Hãy luôn là một “binh nhất”

Tại sao lại là một “binh nhất” mà không phải sống như một vị tướng tài, nhà ngoại giao giỏi, ngài thống đốc quyền lực…? Bởi trước khi trở thành một người thành công ở vị trí cao nào đó, ai cũng đã từng là một “binh nhất” trong cuộc đời. 

Tại sao nên sống như “binh nhất” chứ không phải tướng tài?

Tôi còn nhớ ngày xưa, khi bước vào cấp 1 bài học cô giáo dạy đầu tiên là “5 điều Bác Hồ dạy”:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Học tập tốt, lao động tốt.

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

Giữ gìn vệ sinh thật tốt,

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Đó là những lời căn dặn Bác gửi đến các cháu thiếu niên, nhi đồng trích từ bức thư năm xưa, giờ thành bảng treo trong mỗi góc lớp nhắc nhở từng thế hệ học sinh. Thực ra khi còn nhỏ, như bao đứa trẻ khác, có đứa nghịch ngợm, có đứa chăm ngoan, nhưng chúng tôi đều hết lòng hết sức đọc to từng câu từng chữ Bác dạy. Rồi cứ thế năm tháng trôi qua, khi lớn lên, suy nghĩ ăn sâu mỗi câu mỗi chữ đã trở thành kim chỉ nam để noi theo nhưng có lẽ không phải lúc nào ý thức ấy cũng hiện hữu trọn vẹn. Sẽ chẳng lạ khi nhiều đứa trẻ lớn lên mà chưa một lần phải động tay động chân lao động. Cũng không phải ai cũng hòa nhập trong một môi trường tập thể. Dũng cảm đôi khi là cái gì đó chỉ có trong hình tượng.

Năm 18 tuổi, bước chân vào Đại học, ai cũng một lần tham gia khóa huấn luyện quân ngũ hay như trường F là tháng Rèn luyện tập trung. Lần đầu biết được thế nào là những câu lệnh quyết đoán, thế nào là tinh thần một người vì mọi người, biết lao động, kỷ luật nghiêm túc, trung thực, dũng cảm - Trải nghiệm thực của một binh nhất.

Nhớ lại tôi nghĩ Bác hẳn muốn lớp nhi đồng noi gương môi trường giáo dục như trong quân ngũ. Mỗi mầm non sẽ là những cây cao sau này, sinh sôi nảy nở, đâm hoa, kết trái tỏa hương sắc riêng. Nhưng có lẽ mọi mầm cây đều cần sự dẫn dắt ban đầu – một chiếc rào chống đỡ để cây đứng thẳng, theo khuôn mẫu để phát triển tốt nhất. Và đó chính là học cách sống như một binh nhất.

Bạn có sẵn sàng trở thành một binh nhất?

Một binh nhất chưa chắc đã trở thành một vị tướng tài, nhưng chắc chắn, một vị tướng tài đã từng là một binh nhất xuất sắc. Lối đi để trở thành một người tài giỏi có danh tiếng, tiền tài, hay địa vị… cần rất nhiều yếu tố nhưng nó luôn bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất và phẩm chất cơ bản nhất. Thật may khi ta có thể nhìn thấy và học tập nó qua cuộc sống của một người lính mới bước chân vào quân đội.

Sự kỷ luật là yếu tố đầu tiên. Tác phong quân đội phải tôn trọng kỷ luật, tuân theo quy tắc, chấp hành nhiệm vụ. Bởi bất cứ sai phạm nào luôn có hình phạt định sẵn. Và bất cứ bạn làm gì, đồng đội của bạn đều chịu ảnh hưởng bởi các hành động đó. Vì kỷ luật chính là nhấn mạnh yếu tố “một người vì mọi người”. Trong cuộc sống cũng vậy, tính kỷ luật là thứ không phải ai cũng có sẵn, nó là kết quả của sự rèn luyện, ý chí quyết tâm, trách nhiệm với chính mình và với người khác.  

Điều thứ hai mà quân ngũ đòi hỏi mỗi người lính là luôn có phương án B. Nhiệm vụ không phải lúc nào cũng có thể diễn ra theo ý mình, nhưng một binh nhất phải luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hãy tập thói quen tự hỏi bản thân rằng “Nếu ngay lúc này có vấn đề xảy ra thì mình sẽ làm gì?”. Dù lúc đó bạn ở đâu, làm gì cũng không quan trọng, chỉ cần bạn chuẩn bị sẵn trong đầu mình, một khi tình huống đó phát sinh, bạn sẽ làm gì đầu tiên. Ngay cả một kế hoạch tồi tệ cũng sẽ tốt hơn việc không có bất kỳ sự chuẩn bị nào. Trong cuộc sống cũng vậy, đừng bao giờ để bản thân rơi vào tình huống bị động.

Đừng bao giờ để bản thân rơi vào thế bị động

Để hoàn thành nhiệm vụ, sống tốt trong môi trường khốc liệt, mỗi binh nhất phải tự rèn luyện thân thể rắn rỏi, khỏe mạnh. Bạn có thể không bắn súng giỏi như các xạ thủ, không trèo đèo lội suối giỏi như các đặc công hay có thể đối mặt không chút do dự với nắng và gió biển khơi như các chiến sĩ hải quân nhưng bạn hoàn toàn có thể tập thói quen mà tất cả những người lính khi mới bước chân vào quân ngũ luôn duy trì chính là... tập thể dục buổi sáng. Một thói quen đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng không bao giờ nằm ngoài quá trình rèn luyện. Việc tập thể dục mỗi sớm mang lại một tinh thần tỉnh táo, cơ thể dẻo dai, sẵn sàng cho một ngày dài hoạt động. Đừng coi thường thói quen này, không mấy người có đủ kỷ luật và ý chí để duy trì nó đâu nhé.

Tiếp đó, vẻ ngoài chỉnh tề sẽ luôn được đề cao. Áo lính không nổi bật, không khoa trương nhưng mỗi người lính ăn mặc chỉnh tề luôn toát ra sự đĩnh đạc, nghiêm trang. Tất thảy quần áo và dụng cụ, thiết bị đều sạch sẽ, được bảo dưỡng kỹ càng và phải được sắp xếp theo cách gọn gàng và khoa học nhất. Luôn giữ cho bản thân sự sạch sẽ, gọn gàng sẽ giúp bạn tự tin hơn và ghi điểm trong mắt người đối diện. Một binh nhất sẽ luôn phải học điều này một cách nghiêm khác và bạn sẽ ngạc nhiên vì sự thay đổi của bản thân nếu áp dụng điều này trong cuộc sống đấy.

Và cuối cùng hơn ai hết trong cuộc đời này, bạn có thể thấy bất cứ ai ngoài kia sống vui vẻ và muốn thay đổi sự buồn bã của cuộc đời mình nhưng nếu còn chần chừ hãy nghĩ đến cuộc sống của một binh nhất. Rèn luyện vất vả, xa gia đình chưa phải là tất cả, mỗi hành trình, mỗi nhiệm vụ đều chờ đợi họ với thách thức, hiểm nguy, thậm chí cả sự hy sinh không lường trước. Nhưng có bao giờ người lính rơi lệ? Họ vẫn ca vang, vẫn mạnh mẽ sống đời lính, họ tìm thấy niềm vui trong hoàn cảnh người ta chỉ biết lo, biết sợ, biết mệt nhọc. Lạc quan không khiến gian khó mất đi, nhưng lạc quan luôn giúp bạn tìm ra cách giải quyết vấn đề. Nếu chỉ nhìn thấy màn đêm mà không hy vọng ngày mai tươi sáng, binh nhất sẽ chẳng thể chiến đấu cho hôm nay. Cuộc đời cũng như chiến trường vậy, định trước là khó khăn, ai can đảm tất sẽ thành công, nếu mãi sợ sệt, e dè bạn sẽ chỉ dậm chân tại chỗ và đôi khi là bị đào thải.

Hãy cùng tự biến mình thành một “binh nhất” trong chính cuộc đời của bản thân để sống ý nghĩa, trọn vẹn hơn bạn nhé.

Vân Anh