Bố mẹ nào mà chẳng thương con

Có lẽ trên đời này chẳng có bố mẹ nào mà không thương con, trừ khi họ không coi là con mà thôi. Nhưng mà, đâu phải ai cũng thương con đúng cách?

Một người bạn của tớ kể rằng, em bạn ấy đang ôn thi Đại học. Em định chọn Ngoại thương. Ngoài việc ôn tập kiến thức THPT, em cũng tự tìm hiểu nhiều thông tin về ngành nghề như chứng khoán, lĩnh vực mới như Blockchain. Nhưng bố mẹ em thì lại cản, nói rằng sau này bố mẹ sẽ đưa con lên ghế giám đốc của công ty nhà nên không phải lo nghĩ nhiều, gần bố mẹ lại an nhàn. 

Em cảm thấy áp lực. Em muốn tự chọn ĐH, tự lập, làm những gì mình muốn. Em không muốn bị bó buộc trong những “điều kiện vàng” do bố mẹ chuẩn bị sẵn. 

Một sinh viên khác mà mình biết, đang trau dồi kiến thức và có nguyện vọng gắn bó và làm việc tại Thủ đô. Rồi đến một ngày, bố mẹ gọi điện bảo bạn về nhà để làm công việc “bố mẹ đã xin cho” nhưng bạn lại chẳng có  chút hứng thú, cũng chẳng có kiến thức chuyên môn về nó. “Cha mẹ là người sinh thành ra con, ban cho con hình hài của một sinh linh, cho con một cuộc sống. Nhưng cuộc đời của con như thế nào, con sống ra sao là do bản thân con quyết định”, những người bạn, người em xung quanh tớ có lẽ mong muốn được chia sẻ điều ấy với bố mẹ mình.

Hẳn là mọi người đã từng nghe hay đọc câu này ở đâu đó rồi, thế nhưng khi xã hội càng hiện đại, việc “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy” dường như làm các bạn áp lực nặng nề hơn hẳn so với những thế hệ đi trước. 

Thế nên, nhiều khi tớ đã tự hỏi, rằng một người tốt liệu có phải là một ông bố, một bà mẹ tốt không? Có thể là có, mà cũng có thể là không chăng? Tớ may mắn sinh ra trong một gia đình được ba mẹ yêu thương, chăm sóc và luôn để mình tự đưa ra quyết định đối với cuộc sống của riêng mình. Nói vậy không có nghĩa là ba mẹ tớ không có vai trò gì hết, bởi thứ ba mẹ tớ làm tốt nhất chính là định hướng cho các con mà không “chặt gãy đôi cánh của sự tự do”. Thay vì nói “con phải thế này”, “con phải thế kia”, bố mẹ tớ hỏi: “Con nghĩ sao?” và cho phép tớ nêu quan điểm, mong muốn cá nhân. Bố mẹ cũng rất tôn trọng mong muốn ấy, nếu tớ đưa ra những lý lẽ đủ thuyết phục.

Tớ nhớ lại vào khoảng 2 năm về trước, khi Cóc Đọc mới tuyển thành viên và tớ vẫn còn đang học kỳ đầu tiên ở FPTU Hà Nội. Lúc đó học lập trình trên trường rất khó và nhiều kiến thức cần học, nhất là khi tớ đang “bập bẹ” từng dòng lệnh. Có lẽ vì thế mà tớ cảm thấy nản và bắt đầu trở lại với thú vui đọc sách. Tớ bắt đầu viết nhiều hơn, và cảm giác “khát” chữ ngày càng rõ ràng. 

Cho đến một ngày, khi vô tình nhìn thấy bài đăng Cóc Đọc tuyển quân, tớ không nghĩ ngợi gì mà điền đơn. Biết tớ đang gặp khó khăn trong học tập nhưng bố mẹ không ngăn cản theo kiểu “Học đi, tham gia CLB làm gì”. Ngược lại, bố mẹ tớ động viên, việc tham gia một CLB mới biết đâu sẽ giúp tớ thoải mái tinh thần, có được những người bạn mới, cùng hỗ trợ nhau trong học tập. Tớ cũng hứa sẽ cải thiện kết quả học tập song song với việc viết báo cho Cóc Đọc để có thêm trải nghiệm mới.

Sau vài tuần, sự thật không như là mơ, mặc dù tớ viết lách khá ổn nhưng học hành lại càng bết bát. Bố mẹ bắt đầu “nghi ngờ” cam kết vừa học tốt, vừa hoạt động CLB chăm của tớ. Thế rồi, tớ phải thuyết phục ba mẹ mãi, hứa hẹn là sẽ vừa học tốt, vừa viết báo ở Cóc Đọc để có nhiều bài đăng, làm bố mẹ tự hào. Mà đợt 20/10 năm ngoái, tớ đã mua một lọ nến thơm tặng mẹ, bằng chính tiền nhuận bút của tớ. Từ sau đợt đó, bố mẹ luôn ủng hộ mình trong việc tham gia CLB nhưng cũng khuyên mình duy trì thái độ tập trung trong việc học.

Viết đến đây, tớ nghĩ rằng chính là yêu thương đúng cách, dù thật sự cách yêu thương của mỗi bậc phụ huynh là khác nhau là cách để bố mẹ hỗ trợ và ủng hộ con cái. Yêu thương bằng cách thấu hiểu con mình, cho con sự tự lập luôn có tác dụng hơn việc cứ vạch sẵn đường đi để rồi bản thân con cũng chẳng thích thú gì phải không các bạn.  

Nghĩa Hiệp