Chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022: Bất ngờ với những màn biểu diễn “chất nghệ” từ sinh viên FPT Edu

Ngày 19/8 vừa qua, vòng Chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 đã được tổ chức tại FPT Edu campus Hà Nội. Nhiều tiết mục trình diễn nhạc cụ dân tộc “chất nghệ”, được đầu tư công phu đã được sinh viên các đơn vị thuộc FPT Edu thể hiện trên sân khấu cuộc thi âm nhạc lớn nhất toàn tổ chức này. 

Ở bảng thi độc tấu đàn tranh, hai thí sinh Đặng Ngọc Lan (ĐH FPT Hà Nội) và Đinh Thị Thu Na (ĐH FPT Đà Nẵng) đã thuyết phục Ban giám khảo bằng bản lĩnh sân khấu đáng nể khi cùng lựa chọn biểu diễn nhạc phẩm “Sang xuân” – vốn là một nhạc phẩm đòi hỏi sự điêu luyện và khả năng cảm thụ tinh tế. Tuy nhiên, mỗi người lại có phong cách biểu diễn đặc trưng, khiến hai màn trình diễn không bị “một màu”.

Với tác phẩm “Sang xuân”, thí sinh Đặng Ngọc Lan (ĐH FPT Hà Nội) đã được đánh giá cao về khả năng nhấn nhá tinh tế, có chiều sâu xuyên suốt phần trình diễn.
Cùng là tác phẩm “Sang xuân”, nhưng phần thi của thí sinh Đinh Thị Thu Na (ĐH FPT Đà Nẵng) lại chiếm cảm tình của Ban giám khảo và các khán giả ở “thần thái” biểu diễn vô cùng tự tin và chuyên nghiệp.

Với phần thi độc tấu sáo trúc, các thí sinh dù “đơn thương độc mã” song vẫn đem đến cho khán giả những mà trình diễn đầy chỉn chu. Bên cạnh đó, bảng đấu này cũng chào đón những đại diện duy nhất của FPT Polytechnic Hà Nội và ĐH FPT FPT Quy Nhơn. 

Đại diện duy nhất của FPT Polytechnic Hà Nội – Phạm Huy Hải dù không được học nhạc cụ dân tộc như môn chính khóa nhưng vẫn tự tin trình diễn trước Ban giám khảo và hàng trăm khán giả nhờ tinh thần tự học hỏi và đam mê nghệ thuật dân tộc.
Đỗ Phi Hùng – thí sinh duy nhất của ĐH FPT Quy Nhơn dành được sự quan tâm và cổ vũ đặc biệt từ khán giả với hai tiết mục độc tấu sáo trúc “Bèo dạt mây trôi” và “Tình ca Tây Bắc”.

Tại Vòng Chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, một số tiết mục đã khiến sân khấu bùng nổ bởi nét âm nhạc hiện đại, trẻ trung kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc truyền thống. 

Màn độc tấu “Nơi này có anh” của Phạm Gia Khôi (ĐH FPT TP. HCM) là một trong những tiết mục được đón nhận và ủng hộ nhiệt tình nhất.
Ca khúc “Việt Nam ơi!” được thể hiện một cách mởi mử qua tiếng đàn nguyệt của Phạm Quý An – thí sinh đến từ ĐH FPT TP. HCM.

Không chỉ chăm chút phần âm thanh, các thí sinh còn đầu tư rất kỹ lưỡng về trang phục cũng như dàn dựng tiết mục. Nhờ vậy, FPT Edu Tích Tích Tình Tang không chỉ còn là một cuộc thi đơn thuần mà đã trở thành không gian văn hóa, nghệ thuật vô cùng đặc sắc và ấn tượng.

Mang đến bản hòa tấu “Mã vũ xàng xê” – giai điệu rất được ưa chuộng trong Nhã nhạc cung đình Huế, nhóm thí sinh đến từ ĐH FPT Hà Nội đã kết hợp nhiều loại nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn bầu, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, sáo và trống để trình diễn một cách vô cùng hài hòa.
Phần trình diễn của Lưu Vũ Quỳnh Trang (ĐH FPT Hà Nội) được đầu tư kĩ lưỡng về trang phục, đạo cụ cũng như “thần thái” chơi nhạc cực “phiêu” của Trang và dàn nhạc.
Khúc ca hào hùng “Lên ngàn” được Nguyễn Hoàng Dương (ĐH FPT Hà Nội) thể hiện qua tiếng đàn bầu hòa hợp cùng những thước phim tài liệu xưa cũ và màn múa được biên đạo đẹp mắt, khiến khán giả chìm đắm trong không gian thơ và tình của những năm tháng cách mạng.
Lấy cảm hứng từ những dấu ấn, sự kiện lịch sử lừng lẫy như sự tích con Rồng cháu Tiên và trống đồng Đông Sơn, tiết mục trống “Hồn thiêng đất Việt”khiến người xem như đắm chìm trong những trang sử hào hùng của dân tộc.
“Chiến binh – Quái thú” – một phần trình diễn đến từ ĐH FPT Hà Nội cũng gây ấn tượng với khán giả với concept độc, lạ cùng âm thanh hoành tráng, visual “rực lửa”, bắt mắt và phần biên đạo phụ họa bắt mắt.
Tiết mục trình diễn hòa tấu đàn tranh “Hò kéo pháo” đã đem người nghe trở về những giây phút hào hùng của lịch sử trong chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vòng chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang đã diễn ra trọn vẹn trong không khí nghệ thuật đầy niềm tự hào dân tộc. Những tiết mục xuất sắc  được xướng danh và công diễn tại lễ trao giải cuộc thi vào tối 20/8 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 

Hoàng Hiệp