Bí quyết giúp sinh viên ĐH FPT bứt phá giới hạn bản thân

Sinh viên ngành Quản trị truyền thông đa phương tiện – Trường ĐH FPT Hà Nội liên tục gặt hái thành công tại các cuộc thi nghiên cứu. Một trong những bí quyết của sinh viên ngành này là các bạn được học môn Phương pháp Nghiên cứu trong truyền thông (RMC201). 

Dấn thân vào những vấn đề thời cuộc

Chỉ trong khuôn khổ một môn học với rất nhiều bài kiểm tra hóc búa và yêu cầu khắt khe về nghiên cứu, nhưng nhiều nhóm sinh viên đã quyết định bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình bằng những đề tài nghiên cứu vô cùng thách thức. 

Trong số đó, nhóm sinh viên nghiên cứu về “Các doanh nghiệp tại Việt Nam ứng dụng thông điệp yêu nước vào các chiến dịch truyền thông mạng xã hội trong thời gian qua”. Nhận thức rõ về vai trò của công dân trẻ trong thời đại kỹ thuật số và sức ảnh hưởng của mạng xã hội đến cộng đồng, nhóm đã lên ý tưởng và phát triển nghiên cứu.

“Thông qua để tài này, kết quả chỉ ra các cơ hội và thách thức trong việc áp dụng các thông điệp yêu nước trên mạng xã hội của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng của các thông điệp trên đối với các nhóm công chúng khác nhau”, Trưởng nhóm nghiên cứu Đàm Anh Tuấn cho biết.

Để thực hiện đề tài, nhóm đã tiến hành khảo sát trên 100 người, phỏng vấn sâu 10 cá nhân và phân tích 5 chiến dịch truyền thông có sử dụng yếu tố yêu nước trong thông điệp truyền thông của mình.

Nhóm sinh viên nghiên cứu về đề tài “Các doanh nghiệp tại Việt Nam ứng dụng thông điệp yêu nước vào các chiến dịch truyền thông mạng xã hội trong thời gian qua”.

Đa số TVC quảng cáo gần đây của Việt Nam thường sử dụng hình ảnh những người mẫu có ngoại hình đẹp, chuẩn từng milimet. Trăn trở về “Các tiêu chuẩn ngoại hình trong các TVC quảng cáo có thể gây ảnh hưởng tới quá trình xây dựng hình ảnh cá nhân của nữ giới thành thị trong thời gian qua”, nhóm các sinh viên Thu Thủy, Nghĩa Dương, Thu Hiền, Tiến Đạt và Duy Đức đã nghiên cứu các yếu tố định tính và định lượng liên quan đến nội dung, ký hiệu học và tư tưởng học trong các quảng cáo của Việt Nam. 

Nhóm đã tiến hành các phương pháp nghiên cứu nội dung, từ thống kê, phân chia các nhóm nội dung của các TVC quảng cáo, đồng thời khảo sát ý kiến đối với 115 người và thực hiện phỏng vấn sâu đối với 13 người.

Qua các nghiên cứu kỹ lưỡng đó, nhóm nghiên cứu đã có được bức tranh toàn cảnh và những ý kiến sâu sắc về quan điểm và cảm nhận của nữ giới về tiêu chuẩn ngoại hình và tác động của quảng cáo đối với họ. Từ đó, Thu Thủy và các bạn muốn chia sẻ kết quả nghiên cứu để giúp công chúng nâng cao nhận thức về vấn đề này, khuyến khích sự thảo luận và hành động tích cực từ các bên.

Đề tài nóng “Hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân của giới trẻ Việt Nam trên TikTok” của các sinh viên ngành Quản trị truyền thông đa phương tiện trở thành mối quan tâm của các chuyên gia và cộng đồng. Đây là một trong những bài nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này tập trung trên nền tảng TikTok, có giá trị độc đáo và duy nhất ở thời điểm hiện tại trong việc phân tích, đánh giá và hiểu được nguyên do mà những nạn nhân bị đổ lỗi. 

Kết quả nghiên cứu chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đổ lỗi như định kiến giới, định kiến xã hội, sự khác biệt về quan điểm, môi trường sống. Dưới góc độ tâm lý, điều này có thể xuất phát từ hiệu ứng đám đông, từ góc nhìn chủ quan, chưa hiểu rõ vấn đề và “tâm lý đổ lỗi” của mỗi người. Nghiên cứu cũng cho thấy sức khỏe và tâm lý của nạn nhân bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. Các bình luận tiêu cực có thể khiến nạn nhân thay đổi suy nghĩ và hành vi theo hướng tiêu cực, từ đó dễ dẫn đến việc họ có tâm lý muốn trả thù và đối xử với người khác giống như cách mà họ từng bị đổ lỗi.

Việc thay đổi cách nhìn nhận sẽ giúp chúng ta đưa ra những giải pháp và hướng đi phù hợp để giảm thiểu cũng như ngăn chặn hiện tượng “Đổ lỗi cho nạn nhân” của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là trên nền tảng TikTok.

Đi sâu phân tích các hiện tượng trong giới trẻ

“Tác động của lòng tự trọng và 5 yếu tố tính cách lớn của con người lên xu hướng chơi trò chơi điện tử của giới trẻ” là nghiên cứu thực nghiệm của nhóm Phèncy. 

Điểm mới lạ trong đề tài này là xác định mối liên kết giữa lòng tự trọng, tính cách và xu hướng chơi trò chơi điện tử thời điểm hiện tại, từ đó đưa ra khuyến nghị cho các nhà phát triển trò chơi, tổ chức giáo dục, phụ huynh và bản thân người chơi để tạo ra trải nghiệm chất lượng và ý nghĩa, tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

Bằng cách tiến hành thực nghiệm và phỏng vấn với 10 mẫu người tham gia 5 thể loại game Nghiên cứu phát hiện ra những người có chỉ số nhạy cảm cao thường giữ nguyên tần suất chơi game và lòng tự trọng cao thường dành thời gian trải nghiệm đa dạng hơn.

Nhóm Phèncy và đề tài“Tác động của lòng tự trọng và 5 yếu tố tính cách lớn của con người lên xu hướng chơi trò chơi điện tử của giới trẻ”.

Nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị cho các bên liên quan: Các nhà phát triển trò chơi nên thêm nhiều yếu tố cạnh tranh, đa dạng hóa cốt chuyện và cơ chế trò chơi để thu hút người chơi có lòng tự trọng cao; thiết kế trò chơi nhiều người chơi hoặc theo nhóm để thúc đẩy tương tác xã hội. Các tổ chức giáo dục nên tăng cường giáo dục về tác động của trò chơi điện tử và tích hợp trò chơi vào chương trình học để tạo sự hứng thú và học tập hiệu quả. Bên cạnh đó, gia đình cần tạo môi trường giao tiếp cởi mở, khuyến khích trải nghiệm các thể loại trò chơi tương tác và thiết lập quy tắc hợp lý cho việc chơi game của con cái. Đặc biệt, bản thân người chơi nên lựa chọn trò chơi phù hợp với tính cách và lòng tự trọng của mình, quản lý thời gian chơi và cân nhắc tác động của trò chơi đối với cuộc sống hàng ngày.

“Xu hướng video ngắn tác động lên mức độ kiên nhẫn của giới trẻ” là một nghiên cứu đáng chú ý khác của một nhóm sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện. Nhóm nghiên cứu cho biết: “Với những đặc điểm như độ dài ngắn, nội dung cuốn hút; thú vị; đi thẳng vào trọng tâm mà video ngắn mang lại, người sử dụng có thể bị chìm đắm vào việc tiêu thụ loại hình này và gây nên tình trạng “nghiện”. Điều này có thể làm giảm khả năng chú ý đối với loại nội dung dài hơn, giảm sự kiên nhẫn khi đối mặt với thách thức, nhiệm vụ phức tạp”.

Để thực hiện đề tài này, nhóm đã đầu tư thời gian để khảo sát 425 sinh viên đại học Việt Nam. Cụ thể là những sinh viên có mức độ đắm chìm và nghiện xem video ngắn tăng thì mức độ kiên nhẫn bị giảm. 

Nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa nghiện video ngắn và mức độ kiên nhẫn của sinh viên Việt Nam, đồng thời mở ra các khía cạnh quan trọng liên quan đến tâm lý con người, sự tương tác với công nghệ truyền thông, và cảnh báo tới cộng đồng về nguy cơ của việc sử dụng không kiểm soát các ứng dụng video ngắn. Từ đó, đề xuất một vài giải pháp để có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của nghiện video ngắn và thúc đẩy môi trường kỹ thuật số lành mạnh, giúp mỗi người có thể sống hạnh phúc trong thời đại số hóa.

Như vậy, chỉ trong khuôn khổ môn học Phương pháp nghiên cứu trong truyền thông, đã có hàng loạt đề tài đáng chú ý và có tính ứng dụng cao. Đây cũng là một trong những điểm khác biệt của ngành Quản trị truyền thông đa phương tiện tại Đại học FPT, đó là giúp sinh viên vừa có tư duy chiến lược, vừa có khả năng nghiên cứu, đồng thời sở hữu khả năng thực chiến và năng lực sáng tạo cao.

Bộ môn Quản trị Truyền thông Đa phương tiện – Đại học FPT