Những “phép trừ” của tuổi trẻ

Ví cuộc sống như một bài toán đặt ra cho mỗi người, có lẽ sự thêm bớt cộng trừ luôn xoay vần trong từng quyết định. Nhưng kể ra thì ta vẫn muốn thêm hơn là bớt. Có điều, sự cộng dồn tích lũy đó có thực sự tạo ra giá trị hay ta đang cộng hoài những con số âm? 

Bắt đầu từ những phép tính đơn giản hồi ta còn học tiểu học, bạn có thích tính toán những “phép trừ”? Chúng ta không muốn bỏ đi những món đồ chơi đã cũ dù chẳng bao giờ chơi chúng... Lớn hơn một chút, ta chẳng muốn xóa những bài hát trong điện thoại dù mỗi lần điện thoại phát đến bài đó là lập tức bạn ấn "next" và bộ nhớ thì ngày càng đầy. Tủ quần áo ngày một chật dù có nhiều bộ bạn chưa một lần mặc và cũng không biết đến bao giờ mới có ý định mặc. Có những mối quan hệ xã giao chẳng bao giờ gặp gỡ, trò chuyện nhưng bạn vẫn muốn giữ trạng thái "Friend" trên MXH. Nhưng rồi, có bao nhiêu người trong danh sách đó sẽ xuất hiện khi bạn gặp chuyện? Ta cố gắng ôm đồm thật nhiều việc để trở nên bận rộn: học hành, tham gia CLB, làm thêm dăm ba chỗ, các dự án cộng đồng, những lần tụ tập bạn bè... ta chẳng nỡ bỏ việc gì vì sợ mình sẽ thụt lùi so với chúng bạn.

Những phép trừ loại bỏ phiền não

Có lẽ ta vô tình quên đi, cuộc sống cũng cần những “phép trừ”. Xét cho cùng món đồ ngày bé ta đòi thêm, những bộ cánh xếp dài trong tủ chính là những nhu cầu của bản thân. Nhu cầu thay đổi, mới lạ, đủ đầy đáp lại những mong muốn, sở thích, kỳ vọng. Chúng ta thường dễ bị chi phối bởi những ham muốn vật chất, bị xáo trộn bởi vinh hoa, phú quý. Nhu cầu càng lớn, phiền não sẽ càng nhiều. Nếu chỉ biết thêm vào mà không biết dùng “phép trừ”, sẽ không bao giờ ta thấy đủ. Người biết dùng “phép trừ” luôn nhận ra sự đủ đầy trong cuộc sống.

Diễn viên điện ảnh nổi tiếng Hồng Kông, Châu Nhuận Phát đã dùng toàn bộ tài sản của mình ước tính hơn 700 triệu USD để làm từ thiện. Ông từng nói: “Trong cuộc sống, điều khó khăn nhất không phải là kiếm được bao nhiêu tiền mà là làm thế nào để giữ được tâm tình bình thản, dùng một phương thức đơn giản mà vô tư vượt qua quãng đời còn lại”. Mỗi ngày ông vẫn ngồi tàu điện ngầm, đi chợ mua đồ ăn, sử dụng chiếc điện thoại Nokia đã lỗi thời và không có bất cứ bộ quần áo hàng hiệu nào. Nhưng ông luôn tận hưởng niềm vui, vui sống mỗi ngày. Những giá trị vật chất khó lòng đong đếm đời sống tinh thần. Học cách nhìn nhận để thấy đủ, xa rời những món đồ vốn đã không cần thiết, sắp xếp lại cuộc sống. Bởi như ai đó từng nói: “Cốc nước đầy một nửa hay vơi một nửa là do suy nghĩ của mỗi người”. 

Những “phép trừ” bớt đi so sánh ưu phiền

Cũng giống như việc giảm bớt những nhu cầu không cần thiết, ta cần những “phép trừ” để bớt đi so sánh ưu phiền. Không ai hoàn hảo và rồi con người ta mải miết chạy giữa cuộc sống xoay vần. Ta cứ mãi so sánh mình với người khác, thầm mong muốn có được những thứ người khác có nhưng lại chẳng bao giờ trân trọng điều mình đang được sở hữu. Hoặc ta không biết rằng, để có thành quả như thế, họ đã phải lao động vất vả đến thế nào, hoặc phải đánh đổi những gì. 

Ta muốn thêm thật nhiều những mối quan hệ, gia nhập hội nhóm, gặp gỡ người này, người kia, tham gia sự kiện chỗ này, hoạt động chỗ khác… Càng như vậy, sự so sánh ngày càng tăng cao. Có điều sự cộng dồn tích lũy đó có thực sự tạo ra giá trị hay ta đang cộng hoài những con số âm? Thêm một cái kết bạn trên Facebook, những dấu tim, like trên các bài post, đôi ba dòng bình luận cũng là thêm những phép so sánh.

Đem cuộc sống của mình đặt lên bàn cân với người khác, đua tranh và đánh giá, sự so sánh chỉ khiến ta nhìn thấy mặt tối của đời mình, thay vì biết trân trọng, yêu thương.

Tránh xa cái gọi là "cộng đồng ảo", từ bỏ các mối quan hệ xã giao không cần thiết. Khi bạn không đạt đến được cấp độ cao hơn thì đó là mối quan hệ xã hội không đáng tiền. Hãy nhớ rằng mối quan hệ xã hội không phải là sự theo đuổi mà là sự thu hút mối quan hệ đó đến với mình. Ở bên cạnh những người ta yêu thương, cùng san sẻ với những người bạn thân tình, tuy không nhiều, nhưng lòng ta luôn an yên, không gây phiền hà người khác.

Những “phép trừ” giúp ta mài giũa bản thân

“Một mảnh gỗ tưởng như bỏ đi cũng có thể trở thành một kiệt tác, chỉ cần loại bỏ đi các chi tiết dư thừa”. Câu nói này làm tôi nhớ đến bức tượng “Sefl-made man” vừa có mặt tại khuôn viên Đại học FPT Hà Nội và ĐH FPT TP. HCM. Vào năm 1987, Bobbie Carlyle lần đầu tiên đưa hình tượng “Self-made man” đến với công chúng – bức tượng đồng về người đàn ông đang tự khắc nên mình từ đá. Kể từ đó đến nay, nó đã có nhiều phiên bản tại một số quốc gia. Hàm ý của bức tượng là mọi thành công đều đến từ chính bàn tay của bản thân, tượng trưng sự cho cố gắng và nỗ lực của chính mình. 

Một ý nghĩa qua trọng khác của tác phẩm chính là “phép trừ” mài giũa bản thân. Cuộc sống rất dài, những năm tháng mỗi chúng ta trải qua đưa đến nhiều bài học, nếu tự tay ta không biết đúc rút, loại trừ những yếu điểm, tạo tác nên những ưu điểm thì sẽ chỉ mãi như một khối đất đá thô cứng, vô dụng. Quá trình ấy không biết trước dài ngắn, bao tổn thất, mất mát, nhưng bạn hãy dám làm, mạnh dạn vứt bỏ đi những điều thừa thãi.

Cuộc sống không chỉ cần những “phép trừ” mà bản thân nó đã là một “phép trừ”. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Khi con người ta vẫn còn trên đời, tưởng rằng còn nhiều thời gian, nhiều cơ hội. Thực ra cuộc đời là “phép trừ”, gặp nhau 1 lần, ít đi 1 lần...". Người chúng ta còn có thể chào hỏi hôm nay không chắc tương lai sẽ còn gặp lại, việc hôm nay bỏ lỡ năm tháng sau này chưa chắc có cơ hội làm lại, ngày hôm nay qua đi, thời gian chẳng thể xoay vần trở ngược… đừng để những vấn vương, chần chừ kéo ta lại.

Năm cũ sắp qua, “phép trừ” của năm 2020 này sắp hết rồi. Hãy gói ghém lại hành trang của chính mình để bước đi an nhiên trên hành trình mới. Chúc các bạn sẽ tìm được bản thân mình ở một phiên bản hoàn thiện hơn. 

Vân Anh