Hành trình chinh phục “Mắt bão” của cựu Sư tử “3+1” nhà Greenwich

Sau 3 năm du học “tại chỗ” ở ĐH Greenwich (Việt Nam) – TP.HCM, Chu Xuân Nam đã chuyển tiếp hồ sơ sang Anh Quốc học thêm 1 năm và tốt nghiệp ĐH Greenwich ngay tại thủ đô London. Trở thành Marketing Manager cho một công ty lớn ngay khi tuổi đời còn rất trẻ, Xuân Nam có không ít câu chuyện và kinh  nghiệm thí vị để chia sẻ cùng Cóc Đọc.

Từ chàng Sư tử “3+1”...

Có 3 năm học tập tại Đại học Greenwich (Việt Nam), đến năm cuối Chu Xuân Nam – sinh viên Khóa 1 ngành Business đã chọn cho mình cơ hội trải nghiệm tại môi trường Greenwich Anh quốc. Có thể nói, tại thời điểm đó những gương mặt đến từ ĐH Greenwich (Việt Nam) tại ngôi trường Greenwich Anh quốc còn khá ít ỏi. “Vào năm 2016, tại thời điểm mình đặt chân tới trường Greenwich Anh Quốc thì số lượng sinh viên Việt Nam vẫn chưa nhiều, đặc biệt là sinh viên dạng chuyển tiếp (3+1) giống như mình thì chưa thấy.” – Xuân Nam cho biết. Và Chu Xuân Nam đã phát huy hết những kiến thức kỹ năng đã được chuẩn bị sẵn tại Việt Nam của mình để có một hành trình học tập và công việc đáng ngưỡng mộ.

Ngay từ thời gian đầu khi xác định sẽ “thả mình” ở một thành phố xa lạ cách Việt Nam hơn 10 giờ đồng hồ bay, Xuân Nam đã phải chuẩn bị kĩ lưỡng mọi thứ. Từ kiến thức học được tại trường cho đến các giấy tờ cần thiết đề chuẩn bị cho quá trình nhập học và chuyển tiếp hồ sơ từ Đại học Greenwich (Việt Nam) sang Greenwich Anh Quốc (UoG), giấy khám sức khỏe, thủ tục tài chính... Chia sẻ về quãng thời gian đó, Nam bày tỏ: “May nhờ có các anh/chị CTSV tại Đại học Greenwich (Việt Nam) hỗ trợ mình nhiều, đặc biệt trong việc lấy bảng điểm BTEC – Business and Technician Education Council (Hội đồng Giáo dục Kỹ thuật và Thương mại Anh) của hội đồng Edexcel”. Tiếp theo đó, anh chàng phải dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về những khu vực xung quanh trường, những “bí kíp sinh tồn”, phương tiện đi lại và nơi ăn chốn ở tại Anh Quốc... và tham gia vào cả cộng đồng sinh viên Việt Nam sinh sống tại Anh Quốc - SVUK để học hỏi kinh nghiệm và hỏi sự trợ giúp khi cần đến. 

Chu Xuân Nam trong buổi lễ Tốt nghiệp tại Đại học Greenwich Anh

Dù thuận lợi đặt chân đến xứ sở sương mù nhưng đó chưa phải là kết thúc. Cái khó đầu tiên của một sinh viên ra nước ngoài du học là khả năng ngoại ngữ. Xuân Nam thừa nhận: “Mặc dù được tiếp cận và trau dồi tiếng Anh từ rất sớm, nhưng khi đặt chân đến Anh Quốc mình vẫn bị bất ngờ và hoang mang. Tốc độ nói chuyện của người bản xứ rất nhanh, còn hay nói tắt khi giao tiếp”. Nhưng với phương châm càng yếu kém càng phải học hỏi, dám thừa nhận, dám thay đổi, cách Xuân Nam vượt qua rào cản về ngôn ngữ chính là mạnh dạn giao tiếp, chịu khó hỏi lại thông tin khi nghe không rõ để cải thiện và làm quen với môi trường, luyện thêm kĩ năng nghe/nói bằng cách nghe đài BBC News. “Và dù bằng bất cứ cách nào hãy làm hết sức. “Dám thử”, không sợ sai chính là “vũ khí” để vượt qua rào cản ngôn ngữ” – Xuân Nam tâm sự.

...đến Marketing Manager tại Mắt Bão BPO

Trở về nước để cống hiến, Xuân Nam không khỏi làm bạn bè đồng trang lứa bất ngờ với vai trò mới, khả năng mới. Đó chính là khi Nam trở thành Marketing Manager tại Mắt Bão BPO – một công ty lớn tại Việt Nam về cung cấp dịch vụ Thuê ngoài (Outsourcing) cùng nhiều đối tác như Shopee, Lazada, ACECOOK, DAIKIN...

Trở thành một Manager khi tuổi đời còn trẻ, Nam cũng không tránh khỏi những nghi ngờ và cả áp lực bủa vây. Chính bản thân Xuân Nam nhận định: “Khi bắt đầu đi làm, bạn sẽ có những áp lực về khối lượng công việc và khi có thêm vai trò quan trọng ở doanh nghiệp, bạn ắt sẽ có thêm áp lực về “trách nhiệm”. Những khó khăn, áp lực Nam gặp phải đến từ sự phức tạp của Marketing – ngành luôn đòi hỏi cập nhật xu hướng và theo dõi/bám sát hành vi tiêu dùng, và trách nhiệm tìm ra cho doanh nghiệp một hướng đi và kế hoạch thực hiện khả thi tạo ra lợi nhuận.

Nam chia sẻ, anh chàng vượt qua những áp lực này tương đối... dễ dàng ũng nhờ quãng thời gian học tại Greenwich - nơi giảng viên sẽ chỉ nói cho bạn góc nhìn của họ và các đầu mối sách để tham khảo và đọc. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về chủ đề đó, bạn bắt buộc phải đọc sách và đàm thoại với giảng viên hoặc người hướng dẫn của mình. Thế nên, ngay từ thời sinh viên, Xuân Nam đã luôn tự đưa bản thân mình vào khuôn khổ nghiêm túc, cầu tiến và chủ động tìm kiếm kiến thức nên khi đi làm, anh chàng không hề thấy hoang mang hay lo lắng. 

Hiện Xuân Nam là Marketing Manager tại Mắt Bão BPO và là thành viên của Greenwich Alumni Family

Theo Nam, ngoài việc không ngừng học hỏi, rèn giũa thì cách để Xuân Nam vận hành bản thân tốt nhất cho mọi việc chính là chơi thể thao để xả stress và duy trì những thói quen tốt để thêm yêu thích công việc đang làm của mình. “Mình thường đi làm sớm 30 phút để thưởng thức tách café gần công ty, luôn dành tối thiểu 1 tiếng buổi tối để đọc sách về chuyên môn mình đang làm”.

Ước mơ của bạn, chỉ bạn mới có thể xây

Sau quãng thời gian sống và học tập tại Anh Quốc, Xuân Nam đã dành 3 tính từ để nói về người Anh: Nguyên tắc, kín đáo và lạnh lùng. Lạnh lùng ở đây không phải “phớt lờ”, vô cảm, mà là người Anh rất tôn trọng cuộc sống riêng của mỗi người, nên khi bạn cần họ hãy mạnh dạn nói ra, họ sẵn lòng giúp đỡ. “Mình cảm thấy điều này cũng rất hay ho. Nếu bạn cần trợ giúp, bạn phải nói ra. Còn không, cứ tự mình cố gắng và nỗ lực thôi. Sẽ chẳng ai đến và hỏi rằng bạn có cần cái này, cái kia không. Ước mơ của bạn, chỉ bạn mới có thể xây” – Nam tâm sự. 

Từ hành trình của Chu Xuân Nam, chúng ta có thể rút ra bài học thật thú vị: Ai cũng cần có ước mơ, đặc biệt là những người trẻ. Nhưng chỉ mơ mà không làm, hay có thể làm nhưng lại không dám mơ thì không bao giờ có thể tiến xa được. Mong rằng câu chuyện của Xuân Nam đã mang đến nhiều cảm hứng cho độc giả của Cóc Đọc số này. 

Hạ Băng