Chén lǎoshī (陈老师) – Đồ Cóc tiếng Trung “vạn người mê” tại Ao làng

Mới về giảng dạy ngôn ngữ Trung gần hai năm trở lại đây nhưng cô Trần Thị Hợp (Hợp Lão Sư) đã nhanh chóng trở thành “giáo làng” dạy tiếng Trung “vạn người mê” ở xứ sở Holaland nhờ cách truyền đạt kiến thức nhẹ nhàng và lí thú.

Chân dung cô Trần Thị Hợp

Bỏ Đông Y vì “mê” Sư phạm

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về Đông Y, cô Hợp nhận được rất nhiều kỳ vọng của cha mình về việc sẽ nối nghiệp gia đình. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, cô Hợp sang Trung Quốc theo học ngành này theo ý nguyện của cha mẹ. 

Sau một thời gian học tập ở xứ người, cô Hợp nhận thấy bản thân mình thực sự không hợp với Đông Y. “Cô sợ kim tiêm hoặc những thứ tương tự lắm. Học hết lâm sàng không sao, học đến châm cứu, tay cô cứ run lẩy bẩy” – cô Hợp tâm sự. 

Ngược lại, cô được truyền cảm hứng với nghề cầm phấn từ một người giáo viên của mình tại Trung Quốc: “Đó là người giáo viên thật tốt, liêm chính, giản dị, và

cách truyền đạt lại hay, dễ hiểu, nhiệt tình”. Đến mức sau này khi gặp lại, cô Hợp vẫn muốn quay lại để… học tiếp người cô ấy. 

Thế là, cô Hợp quyết tâm thuyết phục cha mẹ để đổi trường và đổi ngành. “Cô phải đấu tranh mãi mới được đấy (cười)” – cô Hợp kể. Nhưng con đường đến với bục giảng, phấn trắng của cô Hợp không bắt đầu ngay từ đây.

Năm 2018, nhờ sự giới thiệu của một người bạn, cô Hợp đã biết đến Đại học FPT Hà Nội và nộp hồ sơ xin vào làm việc tại Trường. Chẳng may lúc đó Trường đã đủ chỉ tiêu giảng viên tiếng Trung. Những tưởng đã “lỡ duyên” với các Cóc, nhưng may thay, cô Hợp vẫn quyết định làm việc ở phòng Phát triển chương trình Đại học của Trường. Song song với việc làm văn phòng, thi thoảng cô tham cũng gia giảng dạy tiếng Trung trên lớp cho các Cóc để thỏa mãn đam mê của mình. 

Cho đến khi “Cô Vy” ập đến lần đầu tiên, Trường cũng vừa lúc cần thêm giảng viên tiếng Trung: “Khi đó, vì ở nhà nên cô không thể sắp xếp vừa dạy vừa làm, vừa lo nhà cửa con cái được nên lúc đó cô phải đưa ra lựa chọn: Một là tiếp tục làm công việc văn phòng, hai là chỉ đi dạy thôi và cô chọn dạy học” – Cô Hợp bộc bạch. 

Biến giờ học tiếng Trung thành  

Mới đó đã gần 2 năm kể từ ngày cô Hợp chính thức gắn bó với giảng đường Ao làng. Suốt hai năm qua, cô Hợp đối với Cóc FPTU Hà Nội vừa là “lão sư” giản dị, kiên nhẫn chỉ bảo lại vừa như một người bạn thân thiết. 

“Sinh viên chúng mình hay có thói quen “hoạt động về đêm” nên gửi bài tập thường vào giờ rất muộn. Mình cũng thế. Nhưng hầu như lần nào cô Hợp cũng phản hồi, gửi lời nhận xét về bài tập ngay cho mình dù trời đã khuya” – Một Cóc K15 chia sẻ. 

Chưa hết, những lúc sinh viên có kết quả thi không tốt, cô Hợp lại “tự kiểm điểm” bản thân mình. “Kỳ SU21 vừa rồi, do gia đình có chuyện nên trong khoảng một tháng cô dạy chưa thực sự tốt, khiến cho nhiều bạn không được thoải mái trong khi học, nên cô cảm thấy rất có lỗi”.

Có những Cóc chỉ học cô Hợp có một hoặc hai kỳ cũng vẫn giữ liên lạc và nói chuyện, tâm sự với cô dù môn học đã kết thúc từ lâu. Không khó hiểu khi cô luôn nhận được sự yêu mến và nhiều pha “tỏ tình” trên mạng xã hội từ sinh viên mỗi khi cô “lên sóng” các kênh truyền thông của Trường.

Nói về bí quyết để “thu phục” tình cảm của các Cóc, cô Hợp chia sẻ không có gì ngoài sự thấu hiểu. Cô hiểu đa phần các Cóc không phải sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Trung nên không thể yêu cầu quá cao. Cô cũng hiểu tiếng Trung là một hệ ngôn ngữ khác, khó khăn hơn với các bạn nên cô luôn cố gắng kiên nhẫn, giảng giải tận tình và động viên, cổ vũ các bạn tự tin để luyện nói.  

“Cô nghĩ, người ta không hiểu thì mới hỏi chứ biết rồi thì hỏi/học làm gì nữa. Với lại cô mong muốn các bạn có thể tiếp nhận kiến thức môn học với một tinh thần thoải mái nhất” – Cô Hợp nói.

Học thích nghi với những “mùa đứng yên”

Là người từng trải và đã phải nỗ lực rất nhiều để theo đuổi đam mê của cuộc đời, cô Hợp cũng gặp không ít những “mùa đứng yên” khiến bản thân gặp nhiều thử thách. Đó là khoảng thời gian trăn trở nên theo nghiệp gia đình hay đam mê dạy học, là những ngày đối mặt khó khăn khi một mình sống, học tập nơi xứ người… 

Thậm chí, giờ đây khi đã có sự nghiệp ổn định, cô vẫn gặp những “mùa đứng yên” như thế. Có thể kể đến kỳ học online đầu tiên tại Ao làng vào mùa “Cô Vy”. “Cả cô cả trò đều bỡ ngỡ. Nhiều em còn là lần đầu tiếp xúc với một ngôn ngữ mới này cùng những nét chữ “loằng ngoằng” nên mỗi buổi học xong các em đều thấy hoang mang tột độ” – Cô Hợp kể.  

Cô phải “tậu” một chiếc bảng to để hỗ trợ việc dạy học, liên tục động viên tinh thần các Cóc để mọi người cùng nỗ lực, chăm chỉ. Có những ngày cô Hợp nhận cả trăm tin nhắn hỏi bài của sinh viên, cô vẫn kiên nhẫn trả lời từng em một.  

“May mắn là kỳ đó các bạn cũng rất cố gắng nên đều pass hết. Đó cũng là một niềm an ủi không hề nhỏ đối với cô. Kết thúc học kỳ đó cô cũng kiệt sức luôn” – Cô Hợp tâm sự. 

Cô Hợp chia sẻ, bản thân là người thích sự ổn định, nhưng cuộc sống thường chẳng bao giờ như thế: “Mới đầu cô rất sốc, cũng chán nản, cũng buồn bã, nhưng thời gian đó sẽ trôi qua rất nhanh. Khi mình biết suy nghĩ tích cực, mọi việc rồi sẽ ổn cả thôi. Vì mọi việc đều có hai mặt tốt xấu, những “mùa đứng yên” cũng vậy. Khi mình nhìn ra được cái tốt là mình đã học được cách thích nghi rồi đó”. 

Đúng như vậy, đôi khi chính những biến động trong cuộc sống mới khiến ta trưởng thành hơn – điều mà sự yên ổn khó có thể đem lại được. Chúc Hợp lão sư sẽ luôn vững tay chèo trước mọi sóng gió để dẫn dắt nhiều thế hệ Cóc Ao làng đến bến bờ tương lai. 

T.N