Cuốn sách tuổi thơ chữa lành những trái tim người lớn

Ra mắt độc giả vào đầu năm 2022, “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” của tác giả Nguyễn Nhật Anh đã mang “vitamin tuổi thơ” đến chữa lành tâm hồn con người ta giữa những xô bồ hiện tại. 

Tác giả Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt sách “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” tại TP. HCM

Một thế giới tuổi thơ đầy màu sắc

Cuốn truyện mở đầu với cuộc đối thoại giữa hai chú gà Mắt Tròn và Cánh Cam ở một khu vườn nọ. Chỉ xoay quanh màn hỏi - đáp đặt tên cho những chú gà mà thế giới tâm hồn của các con vật trở nên phong phú, thú vị hơn bao giờ hết. 

Tác giả đã sử dụng cái nhìn “vạn vật hữu linh” để tô vẽ cho những áng văn của mình. Trong khu vườn nhỏ nhà chị Ngần, có chú chó con Su Su hồn nhiên, vô tư; bác chó an ninh Tai Dài nhân hậu, tận tụy; cô bồ câu Áo Tím tâm lý chuyên “gỡ rối tơ lòng”; chú vịt con Gì Cũng Biết đam mê tưởng tượng; chú gà choai Cánh Cam đỏm dáng, đào hoa; cô gà mái Ướt Mưa thẳng thắn, lo toan; gà Mắt Tròn mộng mơ; Sợi Tơ Vàng kiều diễm; bác Ngựa Ô uyên thâm, chị vịt Bông Súng tần tảo, can đảm… Thế giới xung quanh những con vật nhỏ được miêu tả đầy sống động, có hồn, biết buồn vui, yêu thương, giận hờn... 

Tác giả đã nhìn đời bằng cái nhìn trẻ thơ, lấy mình làm hệ quy chiếu để miêu tả thế giới. Và trong khu vườn ấy, ai cũng là nhân vật chính, có câu chuyện, tâm sự của riêng mình. Tất cả mọi chi tiết đều được tác giả chỉn chu tạo dựng, thổi vào đó hơi thở của đời sống con người, đưa độc giả về một thế giới tuổi thơ đầy màu sắc. 

Một câu chuyện giàu tính nhân văn

Những “biến cố” đối với các con vật trong khu vườn nhỏ ở “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” rất đơn giản nhưng lại giúp các nhân vật trưởng thành hơn. Chú cún Su Su là cậu học trò ham chơi, ham ngủ. Trò chơi thú vị mà chú có thể lặp đi lặp lại không chán là gặm giày dép, gấu quần của bất cứ ai và ngủ trong lớp. 

Chú cún ngây thơ như một cậu bé hiếu động, nghịch ngợm cho tới khi được bác chó Tai Dài giao nhiệm vụ trông coi, bảo vệ khu vườn. Su Su có khả năng quan sát tốt nhưng hấp tấp, vội vàng; dũng cảm, nhanh nhạy nhưng còn thiếu kinh nghiệm, lại thêm tính hay khoe mẽ nên đã không thể chiến thắng được Diều Hâu xảo quyệt. Thất bại đầu tiên cùng với sự động viên, cảnh tỉnh của bạn bè trong khu vườn nhỏ đã giúp Su Su ngộ ra nhiều điều.

Bìa sách “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”

Hay chàng gà Cánh Cam khi có cảm giác mình là người lớn cũng rất thích khoe khoang. Niềm tự hào của Cánh Cam chính là vỗ đôi cánh sặc sỡ bay lên những chỗ thật cao, “ưỡn ngực gáy bất cứ lúc nào” cốt để “tỏ vẻ ta đây người lớn” và để cho các cô gà trong xóm chạy lại ngó nghiêng, trầm trồ ngưỡng mộ. Mỗi khi có ai đó đứng gần, nó càng làm bộ làm tịch, cốt khoe thân hình rắn chắc. 

Anh chàng gà choai Cánh Cam ưỡn mình khoe bộ cánh trước các cô gà hàng xóm

Trong Cánh Cam hình thành những xúc cảm mới, thích bắt chước người lớn, thích ngắm nghía, đánh giá bản thân và so sánh mình với người khác. Tuy nhiên, Cánh Cam chỉ “ra dáng một chàng trai” xét về mặt ngoại hình chứ ẩn chứa bên trong vóc dáng vạm vỡ đó thật ra vẫn là một tâm hồn bé thơ. Bằng chứng là Cánh Cam đêm nào cũng “đánh giấc ngon lành và hồn nhiên mơ về những cánh đồng ngô”.

Gà Mắt Tròn cùng trang lứa với gà choai Cánh Cam nhưng vì là “phái nữ” nên tâm hồn cô bé "lớn" nhanh hơn. Trong khi Cánh Cam còn đang mê mải chơi trò trẻ con với Su Su thì Mắt Tròn đã nhiều đêm thao thức và phải tìm đến nhạc sĩ Ánh Sao để trút bầu tâm sự. Mắt Tròn thầm thương, trộm nhớ, thần tượng Cánh Cam. Và cũng giống như các cô bé mới lớn nằm khóc tuổi thơ qua, trước sự “vô tình” của Cánh Cam, Mắt Tròn “thấy hồn mình chông chênh”, tâm hồn thơ ngây của nó nghiêng xuống nỗi buồn con gái, tự nhủ phải chờ đợi “crush” của mình lớn lên. 

Cả Su Su, Cánh Cam, Mắt Tròn... đều mang những nét tâm lý của các cô bé, cậu bé đang độ tuổi trưởng thành, khát khao thể hiện bản thân. Tất cả những nỗi buồn, vấp ngã mà chúng gặp phải đều là đòn bẩy giúp chúng lớn hơn, biết “suy tư” nhiều hơn. Su Su thôi không ngủ gật trong lớp, thôi không chơi trò vờn nhau với mấy quả mướp, xứng đáng là người lính gác, một “ngài an ninh” giỏi giang, dũng mãnh của khu vườn trại. Cánh Cam thôi không ưỡn ẹo khoe dáng trước mấy cô gà hàng xóm. Còn Mắt Tròn, nó cũng dừng nỗi buồn hàng đêm, vì ở kết truyện, nó đã có thể hàng ngày cùng Cánh Cam ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng, như nó từng ao ước bấy lâu. 

Cuốn sách chữa lành trái tim  

Tác phẩm này được tác giả chắp bút trong thời điểm dịch bệnh hoành hành năm 2021. Cuốn sách như mở ra một thế giới hồn nhiên, sống động, một nơi chốn để trẻ em được thoả sức khám phá cuộc sống, còn những tâm hồn đã trưởng thành, đâu đó in hằn những âu lo có thể một lần nữa về lại với tuổi thơ vô tư, ru lòng mình trong trang truyện bình yên, tạm quên đi những mối bận tâm cơm áo gạo tiền. 

Không phải ngẫu nhiên tác giả đặt tên cho cuốn sách của mình là “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”, có thể đó là ước mong mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Dù thế nào, cuộc sống vẫn rất mến yêu, dù thế nào con người cũng không được gục ngã. 

“Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” thực sự là một cuốn sách chữa lành. Với tác phẩm này, Nguyễn Nhật Ánh đã không lặp lại chính mình mà còn vượt lên với cách thể hiện nhân văn sâu sắc, nói như Kaitlin Rees: “Trang viết của Nguyễn Nhật Ánh mang lại cho ta những ngỡ ngàng ấy - cho bạn, những người có thể đã sống qua những nơi chốn ông viết về, và cho tôi, kẻ biết nhiều hơn từ một sự đọc nghiền ngẫm”.

T.N