Tết này về nhà nhé

Rồi xuân sẽ chỉ còn là giấc mơ, giấc mơ được về nhà thôi, là câu chuyện “đi tìm” quê hương, đi tìm cái Tết “đúng vị”. 

Tôi cũng đã từng loay hoay trong câu chuyện đi tìm quê hương, tìm cái Tết “đúng vị” 

“Sao con không bán đất đi, rồi đưa vợ con về quê. Ở quê bây giờ phát triển, chẳng lo thiếu cơm ăn áo mặc, lại còn đủ dư dả, con cái cũng chẳng lo thiếu cơ hội phát triển”. Đấy là lời mẹ tôi hay nhắc mỗi lần gọi điện cho anh tôi, người anh họ mà mẹ tôi coi như con. 

Mẹ anh mất sớm, từ thuở tấm bé, mẹ gần như trở thành người mẹ thứ hai chăm lo, dạy dỗ anh. Anh lớn lên, lập gia đình rồi vào Sài Gòn sinh sống. Như bao chuyến xa quê của những thanh niên khác, anh đi mang theo mong ước sẽ tích góp đủ để khi rời nơi phố thị phồn hoa ấy, ngày trở về của anh sẽ bớt nỗi lo mưu sinh. Thế rồi mười mấy năm trường ròng rã, công việc ít phần thuận lợi nhiều phần khó khăn. Hai vợ chồng anh chật vật cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình, “của để dành” là vài mảnh đất cùng những khoản vay. Mới cách đây vài ngày lại là cuộc gọi “Tết năm nay có về không con?” của mẹ với anh. Thế nhưng đáp lại những cuộc gọi của mẹ tôi, anh chỉ nói con sẽ về mà chẳng biết là bao giờ.

Tôi tự hỏi rốt cuộc điều gì giữ chân anh lại nơi xa xứ ấy. Phải chăng là sự phồn hoa, là sự hào nhoáng của cuộc sống chốn thành thị. Rồi ngẫm tới bản thân sau gần 4 năm xa quê lên Hà Nội học, không ít những chuyến đi tôi chẳng hề đắn đo nhưng những chuyến đi về nhà, chẳng phải tôi cũng suy đi tính lại rất nhiều đó sao? Và tôi nhận ra, khi con người ta đang lạc lối, đang không thể tìm được đường về, không tìm thấy cái Tết mà người ta vốn mong chờ nữa, người ta cũng khó tìm thấy “đường về nhà”.

Tôi từng không hiểu vì sao anh tôi lại không về thăm nhà những ngày Tết đến

Vậy cái Tết mà tôi mong chờ là gì? Ngày nhỏ, Tết trong tuổi thơ tôi là chiều 29 với đầy lá dong, gạo nếp, là thức đêm canh bánh chưng cùng mẹ. Tết ngày đó là chiều 30 đi chợ Tết cùng bố sắm lấy cây đào về trưng trong nhà. Là đêm 30, theo bố mẹ đi lễ giao thừa rồi ra về trong tay bố mẹ, mắt ngắm nhìn trời đầy pháo hoa. Tết của những ngày xưa ấy có cái háo hức của sáng mùng Một, diện bộ quần áo mới được mẹ mua cho, nhận những bao lì xì đỏ đầu tiên rồi theo bố mẹ đi thăm ông bà. Với những đứa trẻ tầm tuổi tôi hồi đó, Tết là niềm vui, là tiếng cười của sự háo hức cho một dịp cả năm mới trải qua một lần. 

Và tôi lớn lên, vì sự nghiệp học hành, tôi cũng phải xa nhà. Tôi lao mình vào cuộc sống xô bồ tấp nập của đất Thủ đô. Tôi quên đi vị Tết quê nhà. Tôi thường cố tìm niềm vui mỗi dịp Tết nhưng rồi không ít lần kêu than “Tết bây giờ không còn được như ngày xưa nữa”. Sự trưởng thành khiến tôi dần va vào nỗi lo của người lớn mỗi dịp Tết về. Tết đến không còn phải rửa lá dong – việc ngày nhỏ tôi biếng nhác, thay vào đó là nỗi lo mua bánh chưng ở đâu của mẹ. Trăm ngàn cuộc vui ngày Tết không còn mang nét ngây ngô của những đứa bé ngóng chờ ngày mùng Một để diện bộ quần áo mới nhất đẹp nhất, mà gắn với những nỗi lo tiền bạc, các mối quan hệ. Rồi dần dần tự bao giờ trong đầu tôi có cái suy nghĩ “Tết nay mất chất rồi”. Và đây là lý do tuyệt vời nhất để những ngần ngại đắn đo cho chuyến đi trở về nhà mỗi dịp Tết trong tôi trỗi dậy. 

Hệ quả tất yếu, tôi và những bạn trẻ thế hệ của tôi cứ tiếp tục tự đẩy bản thân vào cuộc tranh luận “Tết đi hay về” - cuộc tranh luận chẳng có hồi kết. Nhưng dọc suốt quá trình mà tôi tự coi là “đi tìm cái Tết chưa mất chất” ấy, tôi dường như bỏ qua sự chờ đợi của bố mẹ trong ngôi nhà đã nuôi lớn tôi, bỏ đi ánh nhìn đầy âu yếm và thân thương của chị gái mỗi lần tôi về nhà. Quên cả những món ngon mà mẹ đặc biệt dành riêng cho tôi. Quên đi gia đình, quên đi hạnh phúc ở nơi tràn ngập yêu thương ấy. À thì ra tôi đã vội vã như vậy. 

Thì ra tôi đã vội vã mà bỏ lỡ những điều đẹp đẽ của Tết

Như bừng tỉnh khỏi cơn ngủ mê, tôi nhận ra rằng, Tết ấm hay Tết đúng vị chỉ đơn giản là Tết đoàn viên, Tết bên gia đình. Chẳng cần đi tìm đâu xa, chỉ cần đi về nhà, là tôi đã tìm thấy Tết đúng nghĩa, thấy cái Tết như mong đợi. Chuyến xe về quê đang chờ tôi, trước lúc lên xe gửi lại các bạn đôi câu hát trước thềm xuân sang “Đường về nhà là vào tim ta. Dẫu nắng mưa gần xa. Thất bát, vang danh Nhà vẫn luôn chờ ta. Đường về nhà là vào tim ta Dẫu có muôn trùng qua. Vật đổi, sao dời, nhà vẫn luôn là nhà”.  

“Cô ơi con về rồi”

Tiếng anh họ vọng tới từ đầu ngõ, mình biết một cái Tết “đúng vị”, cái Tết ấm áp mà mình, mẹ và cả gia đình mong chờ bao lâu lại đến bên mình mùa xuân năm nay rồi – Tết của sum họp, đủ đầy.

Tết này về nhà nhé! Về để tìm Tết đầm ấm, an yên như xưa

Tết này về nhà nhé! Dù thành công hay thất bại, dù mệt mỏi, chênh vênh hay mông lung hãy cứ đi về nhà. Hãy lấy sự dũng cảm mà bạn dùng cho biết bao chuyến đi xa... để trở về nhà. Chúc các bạn sẽ được cùng đón một mùa xuân mới với tràn đầy hạnh phúc bên gia đình, bên mẹ cha. Chúc cho mọi gia đình được đoàn tụ để Tết này là Tết đoàn viên, để mọi người đều hiểu thấy nhà là sẽ thấy Tết, để tất cả chúng ta đều có thể “tìm thấy Tết”. 

Nguyễn Hồng Phúc