Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Câu chuyện thành công tại xứ sở hoa anh đào của nàng cựu Sư tử ĐH Greenwich (Việt Nam)
Chị Đặng Thị Ngọc từng nhiều lần “trầy da tróc vây” trước khi có đủ kiến thức, trải nghiệm để nắm giữ một vị trí quan trọng tại FPT Japan - vị trí được mệnh danh “nắm đằng chuôi” các DEV (Lập trình viên, Kỹ sư phần mềm). Bí quyết của nàng cựu Sư tử này là nhìn nhận rõ ràng điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và nỗ lực mỗi ngày.
Chọn ngành IT vì... ngầu
Chị Đặng Thị Ngọc là cựu sinh viên khóa 8 của ĐH Greenwich (Việt Nam). Học hết THPT, chị từng nghĩ đến chuyện ở nhà chơi vì... không thích đi học Đại học. Cho đến khi bố tỉ tê: “Các bạn đi học nên ở nhà không có ai chơi sẽ buồn lắm”, chị Ngọc mới… gật gù đồng ý đi thi.
Nhận được giấy mời nhập học ngành Công nghệ thông tin và Y nhưng chị quyết định chọn IT đơn giản vì thấy... ngầu. “Động lực đã thôi thúc mình dấn thân và gắn bó với ngành IT đến bây giờ là vì mình nghĩ ngành hot mà ít con gái theo nên con gái học IT chắc hẳn là “ngầu” lắm”, chị Ngọc chia sẻ.
Nhớ lại những năm tháng ở mái nhà của các Sư tử, chị Ngọc bồi hồi: “Ngày đó lớp mình chỉ có 2 bạn nữ thôi. Mình được anh em giao phó chức vụ lớp trưởng. “Lợi dụng chức quyền” mình dấn thân vào các hoạt động tình nguyện, tham gia hội sinh viên và còn giành được chút vốn liếng để đời là chiếc bằng khen “Sinh viên cống hiến” nữa đó”.
Tốt nghiệp ĐH Greenwich (Việt Nam) năm 2013, nàng cựu Sư tử “khăn gói” sang Nhật với quyết tâm nâng cao kiến thức IT. Mới sang, chị Đặng Thị Ngọc không lao vào tìm việc ngay mà bỏ ra 2 năm học ngôn ngữ tại trường Nhật ngữ Yu (Tokyo) và hiểu thêm về văn hoá ở Nhật.
“Thua keo này ta bày keo khác”
Sở hữu profile học vấn với 2 tấm bằng chuyên môn có giá trị quốc tế cộng thêm việc thành thạo tiếng Nhật, có lẽ ai cũng nghĩ chị sẽ thuận lợi có cho mình một vị trí công việc tốt ở xứ sở hoa anh đào. Nhưng kết quả vòng tuyển vị trí Tester tại FPT Software Japan trả về cho chị lại là… “trượt”.
Không vì thế mà nản chí, quyết “phục thù” với tâm thế trở lại và lợi hại hơn xưa, chị Ngọc bắt đầu lên kế hoạch trau dồi bản thân. Nhận thấy kiến thức chuyên môn thôi là chưa đủ, chị tạm gác lại giấc mộng làm việc tại Nhật Bản, quay về Việt Nam đi làm lấy kinh nghiệm.
Sau quá trình 2 năm lăn lộn tại các công ty về CNTT, chị Ngọc dần tìm được lối đi cho riêng mình. Chị quyết định theo đuổi công việc IT communicator (cầu nối giao tiếp giữa phía Nhật Bản muốn ủy thác gia công dự án (outsourcing) cho công ty IT tại Việt Nam). Chị Ngọc nói về quyết định của mình: “Bằng trải nghiệm cá nhân, mình thấy nữ giới trong ngành CNTT hợp với những vị trí như IT communicator hơn là lập trình viên nên mình quyết định theo đuổi công việc này. Dù sao thì được “nắm đằng chuôi” chỗ các bạn DEV vẫn vui hơn chứ (cười)”.
“Phục thù” thành công với công thức: Không ai hoàn hảo
Sau thời gian đi làm và tích lũy kinh nghiệm ở quê nhà, chị Ngọc một lần nữa đặt chân đến Nhật Bản. Lần này, chị đã trang bị kỹ càng cả về mặt kinh nghiệm và định hướng chuyên môn trong công việc. Để chuẩn bị cho lần ứng tuyển thứ 2 vào FSJ, ngoài kỹ năng chuyên ngành, chị cũng không quên tham khảo kinh nghiệm trả lời phỏng vấn từ các tiền bối, anh chị đi trước. “Quan trọng nhất là luyện tập, luyện tập và luyện tập để mình không phải “học vẹ”t câu nói mẫu mà câu trả lời sẽ xuất phát từ chính những trải nghiệm của bản thân”, nàng cựu Sư tử chia sẻ thêm.
Trải qua vòng kiểm tra năng lực tiếng Nhật và chuyên môn, chị Ngọc bước vào vòng phỏng vấn trực tiếp với nhân sự FSJ. Chị nhớ lại: “Dù đã chuẩn bị kỹ, mình vẫn khá run khi biết người phỏng vấn mình là một “lão đại” của FSJ. May mắn thay, mình có được sự giao tiếp tiếng Nhật khá tự tin nhờ kinh nghiệm làm việc mấy năm qua, cộng thêm áp dụng công thức “không ai hoàn hảo”, cái gì khó quá bỏ qua nên không bị “chết cứng” mỗi khi gặp câu hỏi hay vấn đề khó mà đã hoàn thành tốt phần ứng tuyển của mình”.
Ngót nghét đã gần được 4 năm từ ngày bắt đầu công việc tại FJP, dần dần từ vị trí BrSe (Kỹ sư cầu nối), nàng cựu Sư tử hiện đang giữ vai trò BA (Business Analyst - Chuyên viên phân tích nghiệp vụ) cho các dự án của công ty ở các mảng khác nhau: ngân hàng, kiểm toán, gas, điện nước, bảo hiểm... Mỗi lĩnh vực đều cần có kiến thức chuyên môn hoá và vốn từ vựng tiếng Nhật chuyên ngành. “Mỗi lần đổi dự án, mình lại như một “tấm chiếu mới” reset lại vốn hiểu biết trước đó”.
Những lúc như vậy chị Ngọc luôn có một skill “thần thánh” để vượt qua là liệu pháp: BA hỏi, khách trả lời. Tuy nhiên chị tối kỵ việc chưa tìm hiểu mà đã hỏi nên luôn đọc tài liệu dự án, khoanh vùng vấn đề ưu tiên và lưu lại nhật ký quá trình. Ngoài ra, chị cũng bật mí rằng việc làm thân với khách rất quan trọng, để tìm ra người có khả năng, kiến thức phù hợp để giải đáp những thắc mắc trong công việc.
Chị Ngọc tâm sự: “Ngành IT là một trong những ngành khá “sạch” cạnh tranh, hiếm khi xảy ra những tranh chấp cá nhân hay ganh đua như trong những ngành dịch vụ khác. Tuy công việc BA nhiều lúc cũng khó, “khoai” nhất là chiều lòng cả khách hàng và DEV ở nhà nhưng mình rất tận hưởng công việc thú vị này”.
Thành công sau nhiều lần vấp ngã, chị Ngọc trở thành nguồn cảm hứng cho không ít thế hệ đàn em ở ĐH Greenwich (Việt Nam). Từ xứ sở hoa anh đào, chị Ngọc cũng không quên gửi gắm nỗi nhớ của mình tới bố mẹ và chị gái ở quê nhà: “Việc đầu tiên mình làm khi hết dịch là sẽ bay ngay về Việt Nam thăm người thân và bạn bè. Họ là những nguồn động lực to lớn của mình”.
Clown