Tuổi 20: Bứt phá để thành công

Là một trong những gương mặt sáng giá của dàn sinh viên FU khởi nghiệp, Trần Tuấn Linh không chỉ góp mặt vào danh sách "làm chủ" của FU. Hơn hết thảy, cậu là minh chứng cho việc: Dù phải đối mặt với bao khó khăn, cứ theo đuổi đam mê bạn sẽ có thành quả.Ước mơ bứt pháTuấn Linh có gương mặt thư sinh, ánh mắt sáng, luôn nhìn thẳng và nụ cười hiền dễ mến.Nghe cậu trò chuyện, dù rất khiêm nhường, người ta vẫn dễ cảm nhận được ở chàng trai này một tham vọng bứt phá mạnh mẽ.“Mình muốn mở công ty riêng, vì thích tự mình gây dựng một sự nghiệp, một thành quả của riêng mình” – Linh nói vắn tắt về quyết định xây dựng công ty cùng với nhóm 6 người bạn ngay sau khi tốt nghiệp ĐH FPT.tuan-linhLinh bộc bạch, ngay từ năm nhất, hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn nên quan niệm về sự nghiệp của cậu cũng sớm định hình: Phải thành công để có thể giúp đỡ bố mẹ và những người thân yêu.Tuấn Linh nhớ lại tuổi thơ của mình, một tuổi thơ nhiều khó khăn, nhưng say mê học tập và quan trọng, luôn được ba mẹ ủng hộ hết sức.“Nhà nghèo lắm, không có máy tính để dùng. Mình thường phải tự mày mò, thường xuyên ở lại phòng máy của trường đến 8- 9h tối để dùng máy. Ba mẹ đều đặn đón đưa, muốn mua máy tính cho nhưng mình từ chối. Đến năm lớp 9, khi mình đoạt giải thành phố môn Tin học thì bố mẹ kiên quyết mua tặng…” – Linh kể.Chiếc máy tính đầu tiên ấy tuy cổ lỗ, chạy win 98, ổ cứng chỉ khoảng 2- 3Gb nhưng Linh yêu quý vô cùng. Về sau không dùng đến nữa, Linh phải bán đi vì nhà chật, chẳng còn chỗ để. Đến nay việc này vẫn khiến chàng phó giám đốc trẻ luyến tiếc.Từ chiếc máy tính nhỏ bé, Linh tiếp tục tự bồi đắp kiến thức và đam mê CNTT. Vào đại học, cậu đi làm và rồi tự mua được máy tính. Giấc mơ mở công ty về phần mềm và giải pháp công nghệ cũng cứ tự nhiên mà nảy nở.Công ty TNHH Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Sapling do Tuấn Linh và những người bạn của cậu là Lê Duy Quang, Trương Mỹ Hải Ninh và Nguyễn Văn Chiến (đều là SV khóa 2 ĐH FPT) gây dựng, đến nay có 9 nhân sự, tất cả đều rất trẻ và tràn đầy nhiệt huyết.“Lập công ty thì dễ, duy trì nó mới khó, không phải cứ làm chủ là giỏi, là sướng. Về vấn đề quản lý nhân sự, do đội ngũ nhân sự của công ty còn nhỏ nên không quá khó. Mọi người trong đội đều hiểu, thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau vì mục tiêu chung. Bản thân mình mê nghiên cứu, tìm tòi cũng được giao vị trí phó giám đốc – phù hợp với sở thích và thế mạnh của mình”, Linh chia sẻ. Giám đốc công ty là Lê Duy Quang, là một sinh viên FPT tốt nghiệp cùng khoá với Linh. Sau khi tốt nghiệp, Quang và Linh triệu tập thêm các anh em ở FU để lập công ty.“Kiến thức càng nhiều càng tốt”Mở công ty, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng Linh và bạn bè không nao núng. Kể cả những khó khăn bắt nguồn vì một lý do rất buồn cười là đối tác ngại những người trẻ.“Vì bọn mình trẻ, nên có nhiều đối tác không tin tưởng, đánh giá thấp, thậm chí “tráo trở”… Thực tế cuộc sống quả thật rất phức tạp, cực kỳ phức tạp. Những lúc ấy mới thấy may mắn vì mình có kiến thức vững chắc, để mình thêm tự tin trong công việc” – Linh đúc kết.Quả thực, với chàng trai 24 tuổi này, kiến thức là điều quan trọng, là một trong những nguồn lực cơ bản để khởi nghiệp.“Kiến thức càng nhiều càng tốt cho sự phát triển về sau của công ty” – Linh nhấn mạnh.Nhưng khởi nghiệp không thể thiếu đam mê. Thật vui khi những điều này đều sẵn hội tụ ở cậu.“Mình mê mẩn CNTT từ nhỏ” – Tuấn Linh nói, và vui vẻ nhớ về những tháng ngày học sinh, những sự tình cờ đưa cậu đến với lĩnh vực tưởng chừng khô khan, phức tạp này.“Hồi cấp 2 rất tình cờ, mình được vào học lớp bổ túc tin học của trường Trưng Nhị. Thi vào xong thì được học thầy Tám – một người thầy tuyệt vời đã dẫn dắt mình và lứa học sinh học đội tuyển hồi ấy. Bọn mình lần lượt đi thi quận, rồi thi thành phố, đam mê đối với tin học của mình cũng lớn dần lên.Vào cấp 3, thầy mách bọn mình cách để được tiếp tục học tin đó là thi vào chuyên. Mình thi đỗ cả trường Ams và trường Tổng hợp, sau đó chọn học Tổng hợp, rồi cứ mày mò học…” – Linh nhớ lại.Linh bảo, mình rất ít đi học thêm hay học các thầy, chủ yếu là tự học. Cách học cũng “khác người”: Hễ thấy cái gì lạ, thích thì tìm hiểu, mà phải tìm hiểu sâu, từ mọi nguồn có thể, sau đó mò mẫm thử. Có lẽ, đó cũng là duyên, là yếu tố “hợp”, để cậu cùng các bạn lập công ty về phần mềm.Ngay cả bây giờ, Linh vẫn không ngừng học tập và khám phá những cái mới. Cậu cho rằng việc học tập tại FPT đã cho mình nhiều điều quý giá: Ngoài kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, cơ hội đi thực tập từ sớm để va chạm với thực tế, FU còn cho cậu một môi trường giúp phát triển bản thân, theo đuổi đam mê, sự năng động, cơ hội bày tỏ quan điểm, sự thoải mái và tầm nhìn…“FPT tạo lập được một văn hóa công ty thật quý giá. Bản thân mình dù không muốn tự tiêm nhiễm bất cứ một văn hóa nào, nhưng nhìn vào đó, cũng mong muốn có thể tạo ra một văn hóa riêng cho công ty của mình” – Tuấn Linh chia sẻ.Không hối hận về thời sinh viên đã học tập, phấn đấu hết mình, nhưng nếu được làm lại một điều gì trong quá khứ thì Tuấn Linh chắc chắn sẽ chọn “đi làm nhiều hơn”.Cậu giải thích: “Mình đi làm thêm từ năm nhất, nhưng nhìn lại, vẫn còn có những thời gian bỏ phí, chưa khai thác hết cơ hội và khả năng của mình”.Với những sinh viên đàn em, Linh chia sẻ: “Các bạn nên đi làm nhiều, làm càng nhiều nơi càng tốt để va vấp với thực tế đa dạng. Với ai có ý khởi nghiệp, việc va chạm thực tế nhiều, biết nhiều hơn về những mặt trái cuộc sống từ lúc khi ra trường, mở công ty sẽ tốt hơn rất nhiều!”.

Quỳnh Nguyễn

(Theo Cóc Đọc số 50)