Đừng gồng gánh giấc mơ của bất kỳ ai, ngoại trừ chính mình!

Sự nghiệp lẫy lừng đến mấy liệu có quan trọng bằng việc bạn có hạnh phúc hay không? Thành công có ích gì khi mà trầm cảm kéo dài, buồn chán không ngừng với thực tại?

Thời thơ ấu, chúng ta thường hay ôm giấc mộng nghề nghiệp sau này, nhưng tới khi trưởng thành không phải ai cũng đủ may mắn để theo đuổi giấc mơ ngày bé. Thậm chí nhiều ước mơ phải gác lại vì người lớn trong nhà phản đối, cho rằng chạy theo đam mê chỉ phí hoài công sức, không có tương lai chắc chắn, không có sự nghiệp vững vàng sau này. Dưới sự sắp đặt của phụ huynh, nhiều người trong chúng ta bị nhào nặn theo mong muốn của người lớn, được nhét vào tay lộ trình chi tiết được cha mẹ vẽ ra, từ việc học gì, thi gì, tham gia các hoạt động ra sao, cần lấy những chứng chỉ nào... Tất cả dường như đều vì tương lai của chính chúng ta, nhưng lắm lúc người trong cuộc lại chẳng hề hạnh phúc với những kế hoạch được vạch sẵn. Thậm chí theo thời gian, khi cứ phải theo đuổi một con đường vốn chẳng hợp với mình, nhiệt huyết và hứng thú cạn kiệt, gánh nặng của trách nhiệm trĩu nặng trên vai khiến bạn cảm thấy kiệt quệ trong những việc đơn giản nhất như thức dậy, lên giảng đường, tới thư viện. Tâm trí dường như chỉ muốn được giải phóng khỏi thực tại chán ngắt để bứt phá làm một điều gì đó mới mẻ, sống một cuộc đời khác, miễn sao được là chính mình. 

Có những người quyết liệt để tự cứu mình đã chọn cách chuyển ngành, chuyển nghề, thậm chí là nghỉ học để tìm con đường khác phù hợp hơn.

Một số khác ôn hòa hơn tuy vẫn tiếp tục lộ trình đang đi, nhưng tìm kiếm sự nâng đỡ về mặt tinh thần thông qua các hoạt động cộng đồng để có nơi giải tỏa, trò chuyện, kết nối. 

Nhưng cũng có những người phó mặc bản thân trôi lăn theo guồng quay định đoạt từ bên ngoài, cược cuộc đời mình vào tay người khác với ước mong rằng đời mình rồi sẽ ổn. Nhưng liệu chúng ta ổn được không khi mà bản thân chỉ đang nỗ lực để làm đẹp lòng người khác, chứ không hề hào hứng với chính thành quả của mình? Ổn được không khi bạn theo đuổi một ngành nghề, còn trái tim lại hướng theo con đường khác? 

Dương Thùy là một cây bút tự do, một kẻ khờ mộng mơ, thích trò chuyện với trái tim mình hàng ngày

Đọc “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, cuốn sách tự thuật của những người trẻ vì những lý do khác nhau mà mắc kẹt lại trong hành trình trưởng thành, tôi nhớ mãi về trường hợp của Li (22 tuổi) – một sinh viên ngành Điện ảnh. Li luôn là cái “cúp” đầy tự hào của mẹ với thành tích học hành xuất sắc, điểm thi TOEFL đạt 115/120, tham gia vô số dự án, dạy trẻ, làm thêm ở công ty, giật học bổng toàn phần, đăng kí học hai bằng bên Mỹ. Năm đầu ĐH, Li còn học vượt số tín chỉ, làm vài job, dành dụm được 20.000 đô. Thế nhưng cô bị “bẻ gẫy” khi bước sang năm thứ 2. Li kể khi cô ngồi ở Amsterdam, trước mặt là người yêu, là đồ ăn ngon, nhưng nước mắt không ngừng chảy vì thấy mình bất hạnh quá, cứ như bị tra tấn không ngừng nghỉ vì quá nhiều áp lực. 

Tôi tin Li chỉ là đại điện cho một số không nhỏ những người trẻ đầy hoang mang trong quá trình trưởng thành, thậm chí là trầm cảm khi phải gắng sức mang vác kì vọng của những người xung quanh. Mới đầu, chúng ta cố gắng để làm vui lòng cha mẹ, để được yêu thương, để được thừa nhận, dần dần cố gắng trở thành trách nhiệm phải hoàn thành để tròn vai một người con ngoan, trò giỏi, để không làm hỏng hình ảnh “con nhà người ta” đã gắng công tạo dựng trong nhiều năm. 

Thế nhưng sự nghiệp lẫy lừng đến mấy liệu có quan trọng bằng việc bạn có hạnh phúc hay không? Thành công có ích gì khi mà trầm cảm kéo dài, buồn chán không ngừng với thực tại?

Có thể người khác sẽ không hiểu nổi vì sao bạn vốn là người giỏi giang nhưng cứ mãi giẫm chân tại chỗ, vùng vẫy quay cuồng trong bãi lầy cảm xúc, của sự chán chường. Họ cho rằng nếu đã có một xuất phát điểm hơn hẳn nhiều người, có một cuộc đời không phải lo nghĩ nhiều về vật chất, vậy thì vì sao bạn không tận dụng cơ hội mà tiến lên, sao cứ để bản thân loay hoay vì những áp lực không tên? Sao lại dễ bị nhấn chìm bới stress? 

Tôi cho rằng đó là vì con đường bạn đang đi không xây lên từ nền tảng vững chắc, không xuất phát từ thiên hướng, đam mê, khát khao của chính bạn, mà đó là lựa chọn do người khác áp sẵn. Thành thử một khi lơi tay khỏi người dẫn đường, bạn bơ vơ, không còn mục tiêu để phấn đấu. Chỉ khi nào tìm được một lĩnh vực bạn thực sự say mê, khi ấy bạn mới thực sự tận tâm tận lực say mê hứng thú với chuyên ngành đó, mới có động lực vượt qua mọi khó khăn, muốn sáng tạo tìm tòi tự thúc đẩy mình tiến về phía trước.  Nhiều người cho rằng chỉ cần vào Đại học, chọn xong chuyên ngành rồi cứ thế mà theo cho tới khi ra trường, nhưng tôi lại nghĩ những năm tháng trên giảng đường là quãng thời gian quý giá để tự hỏi chính mình xem bản thân có phù hợp với con đường đã chọn hay không, liệu bạn có thể sống cả đời với chuyên môn mình đang theo, hay bạn có thể làm tốt hơn, sống vui hơn trong một vai trò khác, một nghề nghiệp khác. 

Hãy dùng những năm tháng sinh viên để khám phá chính bạn, xem mình có năng khiếu, tiềm năng, thiên hướng, vượt trội trong lĩnh vực nào, công việc gì khiến bạn hăm hở, vui thích, chứ đừng ỷ lại chỉ biết chăm chăm cắp sách lên giảng đường và cho rằng vậy là đủ. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi bạn tìm được niềm vui trong đó, tận hưởng và phát triển chứ không phải cứ lăn theo lối mòn đã được vạch sẵn mà chẳng hề ham thích, hay có mục tiêu cụ thể cho riêng mình. 

Dương Thùy là tác giả nhiều cuốn sách như: “Đến lượt em tỏ tình” (tuyển tập truyện ngắn), “Giá quay ngược được chiều năm tháng” (tuyển tập truyện ngắn), “Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình” (tản văn)...

Quan trọng hơn cả là hãy sống với lựa chọn của mình, với sự hiểu rõ những lợi thế đang có. Chúng ta không có nghĩa vụ hoàn thành ước vọng của người khác, cho dù đó là mơ ước của cha mẹ hay bất kì người nào mà không phải là khát khao sâu thẳm bên trong bạn. Vì lựa chọn dù là của ai cũng đều đáng giá, đừng nhường quyền quyết định tương lai của mình cho người khác, bằng không rất có thể chính bạn sẽ trở thành người áp đặt con cái sống theo ý thích của mình, thực hiện những mong cầu, ước mơ mà bạn từng bỏ lỡ. Như vậy chẳng phải là một lối mòn đáng buồn hay sao. 

Thế nên trong những ngày tháng thanh xuân rực rỡ, hãy gắng sức hoàn thành ước mơ ấp ủ trong tim. Dù có thất bại thì ít ra bạn cũng đã làm, đã trải nghiệm và không phải hối hận vì đã bỏ lỡ cơ hội được là chính mình trong những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời người. 

Dương Thùy

 

THÔNG TIN TÁC GIẢ

Dương Thùy

Sinh năm 1988, là một cây bút tự do, một kẻ khờ mộng mơ, thích trò chuyện với trái tim mình hàng ngày. 

Tác giả các cuốn sách:

-       “Đến lượt em tỏ tình” (tuyển tập truyện ngắn)

-       “Giá quay ngược được chiều năm tháng” (tuyển tập truyện ngắn)

-       “Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình” (tản văn)

-       “Thương nhớ người dưng” (tuyển tập truyện ngắn)

-       “Đừng vội vàng, điều tuyệt vời nhiều khi đến muộn màng (tản văn)

Quote yêu thích: “Sống lâu trong những ranh giới được dựng lên để bảo vệ chính mình, ta quên mất rằng bản thân có khả năng làm được nhiều thứ hơn hiện tại. Tự do hơn hiện tại. Thậm chí là hạnh phúc hơn hiện tại đang có”.