Chuyến xe ngày trở về

Trong muôn vàn chuyến xe tôi đã từng đi, chuyến xe trở về năm ấy có lẽ là chuyến xe khó quên nhất – chuyến xe đi với bác cả. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu thế nào là niềm vui ngày sum họp. 

Không giống tầm giờ này mọi năm, 4 người gia đình tôi thường lách cách hành lý ra bến xe vào độ ngày 29, 30 Tết. Năm nay nhà tôi theo xe bác cả về quê. Bác là anh trai bố tôi, xa xứ đã hơn 10 năm. Đến nay tôi cũng chẳng nhớ mặt bác rõ ràng ra sao, chỉ biết lần cuối tôi gặp bác là khi lên 5 – năm ông tôi mất.

Bác tôi cùng gia đình đáp chuyến tại sân bay Nội Bài, lên một chiếc xe 9 chỗ thuê sẵn đón gia đình tôi cùng về quê ăn Tết. Xe dừng tại đoạn đường cả nhà tôi đứng đợi, Bác nhanh chân kéo cửa xe gọi to mấy tiếng: “Chú à! Nhanh lên! Nhanh lên!”. Nghe hối hả y như tiếng phụ xe gọi khách ngày Tết trên những chuyến xe gia đình tôi thường về thăm quê. Vừa ngồi xuống chỗ, bác tôi liên tục nói: “10 năm, 10 năm rồi Bác không được đón Tết ở nhà, 10 năm…”. Cả chiếc xe bao trùm một khoảng lặng, khoảng lặng của những người lớn lặng nhìn nhau, của đám trẻ chăm chú nhìn điện thoại… Có chăng đám trẻ chúng tôi chẳng hiểu thời Zalo, Facebook hiện hành như bây giờ, quê hương có gì muốn ngắm mà không được, bác nôn chân vội vàng làm gì.

Cách đây 10 năm, cũng lần về quê đón Tết như bây giờ, chỉ là năm đó bác về ông nội đã đi xa. Giá mà khi đó có Facebook, Zalo chắc bác cũng kịp nhìn mặt ông lần cuối. Khi ấy chỉ có gia đình tôi lo liệu, bác thì chẳng đủ tiền về, bác về cũng chẳng kịp. Vậy là năm đó đợi đến Tết, bác về quê thăm bà, đứng cả buổi ngoài mộ ông, qua độ tuần Tết bác lại đi đến giờ đã hơn chục năm.

Bác cả ngồi đó, mắt nhìn đăm chiêu… Bác buồn. Nỗi buồn của những người đàn ông bao giờ cũng vậy, yên lặng và dữ dội.

Rồi bác nhìn những đứa cháu của mình, tôi cũng nhìn lại bác. Ánh mắt gượng gạo của những người thân chẳng có mấy dịp gặp nhau. Tôi không còn là cậu bé 5 tuổi bác gặp khi xưa, bác cũng chẳng gây ấn tượng trong tâm trí tôi. Nhìn bác tôi như thấy một nỗi niềm, nỗi niềm tìm về quê hương và cũng lạc lõng giữa nơi đất mẹ. Nỗi lo lắng trước sự thay da đổi thịt của nơi thân thương. Sự nao núng liệu gặp lại người quen còn nhớ hay đã quên. Và cả niềm trông chờ, dù tôi đã đón Tết bao năm qua, nhưng mỗi khi tôi nghĩ mình đã thôi niềm náo nức ấy thì chuyến xe trở về lại gọi dậy những âm vang đón xuân trong lòng. Tôi tin bác cũng vậy, cái náo nức chờ đợi của người con xa quê 10 năm hẳn còn hơn thế nữa…

10 năm trôi qua, miền quê nuôi dưỡng bác từ tấm bé đã đổi thay, con đường đất đá thay bằng những dải đường xi măng, nhà cửa cũng khác xưa, vườn cây xóm lá chẳng đợi đến chục năm qua đi mà mỗi năm nhà tôi về ăn Tết đều khác đi nhiều. Ngoài đồng vụ lúa đông xuân xanh ngắt, gió thổi xào xạc rụng tàu cau ở trong vườn. Cảnh quê hiện ra trước mắt, ánh mắt bác qua khung cửa xe dõi theo như nhìn về xa, về những tháng năm đã qua. Xe vẫn đi, ngang qua những vườn hoa tết, ngang qua chợ búa, xóm làng, ngang qua những trái tim hừng hực lửa quê hương, lửa của sum vầy của Tết. Hai bên đường người ta đang bận bịu với công việc sắm sửa ngày Tết, mua chút quà bánh, lựa cành đào hồng, ngắm cây mai vàng, những khó nhọc, bươn chải cả năm đều để dành cho ngày Tết yên vui. 

(Ảnh sưu tầm)

Tôi không rõ bao năm qua bác đã đi những đâu, đặt chân trên những nẻo đường nào, nhưng có lẽ giờ phút này, con đường trở về quê hương đã thu trọn tầm mắt bác với vẻ nhớ thương khôn nguôi. 

Đường về không còn xa, cha tôi lấy điện thoại gọi báo cho bà sắp về tới nơi. Nói đến cuộc điện thoại, từ hôm biết bác về, gia đình mấy người gọi nhau ngày cả chục cuộc. Bà tôi tuổi già, bệnh lãng tai từ lâu, mỗi lần gọi điện cha tôi đều phải nói thật to, tôi nghe đi nghe lại những cuộc điện hỏi thăm của bà. Dù chẳng biết gì về tàu xe nhưng lúc nào bà cũng dặn: “Các con đi lại cẩn thận, về chầm chậm thôi mẹ vẫn đợi…”. Bà còn hỏi bố tôi: “Không biết thằng cả thích ăn gì, bao năm mới về quê ăn Tết không biết có lạ miệng không, con xem bây giờ thích ăn gì để mẹ làm cơm”. Câu chuyện mấy ngày không hết, cha tôi nói bà không cần chuẩn bị gì, các con sẽ lo liệu ngày Tết. Nhưng tôi biết bà gật gù với bố tôi thế thôi, rồi lại giết gà, mua lợn làm giò, ra chợ hàng quán có cái gì là bà lại mua, bao năm tôi về Tết đều vậy cả.

(Ảnh sưu tầm)

Chuyến xe sắp dừng bánh, chuyến xe về lại nơi chôn rau cắt rốn, chuyến xe hành trình 10 năm bỏ lại hai bên đường rung rinh những mạ lúa mới ươm, phấp phới bay trong gió như gợi nhắc những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu. Chúng ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để trở về. Nhìn ánh mắt bác cả, lòng tôi chợt xáo động, tính ra 10 năm tôi cũng chỉ về thăm quê hơn chục lần dịp lễ Tết, đâu hơn bác là bao. Liệu có gì tôi đã bỏ quên được ánh mắt ấy gợi về. Có lẽ là niềm trân quý, trân quý những thời giờ còn được cạnh bên gia đình, còn có thể dễ dàng cùng mẹ cha về với bà, còn được thấy nồi bánh chưng bà nấu bao giờ cũng thừa một cái không nhân cho riêng tôi và hơn hết là còn được thấy dáng hình bà cặm cụi, thân thương.

Xe dừng chân cửa nhà, tôi cùng các em phụ mọi người bê đồ vào trong. Tiếng bà gọi ra: “Mấy đứa về đấy à?”. Mấy chú chó trông nhà thấy người lạ bắt đầu sủa inh ỏi, xóa tan bầu không khí im bặt buổi xế chiều vắng lặng giữa miền quê. Bác tôi gọi to: “Mẹ ơi, là con đây, con của mẹ đã về đây…” rồi ôm chầm lấy bà. Bác khóc… Giọt nước mắt không biết đã đè nén bao nhiêu lâu. Bác khóc như đứa trẻ bị đòi quà, nức nở từng cơn. 

Bác thắp hương trên bàn thờ ông, mùi hương nhang thoang thoảng, mắt bác đỏ hoe… Hành trình trở về cuối cùng cũng khép lại, có lẽ trong cuộc đời mỗi người sẽ có muôn vạn dặm hành trình, nhưng hành trình tìm Tết luôn giữ mãi những cung bậc cảm xúc riêng, an nhiên và sum vầy.

V.A