họ cho rằng tôi... không phải là một người có năng khiếu. 

Thế nhưng khi tôi đã dần lớn lên và đạt được những thành quả trong cuộc sống riêng mình như đạt được một suất học bổng vào ĐH FPT, giúp bố mẹ đỡ được gánh lo về học phí hay được chu cấp tiền ăn ở và bay chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời đến Cần Thơ khi lọt vào vòng chung kết một cuộc thi tiếng Anh. Tôi cũng tự kiếm được những đồng tiền lương đầu tiên nhờ vào việc viết báo, dịch thuật... 

Tôi rất thích câu nói của Toni Morrison: “Nếu bạn muốn bay, bạn phải từ bỏ những thứ đè nặng mình”. Mỗi lần đọc nó, tôi chợt nhớ tới câu chuyện sự tích cây khế. Người anh vì tham lam mà chất đầy túi vàng bạc, châu báu, để rồi không thể bay về nhà mà phải bỏ mạng nơi biển sâu. Trái lại, một chiếc túi “rỗng” những tâm tư, tính toán và một trái tim chân thành sẽ luôn nhận được những điều tốt đẹp của cuộc sống. 

Ngay trong những khoảnh khắc hiện tại, tôi nhận ra tình cảm giản dị mà bố mẹ, thầy cô và những người bạn thực sự dành cho mình mới chính là những ngòi bút tô nên những gam màu hạnh phúc của cuộc đời tôi. Còn bạn thì sao, bạn đã sẵn sàng từ bỏ những điều thừa thãi và bay cao cùng chiếc túi “rỗng” của mình chưa?

MAIMAI