4 bí kíp giúp Cóc chinh phục song ngữ

Xu hướng học nhiều hơn một ngoại ngữ ngày càng phổ biến vì điều này sẽ giúp các Cóc có thêm lợi thế trong công việc tương lai. Thế nhưng học 1 ngoại ngữ đã khó, học song ngữ thì còn khó thế nào? Đừng lo, bằng 4 tips “nhỏ nhưng có võ” sau đây, Cóc có thể dễ dàng chinh phục nhiều ngoại ngữ cùng lúc đấy.  

Tip thứ 1: Sử dụng Podcast cho việc luyện nghe hiệu quả

Kỹ năng nghe luôn là một trong những kỹ năng đòi hỏi sự kiên nhẫn từ người học. Cách để nâng cao kỹ năng này chỉ có thể là luyện tập chăm chỉ. Tuy nhiên, các Cóc nên luyện tập một cách thông minh và tạo hứng thú cho bản thân khi học nghe. Vì nếu cảm thấy nhàm chán khi luyện nghe, chúng ta sẽ dễ sinh ra tâm lý phản khán và chống cự, dẫn đến tình trạng “nghe tai này lọt tai kia”, hoặc học tập như thể chống đối, không có cảm hứng.

Bên cạnh đó, rất nhiều người than thở rằng việc nghe “chinh chiến” qua các đề thi và sách vở khiến chúng ta bị kiệt sức. Nguyên nhân là vì ta phải cố gắng lắng nghe hòng trả lời đúng những câu hỏi được liệt kê sẵn. Do đó, tại sao chúng ta không thử tìm cho mình một nguồn nghe khác thú vị hơn ngoài sách vở nhỉ? 

Một cách để luyện nghe hiệu quả là sử dụng Podcast. Các Cóc có thể tải Google Podcasts về điện thoại, sau đó chọn chủ đề nghe khiến mình hứng thú. Có hàng trăm chủ đề hấp dẫn và vô vàn podcast để cho Cóc lựa chọn. Ngoài việc luyện ngoại ngữ, Cóc còn được bổ sung thêm kiến thức về lĩnh vực mình yêu thích nữa chứ. Quả là một công đôi việc mà.

Một cách để nghe thụ động hiệu quả là sử dụng Podcast.      

Điểm tuyệt vời khác nữa của việc sử dụng Podcast là bạn có thể nghe được giọng nói của nhiều người khác nhau với lượng thời gian của mỗi audio tương đối ngắn. Điều này giúp ta thoải mái hơn, tăng tính linh hoạt và làm quen được với nhiều tông giọng mới. 

Một số kênh học tiếng Anh trên Podcast có thể kể đến như BBC 6 Minutes English, The Minimalists, The Ellen Go… Ngoài ra, ta có thể tìm hiểu thêm về các ứng dụng podcast chuyên về 1 ngoại ngữ mà ta đang học. Ví dụ, nếu bạn đang học thêm tiếng Trung, bạn có thể cân nhắc một app podcast khác ở Trung Quốc, như app 喜马拉雅FM, ứng dụng chuyên về đọc sách cho người Trung Quốc chẳng hạn. 

Theo đó, hãy linh hoạt lúc thì nghe podcast về ngoại ngữ này, lúc thì nghe về ngoại ngữ kia. Như vậy, bạn đã có thể tự tạo một môi trường song ngữ cho riêng mình rồi. 

Tip thứ 2: Phương pháp Interleaving Study

Chúng ta thường quen với cách học truyền thống như dạng Blocked Study. Blocked Study là phương pháp chỉ học một kỹ năng trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, nếu bạn đang cảm thấy Blocked Study không hiệu quả với mình, hay đơn giản là bạn muốn thay đổi sang cách học mới, hãy thử dùng phương pháp Interleaving Study nhé. 

Interleaving Study sẽ trái ngược với Blocked Study, nghĩa là phương pháp này khuyến khích ta học xen kẽ các kỹ năng với nhau. 

Ví dụ như, một buổi tối từ 19 giờ đến 21 giờ, ta sẽ có xu hướng dùng hết 2 giờ đồng hồ để học 1 kỹ năng duy nhất như kỹ năng nghe mà thôi. Thay vì vậy, ta nên chia lại khung thời gian này thành 2 phần. Từ 19 – 19 giờ 45 ta sẽ luyện kỹ năng nghe tiếng Trung và từ 20 – 20 giờ 45 ta sẽ học từ vựng tiếng Anh, giữa hai “giai đoạn” học tập sẽ có khoảng 15 phút để ta nghỉ ngơi. 

Điều này sẽ giúp mình tạo ra sợi dây liên kết với những gì mà ta sẽ học. Thêm vào đó, ta cũng sẽ dễ dàng vận dụng kiến thức vào các kỹ năng khác nhau, giúp phát triển đồng đều các kỹ năng, cũng như giảm thiểu tình trạng mất tập trung hay chán nản do chỉ học một thứ vào một khoảng thời gian dài.

Interleaving Study trái ngược với Blocked Study. Phương pháp này sẽ khuyến khích việc học
xen kẽ các kỹ năng với nhau.

Tip thứ 3: Luôn duy trì việc học song song 

Trong bất cứ trường hợp nào, đừng bao giờ cho phép bản thân bỏ bê một ngoại ngữ để chỉ tập trung vào cái còn lại. Ví dụ, bạn đang ôn thi để lấy bằng tiếng Trung vào 5 tháng tới, hãy tập trung thật tốt vào việc học tiếng Trung. Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó, bạn cũng nên “bồi dưỡng” năng lực tiếng Anh của mình bằng cách dành một ít thời gian khoảng 10 – 15 phút hàng ngày để nghe podcast hay đọc sách bằng tiếng Anh chẳng hạn. Hãy luôn duy trì việc học các ngoại ngữ để tránh được tình huống “quên sạch” hay “phải học lại” ngoại ngữ nào đó.

Tip thứ 4: Xây dựng thời gian biểu và không gian học hợp lý

Bí quyết cuối cùng không thể không nhắc đến chính là tự thiết lập cho mình một kế hoạch học tập. Mỗi người sẽ có cách sắp xếp khung giờ học khác nhau. Hãy tìm ra khung giờ mà bạn nghĩ rằng khi đó mình sẽ có thể học tập hiệu quả nhất. 

Hơn thế nữa, thay đổi không gian học cũng có thể giúp bạn có thêm động lực đủ khiến bản thân vượt qua những trở ngại tâm lý. Một Cóc nữ đến từ FPTU Cần Thơ chia sẻ: “Động lực “thúc giục” mình ngồi học bài chính là đổi chỗ học như từ nhà đến quán cà phê xinh xinh, hoặc vào thư viện để cùng hít thở không khí với các… “học bá”. Nhìn người ta chăm chỉ là trong lòng cũng bứt rứt, phải lôi sách vở ra học ngay.” 

Đổi chỗ học như từ nhà đến quán cà phê xinh xinh, hoặc vào thư viện để cùng hít thở không
khí với “học bá” cũng là một cách hay để kích thích bản thân.

Ngoài những tips hay ho này ra, các Cóc có thể tìm thêm nguồn cảm hứng học hành cho mình từ những kênh Youtube theo dạng Study with me – Nơi các Youtuber chia sẻ hành trình tự học của họ. Một số kênh bạn có thể tham khảo như The Hanoi Chamomile, Yooil, The better, Suzlnne, Motuvation2Study, Jun the Foureyes... 

Vậy là các Cóc nhà ta đã biết được 4 bí quyết giúp học nhiều ngữ cùng lúc hiệu quả hơn rồi. Dù là một hay nhiều ngoại ngữ, ta cũng nên cố gắng trau dồi thật nhiều nhé bởi “Practice make perfect”. Cóc Đọc tin rằng chỉ cần bạn đủ nổ lực, chắc chắn bạn sẽ đạt được thành tựu mà thôi.

Petrichor