Tuổi trẻ không hối tiếc - Sống không dũng cảm, uổng phí thanh xuân

Người ta thường nói tuổi trẻ là quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời, lúc mà chúng ta có đầy đủ sức khỏe, thời gian và một trái tim yêu đời… Thế nhưng, với nhiều người, dấu ấn còn đọng lại của quãng đường tuổi trẻ đó chỉ là những dở dang, sai lầm và sự nuối tiếc. Bởi như Huyền Chip đã nói “Sống không dũng cảm, uổng phí thanh xuân”, bạn đã đủ dũng cảm để sống một tuổi trẻ thật ý nghĩa? Cuốn sách “Tuổi trẻ không hối tiếc” sẽ phần nào giúp bạn trả lời câu hỏi đó.

Chúng ta thường không ý thức được sự ngắn ngủi của tuổi trẻ. Như một cái chớp mắt, tuổi trẻ vụt qua khiến chúng ta ngỡ ngàng nhận ra “mình lỡ hẹn rồi”. Những điều chưa kịp nói, những thứ chưa kịp làm mãi sẽ ở lại đâu đó trên chuyến tàu tuổi trẻ không tấm vé khứ hồi. Chính bởi vậy, cuốn sách “Tuổi trẻ không hối tiếc” của Huyền Chip là một trong những cuốn sách tôi yêu thích nhất. Những tâm tư, chia sẻ và lời khuyên chân thành được chị thu lượm qua những trải nghiệm và cả cái chất hoang dã, luôn cháy hết mình vì cuộc đời của chị đã được đúc kết trọn vẹn qua cuốn sách khiến tôi không khỏi ấn tượng. Và cũng từ chính những điều ấy, tôi tìm thấy lý tưởng sống cho bản thân mình.

“Tuổi trẻ không hối tiếc” của Huyền Chip tổng hợp những điều mà chị đã học được trong quãng thời gian thanh xuân của mình khi “độc hành” xách ba lô lên và đi các nước trên thế giới, cũng như trong cả quá trình học tập tại Standford – một trường đại học danh tiếng tại Mỹ. 

Cuốn sách gồm 4 chương: Hành trình trở thành người lớn, Học, Làm và Cháy. Điều khá đặc biệt của cuốn sách nằm ở lời tựa mở đầu được tác giả viết rất chân thành. Huyền Chip nói về hoàn cảnh của chị và cách chị lựa chọn con đường đi riêng của mình mà không chọn con đường “truyền thống” như những người khác. Chị chia sẻ rằng, chị không trông đợi cuốn sách sẽ giúp độc giả của chị vấp ngã ít đi, mà chị mong đợi chúng ta đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Cá nhân tôi rất yêu thích lời tựa ấy, thậm chí, chính những chia sẻ rất thật trong đó đã khiến tôi càng muốn đọc và tìm hiểu sâu nội dung cuốn sách. 

Xuyên suốt cuốn sách là ý nghĩa của “đi”: Đi để khám phá những vùng đất mới, trải nghiệm những nền văn hóa mới, tích lũy kỹ năng và những mối quan hệ mới. Với chuyến đi vòng quanh thế giới của mình, Huyền Chip đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ dám sống với đam mê, dám theo đuổi ước mơ. Và bên cạnh đó, tác giả cũng dành một phần của cuốn sách để nói về cái chết. Một lẽ dĩ nhiên, ai rồi cũng sẽ chết đi. Nhưng cái chết không đáng sợ, đáng sợ hơn là khi chết đi không để lại điều gì ý nghĩa cho cuộc đời. Bởi thế, Huyền Chip luôn nhấn mạnh bản thân luôn phấn đấu vì một cuộc sống không xoàng xĩnh.

“Một cuộc sống không xoàng xĩnh, với tôi, là một cuộc sống có ý nghĩa. Là cuộc sống mà tôi tạo ra được giá trị thực sự, giúp đỡ được nhiều người, cho đi nhiều hơn là nhận. Là cuộc sống sau khi tôi chết đi, sẽ có người thương tiếc sự ra đi của tôi không phải vì mối quan hệ máu mủ, mà bởi vì tôi đã góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ”.

Song song với những câu chuyện cá nhân, những lời tâm sự chân thành còn là những kinh nghiệm chị muốn chia sẻ với các độc giả trẻ về chuyện học hành, làm việc, yêu đương, đi và sống cùng những sự so sánh khác biệt giữa Việt Nam và các nước phương Tây trong quan điểm về quyền tự do thể hiện cái “tôi”, về môi trường giáo dục, tiền bạc…

Nhưng có lẽ, phần tôi thích nhất trong “Tuổi trẻ không hối tiếc” là chương “Hành trình trở thành người lớn” – “Viết cho em”. Đó vừa là lời tâm sự mà Huyền gửi cho em trai 18 tuổi của chị, lại vừa là lời tâm sự chị gửi cho những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuổi 18 – cái tuổi mà chị định nghĩa “đã hết là trẻ con mà vẫn chưa biết làm người lớn”, cái tuổi bạn phải đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc đời. Thành công hay thất bại sau này, một phần cũng do tuổi 18 ấy. Bỡ ngỡ, sợ hãi, đơn độc, nghĩ rằng không ai hiểu mình, không biết mình muốn gì, phải đưa ra những quyết định quan trọng của cuộc đời mà chẳng có cách nào biết nó đúng hay sai? Đặc biệt hơn, đó là cảm giác không chỉ của các bạn trẻ đang trong độ tuổi ấy mà còn là cảm giác của Huyền gần 10 năm về trước. 

Chính những tâm sự về tuổi 18 ấy khiến tôi cảm nhận được sự đồng cảm giữa bản thân và tác giả. Thì ra, một con người tự nhận là “bất kham”, khác biệt và mạnh mẽ như thế cũng từng có cảm giác ấy – cảm giác chơi vơi giữa ngã ba đường, giữa ngã ba của những sự lựa chọn. 

Câu nói mà tôi thích nhất và cũng là câu nói khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất trong chương này là: “Đừng bao giờ làm bất cứ điều gì chỉ vì ai đó bảo em làm điều đó, bởi ai cũng làm nó, hay bởi vì em đã làm nó bao nhiêu năm nay rồi. Cuộc sống của em được định nghĩa bởi những quyết định em đưa ra”. Những lời khuyên của chị dành cho đứa em trai “bé bỏng” ấy cũng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Bởi chính bản thân tôi cũng đã, đang ở cái ngưỡng mười tám, đôi mươi đầy thử thách ấy. 

“Tuổi trẻ không hối tiếc” là lời tâm sự chân thành của một người chị đầy trải nghiệm và cũng nhiều kinh nghiệm dành cho các bạn trẻ. Với tôi, “Tuổi trẻ không hối tiếc” chưa phải là một cuốn sách với những quan niệm và lời khuyên hoàn hảo. Đồng tình có, không đồng tình cũng có, nhưng khi đọc cuốn sách, tôi dường như hiểu nhiều hơn về bản thân, có thời gian nhìn lại chính mình và đã có thể đặt ra quyết tâm tạo nên một thời thanh xuân rực rỡ.

Diệu Vi