“Chém” tiếng Nhật như gió cùng bộ ba bí kíp thần sầu

Tiếng Nhật là ngôn ngữ nổi tiếng và rất quan trọng tại Ao làng. Nhưng đây cũng nổi tiếng là ngôn ngữ “khó nhằn”, nhất là ở kỹ năng nói, vì các bảng chữ cái cùng phiên âm phức tạp. Đừng lo, Cóc Đọc đã tìm ra bộ ba bí kíp thần sầu giúp bạn thoải mái “chém gió” bằng tiếng Nhật đây. 

Bí kíp 1: Luyện đọc và bắt chước mọi lúc mọi nơi

Các cao thủ Nhật ngữ tại Ao làng vẫn truyền tai nhau 2 phương pháp thường thấy nhất khi luyện nói ngôn ngữ này:

Thứ nhất: Phương pháp tự đọc thành tiếng – Roudoku

Những bạn đã có nền tảng tiếng Nhật một chút, khi thấy văn bản, thường chỉ đọc thầm trong đầu, chủ yếu để hiểu nghĩa chứ không đọc thành tiếng để luyện phát âm nữa. Đây là thói quen không tốt đâu. Hãy luôn cố gắng đọc thành tiếng bất cứ khi nào có thể bạn nhé.

Khi đọc, bạn cần chú ý đọc chậm, to, rõ ràng, chèn thêm cả cảm xúc vào, từ đó bạn có thể luyện phát âm hay và diễn cảm như người Nhật. Trăm hay không bằng tay quen đúng không nào. 

Thứ hai: Shadowing – Bắt chước một đoạn hội thoại

Theo phương pháp này, mỗi khi nghe người bản xứ nói chuyện, bạn cần lặp lại ngay trong vòng từ 1-3 giây, cứ nói mà không cần hiểu hết ý nghĩa từ. Mục đích là cho miệng và tai mình quen dần với việc nghe nói theo giọng bản xứ. 

“Để nói giỏi cần nói nhiều cho quen miệng

Để nói hay cần đọc nhiều cho đủ tầm”

Nguyên lý của phương pháp này cũng giống như ngày bé chúng ta học Tiếng Việt. Nếu bạn để ý, các em bé đang học nói, thường tự động lặp lại những từ người lớn dạy, dù không hiểu hết ý nghĩa. Đó cũng là lý do trẻ em có thể biết nói trước khi chúng biết đọc và viết.  

Shadowing – Bắt chước hội thoại là phương pháp luyện nói ngoại ngữ rất nổi tiếng đấy nha

Bí kíp 2: Sửa một số phát âm khó mà người Việt Nam hay sai

Mỗi đất nước có đặc trưng ngôn ngữ, cách nói chuyện khác nhau nên khi học ngoại ngữ, thường có chung những lỗi phát âm. Người Việt cũng vậy. Họ thường có những lỗi phát âm tiếng Nhật giống nhau. 

- Phát âm chữ [Tsu – つ] hay bị thành “chư”.
Tsu là một âm gió vì thế nên khi phát âm phải ra hơi. Nhiều bạn chưa chú ý cách thức nói âm gió này nên nghe nó không chuẩn như người Nhật. Một bí quyết có thể áp dụng khi học phát âm chữ này chính là để 1 tờ giấy mỏng trước mặt. Khi mình phát âm ra, nếu tờ giấy động đậy vì hơi bạn bật ra nghĩa là bạn đã thành công rồi đấy.

- Phát âm chữ sa (さ), shi (し), su (す), se (せ), so (そ) bị sai.
Các chữ “s” trong sa (さ), su (す), se (せ), so (そ) đều được phát âm tương tự giống chữ “x” của Việt Nam, không cần uốn lưỡi. Nhưng riêng chữ shi (し) thì phải uốn lưỡi nha.

- Các âm ya (や), yu (ゆ), yo (よ)
Đây là các âm nhiều bạn không phát âm chuẩn, rõ, mà hay đọc nhíu vào nhau. Chính vì vậy, đôi khi bạn phát âm “z” nhưng người nghe sẽ có cảm giác như “za”, “zu”,”zo”. Như thế sẽ nghe không chuẩn và dễ bị nhầm lẫn với các âm khác.

- Các âm ghép như sha (しゃ ), shu (しゅ), sho (しょ), rya (りゃ), ryu (りゅ), ryo (りょ).
Nhiều bạn hay nuốt âm y ở giữa nên thành ra phát âm nghe sẽ như “ra”, “ru”, “ro”. Người Nhật nghe sẽ hiểu thành một từ khác. Để khắc phục lỗi này, ngay từ lúc bắt đầu học các bạn phải phát âm thật chuẩn, chậm, chính xác rồi rút ngắn nó lại.

- Phát âm chữ ん
Phát âm chữ ん trong tiếng Nhật có hai cách: Thông thường nó được phát âm như chữ “n” trong tiếng Việt; trong trường hợp đứng trước các âm tiết bắt đầu với B, P, M, ん được phát âm thành “m”. Tuy nhiên nhiều bạn hay quên các trường hợp đặc biệt này nên cần phải cẩn trọng lưu ý nhé.

Hãy luôn lưu ý các trường hợp đặc biệt trong tiếng Nhật nhé

Bí kíp 3: Luyện nói đi liền với luyện phản xạ

Có khi nào bạn ở trong tình trạng nghe người Nhật nói thì hiểu nhưng mãi không nói lên lời? Đó là do phản xạ của bạn chưa tốt đó. Phản xạ được rèn luyện qua quá trình luyện tập nói đi nói lại nhiều mẫu câu, khi đủ ăn sâu vào tiềm thức, bạn mới có thể “bật ra” một cách tự nhiên. Có khá nhiều công cụ giúp bạn cải thiện phản xạ mỗi ngày.

- Công cụ 1: Luyện bằng sách (Shadowing và Nameraka kaiwa)
Sách Shadowing chia 1 section thành khoảng 10 đoạn hội thoại ngắn giữa 2 người. Mỗi đoạn hội thoại chỉ khoảng 2 câu.

+ Bước 1: Bạn nghe cả đoạn hội thoại để hiểu trình độ bản thân, sau đó, chuyển sang nghe lần 2 và nói nhại theo ngay sau khi nghe. Nên nghe với tốc độ bình thường, đừng bấm dừng, nói không được thì bỏ qua. Bạn chỉ cần nói, chưa cần suy ngẫm nghĩa của từ hay tại sao lại nói vậy.

+ Bước 2: Nghe từng câu để hiểu nghĩa

Ở lần nghe này, bạn có thể nghe với tốc độ chậm hơn. Nếu ở bước 1, bạn không nghe ra chữ nào, không hiểu chỗ nào thì ở bước này, bạn có thể tra nghĩa để hiểu. Nhớ ghi lại vào một cuốn tập nhé.

+ Bước 3: Nghe từng câu để nhớ ngữ điệu. 

Đây là bước “nâng cấp” hơn, bạn cần nói nhại từng câu và để ý phần ngữ điệu nhấn nhá đúng như băng gốc.

+ Bước 4: Nghe cả đoạn để thuộc lòng  

Ở bước này, bạn bắt đầu nói đi nói lại thật đúng ngữ điệu, cảm xúc trong bài hội thoại. Tips là bạn hãy tưởng tượng đang có người Nhật đứng phía trước mình và bắt chuyện. 

Hãy kiên trì luyện tập đến khi thật nhuần nhuyễn và có phản xạ tự nhiên nhé. 

Luyện phản xạ cũng rất quan trọng đấy

- Công cụ 2: Luyện bằng các video
Youtuber, chương trình thực tế, bản tin thời sự… nói tiếng Nhật, hoặc bất cứ video có kèm âm thanh và hình ảnh là công cụ tuyệt vời để bạn có thêm vốn từ xã hội và hiểu tư duy, cách trình bày vấn đề logic kiểu Nhật, nói sao cho hay, cho người khác thấy thú vị và dễ hiểu. 

Với công cụ này, quan trọng không phải số lượng mà là chất lượng, bạn cần luyện nói, ghi chú từ mới… chăm chỉ. 

Trên đây là bộ ba bí kíp thần sầu được các cao thủ Nhật ngữ Ao làng truyền tay nhau. Mong rằng chúng sẽ giúp ích cho bạn sớm ngày “chém gió” tiếng Nhật thật điêu luyện nha. 

Nguyễn Hồng Liên