Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
“Cáo Pax” – Vẻ đẹp thương yêu sau màn mưa bụi chiến tranh
Chiến tranh – chủ đề vốn chứa đựng đau thương lại được đưa vào “Cáo Pax”, một cuốn sách thiếu nhi theo cách kể “chân thực đến đau lòng và dễ thương tan nát”.
Tác giả của cuốn sách là nhà văn người Mỹ Sara Pennypacker cùng sự đồng hành của họa sĩ minh họa và hoạt họa Jon Klassen, người mang đến cho “Cáo Pax” những khuôn tranh thô mộc, ấm áp nhưng có khả năng thu hút đôi mắt trẻ thơ cho đến cả những ánh nhìn của người lớn.
Dõi theo cuộc chia ly và hành trình tìm lại nhau của Cáo Pax và cậu bé Peter, độc giả sẽ dần cảm nhận dấu tích chiến tranh để lại trên từng vùng đất, cỏ cây, các gia đình và trong tâm can những ai một lần trải qua nó.
Những ngọn gió rừng buốt lạnh lòng ta
Cáo Pax được Peter cứu sống và nuôi từ khi còn là một chú cáo con. Trong mắt Pax, Peter là cả cuộc đời. Còn với Peter, Pax không chỉ là loài vật với bộ lông màu nâu xinh đẹp, đó còn là một người bạn, người thân cậu không thể chia lìa. Mọi sự xảy đến khi chiến tranh nổ ra, bố của Peter nhập ngũ, cậu phải đến sống cùng ông nội, bỏ lại Pax ở bìa rừng.
Dưới màn mưa bụi chiến tranh sắp phủ, họ cách nhau 300 dặm trường. Peter và cáo Pax đã bắt đầu hành trình của riêng mình. Xuyên suốt cuốn sách là mạch kể đan xen qua điểm nhìn của cậu bé Peter và cáo Pax. Những con đường song hành, hai mà như một, lột tả đầy đủ tình yêu thương, lòng trung thành và ý chí sắt đá của hai nhân vật chính. Peter dù bị thương vẫn chống nạng vượt qua những vách đá, chú cáo quyết không rời vị trí chờ chủ nhân.
Mỗi trang sách là nơi tình yêu thương gom tụ qua từng trăn trở của Peter về Pax, nỗi hoài mong của chú cáo nhỏ về con người duy nhất nó ngửi thấy mùi lương thiện giữa đám người “bệnh chiến”. Cáo Pax và Peter - hai bản thể khác nhau nhưng không thể tách rời.
Cuộc hành trình của cậu bé và chú cáo còn nhuốm màu chiến tranh. Hai nhân vật đại diện cho những cảnh đời yếu thế, đều là nạn nhân của cuộc chiến. Khói lửa hung tàn vương vất trên con đường họ đi. Họ gặp thêm những con người khác, cũng giống họ: Vola - một nữ cựu binh quân y quái dị, mang vác trên lưng gánh nặng tội lỗi và ám ảnh về cuộc chiến đau thương đã qua, bác cáo Xám - người đầu tiên dạy Pax tìm nguồn nước khi cậu khát khô, đột ngột nổ tung trong ổ bom, làng mạc hoang tàn, gia súc lạc bầy mà Peter chứng kiến nơi cuộc chiến sắp diễn ra…
Khung cảnh “bệnh chiến” cùng dòng cảm xúc của Pax và Peter quyện vào nhau như những ngọn gió rừng buốt lạnh lòng ta khi dõi theo câu chuyện về một cậu bé và một chú cáo nhỏ.
Nỗi đau hằn sâu của chiến tranh
“Cáo Pax” đã cho ta thấy, nỗi tang thương của chiến tranh không chỉ hiện diện qua sự tàn lụi, mất mát thấy được, đó còn là nỗi day dứt im lìm trú ngụ trong lòng người. Điều ấy được thể hiện rõ ràng qua những nhân vật mắc hội chứng rối loạn căng thẳng do tham chiến, tồi tệ hơn thế, còn là hội chứng quên mất mình là ai.
Trên hành trình tìm Pax, Peter đã gặp Vola, người phụ nữ sống một mình giữa cánh đồng hoang. Bà mất một chân trong chiến tranh và tự trói buộc cuộc đời mình trong sự dằn vặt vì từng giết chết một anh lính. Chiến tranh lấy đi của bà một bên chân và để lại trong bà một nội tâm trống rỗng. Vola cố gắng tìm ra cuộc đời của chính mình, bà là kẻ ra sao, sống với ước muốn nào hay bà thích ăn thứ gì…
Bà cũng đem những điều này đi hỏi một thân thể “bệnh chiến” khác sắp giã từ cuộc đời trên chiến trường: “Ta khẩn thiết muốn biết người này là ai. Anh ta đến từ đâu, anh ta quan tâm điều gì, ai yêu thương anh ta…” và rồi “mặc dù anh ta là đàn ông, mặc dù anh ta có màu da khác, mặc dù anh ta lớn lên ở một đất nước khác – bọn ta có thể có nhiều điểm chung. Những điều cốt yếu, quan trọng hơn cả những thứ quân đội đã nhồi sọ bọn ta”.
Cuộc gặp gỡ với Vola đã khiến Peter nhận ra sự ghê gớm của chiến trường, đối mặt với sự thật. Và ngược lại Peter dẫn Vola vào sự cứu chuộc, tự mình thứ tha cho những tội lỗi trong quá khứ, tiếp bước như cách mà bà để ngỏ hàng hiên đón chào Peter trở lại.
Vạn dặm trưởng thành
Khoảng cách giữa Pax và Peter là 300 dặm nhưng có lẽ cả hai đã trải qua một hành trình xa xôi hơn thế. Nó hẳn kéo dài cả vạn dặm để khiến ánh nhìn đổi thay, con tim dần trở nên rắn rỏi. Khi mất đi điểm tựa cuộc đời, con người dần học cách trưởng thành. Peter mất mẹ từ khi còn rất nhỏ, cậu từng rơi vào trầm cảm trước khi gặp và cứu sống một chú cáo con. Cáo Pax cũng mất mẹ từ khi lọt lòng và may mắn gặp được cậu chủ tốt bụng.
Một người, một cáo tìm đến nhau nhờ sự mất mát khi còn quá nhỏ để nhận thức nỗi đau. Chiến tranh ập đến, chia cắt với hai lối rẽ để Peter hay Pax chính thức vào đời và nếm trải mùi vị đau thương của sự trưởng thành.
Từ một cậu bé kiệm lời, thân thể yếu đuối, Peter lột xác thành một chàng trai mang ý chí rắn rỏi, sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy giữa thiên nhiên hoang dã để chuộc lỗi khi bỏ lại chú cáo mình yêu thương.
Còn Pax, chú cáo chưa một lần rời khỏi cậu chủ bắt đầu cuộc sống của một con cáo hoang dã đúng nghĩa khi phải tự tìm thức ăn, nguồn nước và gặp gỡ giống loài của mình. Trong niềm tin và nỗi nhớ thường trực về Peter, Pax tiếp tục sống, tiếp tục hòa nhập với cô cáo Cáu Kỉnh, cậu em Còi Gí để rồi nhận thức những câu chuyện, nỗi đau mà loài người đã gây ra cho giống loài mình.
Từ nỗi sợ bị bỏ lại, Pax dần trưởng thành qua những gì nó không dám tin, chỉ dám lắng tai nghe rồi vụn vỡ trong đáy mắt. Bom đạn, thuốc súng được reo rắc từ những kẻ “bệnh chiến” đã lấy đi gia đình, cuộc sống của bạn bè nó.
“Cáo Pax” - một cuốn sách hay trên tay những đứa trẻ để kể về một tình bạn đẹp và cũng đủ níu giữ sự chú tâm của những trái tim đã lớn. Sara Pennypacker mang đến cho người đọc một bức tranh hoang dại nhưng luôn điểm xuyết bởi những ngọn đuốc sáng trong đêm rừng của tình yêu thương. “Dù đau thương hay chiến tranh có đào sâu bám rễ, tình bạn và tình yêu vẫn mãi đưa hồn ta về bến bình yên”.
Nếu bạn tò mò về cái kết của câu truyện, liệu hai người bạn có tìm thấy nhau thì tôi… sẽ không spoil đâu, mau tìm đọc để biết đáp án và hơn hết là cảm nhận sâu sắc những giá trị nhân văn cuốn sách mang đến bạn nhé.
Vân Anh