Cựu Cóc Nguyễn Anh Việt và những “cú nhảy” vượt khỏi vùng an toàn

Các Cóc Hola chắc không lạ gì với cái tên Nguyễn Anh Việt – chàng cựu sinh viên năng động nổi tiếng bởi thành tích học tập xuất sắc cùng các giải thưởng lớn nhỏ. Mới đây, Việt đã chính thức đầu quân cho Shopee Singapore – một “ông lớn” sừng sỏ của thế giới trong lĩnh vực Thương mại điện tử. Hành trình vượt khỏi “ao làng” đi tới thành công của Anh Việt chắc chắn sẽ cho các Cóc nhiều kinh nghiệm thú vị. 

Từ “cú nhảy’ vượt 1.500km theo đuổi đam mê...

Đam mê với tin học máy tính từ nhỏ, Anh Việt sớm đã bộc lộ những tố chất của một sinh viên CNTT tài năng. “Ngày ấy mê học Tin lắm, mình có thể ngồi cả ngày bên máy tính mà không biết chán. Với nhiều người có thể đấy là điều hơi... vô bổ. Nhưng thật sự mình yêu thích và nghiêm túc muốn theo đuổi đam mê này” – Anh Việt chia sẻ. Lớn lên cùng đam mê ấy, Việt luôn ấp ủ ước mơ được theo học tại một ngôi trường hàng đầu về đào tạo CNTT. Năm lớp 12, giữa lúc đang băn khoăn chưa biết nên chọn theo học ở đâu, Việt được các anh chị cùng trường cấp ba tư vấn và cậu quyết định sẽ dành 4 năm thanh xuân sắp tới của mình để gắn bó với ĐH FPT. 

Cựu Cóc Nguyễn Anh Việt có niềm đam mê tin học từ nhỏ

Thế nhưng, câu chuyện câu chuyện vượt hơn 1.500km để trở thành Cóc Hola của Anh Việt mới là điều thú vị nhất: “Cơ duyên đưa mình tới với chuyên ngành An toàn thông tin của FPTU và chuyển ra học tập ở Hà Nội thật ra cũng rất tình cờ. Nhà mình thì gần FPTU TP. HCM. Nhưng lúc nộp hồ sơ mình lại muốn theo học ngành Khoa học máy tính, mà ngành này chỉ có ở FPTU Hà Nội. Nghĩ đi nghĩ lại, để theo đuổi ước mơ mình quyết tâm chuyển ra Thủ đô học nội trú. Thế mà bất ngờ làm sao, sau kì học tiếng Anh dự bị và chuẩn bị vào chuyên ngành, mình lại phát hiện ra tình yêu thật sự của mình là An toàn Thông tin cơ. Yêu rồi thì biết làm sao, mình chung tình với An toàn Thông tin luôn.” Anh Việt kể. Vậy là đi nửa chiều dài đất nước để đuổi theo tình yêu, lại phát hiện ra chân ái đời mình là đồng chí đứng bên cạnh. 

Và cũng chính Việt đã thừa nhận rằng việc đến học nội trú tại Holaland chính là một trong những quyết định tuyệt vời nhất. Bởi đây chính là nơi đã giúp Việt bước ra khỏi sự bao bọc của bố mẹ để đến với cuộc sống trưởng thành: Lần đầu xa gia đình, lần đầu ở ký túc xá, lần đầu đi làm thêm và cũng lần đầu tự làm mọi việc để lo cho cuộc sống. Cũng chính vì vậy mà sau khi bước ra khỏi “ao làng”, gặp biết bao khó khăn trong cuộc sống tự lập, Việt cũng không thấy quá bất ngờ hay bỡ ngỡ. 

“Đối với mình, FPTU giống như một xã hội thu nhỏ vậy. Ở đây mình có rất nhiều bạn bè, anh chị và thầy cô, từ những người rất thân và giúp đỡ mình rất nhiều đến những người bạn chỉ gặp nhau một lần. Tất cả mọi người đều sống rất thật thà, cởi mở và sẵn sàng chia sẻ giúp cho mình có thêm nhiều hiểu biết.” – Anh Việt chia sẻ thêm.

...đến “cú nhảy” ra khỏi “ao làng” tới vùng đất hứa

Đối với các thần dân tại Holaland, cái tên Nguyễn Anh Việt vốn đã chẳng xa lạ gì khi liên tục gặt hái nhiều thành tích học tập xuất sắc và danh sách dài các giải thưởng danh giá: Từng đạt giải Nhì Olympic Tin học sinh viên cấp Quốc gia năm 2017 và cùng đội tuyển của Trường lọt top 20 trên tổng số 87 đội tham dự vòng loại cuộc thi lập trình ACM-ICPC khu vực châu Á diễn ra tại Yangon (Myanmar). 

Ngoài ra, Việt còn là một Cóc Hola năng động và nhiệt tình với các hoạt động CLB. Cậu là thành viên tích cực của CLB Vovinam, Guitar, No Shy, Photography khi còn là sinh viên năm nhất. Cậu còn cùng bạn bè thân thiết thành lập và duy trì câu lạc bộ An Toàn Thông Tin ở Hola. Suốt 4 năm học đó, cậu đã có cho mình cả những kỷ niệm và trải nghiệm mà theo anh là hành trang quý giá cho chuyến hành trình ngoài “ao làng” sau này của mình. 

Nguyễn Anh Việt và đồng đội trong cuộc thi lập trình ACM-ICPC khu vực châu Á diễn ra tại Yangon (Myanmar)

Vào tháng cuối cùng của kỳ 9 (kỳ làm đồ án tốt nghiệp), Việt được một người quen rủ gia nhập Shopee Singapore. Vốn đã ước mơ được “xuất ngoại” sang Singapore học tập và làm việc, lại nhận thấy đây là một cơ hội tốt để phát triển bản thân nên cậu nhận lời phỏng vấn ngay lập tức. “Rất may mắn cho mình, đồ án cũng đã hoàn thành được 90% do nhóm mình làm sớm và cũng học được cách làm việc hợp lí nên mình cũng có nhiều thời gian ôn tập cho buổi phỏng vấn. Khi đó, mình dành ra khoảng trung bình 10 tiếng/ngày, liên tục trong khoảng 1 tháng để ôn lại toàn bộ kiến thức trong 4 năm đại học và ôn luyện thêm thuật toán”, Việt kể.

 “Quá trình phỏng vấn theo mình là cực-kỳ-khó và cách duy nhất để vượt qua là phải chuẩn bị thật kỹ. Ở Shopee có 5 vòng phỏng vấn, trong đó 3 vòng cuối cùng là khó nhất, bởi mình phải giao tiếp và giải thích bằng tiếng Anh với một chuyên gia trong ngành nên yêu cầu kiến thức thật sự “sâu” và “chắc”. Mình cảm giác như toàn bộ kiến thức 4 năm đại học được hỏi vỏn vẹn trong vòng 30 phút vậy.” – Anh Việt cho biết. 

Nỗ lực được đền đáp, Việt đạt phỏng vấn và đi làm ngay sau khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Chàng Cóc ngành An toàn Thông tin đã chính thức trở thành một Software Engineer tại Shopee Singapore. Chia sẻ về thành công của mình, Việt chỉ khiêm tốn: “Mình vẫn thường tin vào triết lí ‘Lượng đổi, chất đổi’. Tài năng thiên phú, thông minh cũng quan trọng. Nhưng để thành công thì như thế là chưa đủ. Mình có cơ hội tiếp xúc với những cá nhân thật sự xuất chúng, họ là những kỹ sư của Google, Facebook, Amazon... và họ đều có điểm chung là luôn luôn nỗ lực và khát khao học hỏi. Gần như ai cũng làm việc “thật sự” hơn 10 tiếng một ngày. Những người xuất chúng như vậy còn đang ngày đêm nỗ lực, chúng ta sao lại không nỗ lực? Để thành công thì mình tin chỉ có một con đường duy nhất đó là phải nỗ lực.”

Bí kíp cho những “cú nhảy” ngoạn mục của Anh Việt chính là sự nỗ lực

Thế nhưng sau “cú nhảy” ngoạn mục đó, hành trình “sống sót” ngoài “ao làng” của anh Việt chỉ mới thực sự bắt đầu. Làm việc cho một “ông lớn” chắc chắn sẽ gặp không ít những áp lực. Tuy nhiên, Việt cũng có cho mình những bí quyết riêng: “Cách vượt qua áp lực của mình chỉ là đừng cho deadline xuất hiện và hãy sắp xếp công việc và thời gian hợp lý. Nghe có vẻ vô lí nhưng cách thực hiện lại rất đơn giản. Có một thứ gọi là: “Urgent and important matrix”, tức là mỗi việc sẽ có 2 tính chất: độ quan trọng và độ khẩn cấp. Tùy vào 2 tính chất này sẽ được chia vào 4 vùng. Đừng bao giờ để một việc ở vùng vừa “khẩn cấp” vừa “quá tải” mà hãy giải quyết nó ngay từ khi nó đang là “quan trọng nhưng không khẩn cấp”. Còn những thứ khác mình sẽ giải quyết khi rảnh và áp dụng quy tắc 80/20 để giải quyết vấn đề.” – Anh Việt bật mí.

“Quan trọng không phải tìm hướng đi đúng, mà là bạn phải đi”

Suốt những năm tháng ở Hola, điều Anh Việt trân trọng nhất chính là những trải nghiệm quý giá đã cho cậu kinh nghiệm để những “cú nhảy” ngày càng cao, càng xa. “Mình luôn quan niệm cần sống sao để sau này nhìn lại sẽ không phải nói những câu “Giá như hồi đó...”: “Giá như hồi đó mình dám tỏ tình với bạn ấy...”, “Biết vậy hồi đó mình học môn này thì giờ ngon rồi”, “Ngày trước trường có sân banh mà mình không đá, giờ mỗi lần muốn đá banh phải bỏ tiền rồi đi cả chục cây số”... Chỉ vài câu “Giá như...” thôi là thanh xuân ngắn ngủi đã vội trôi qua rồi.

Chúng ta còn trẻ, và chúng ta có quyền mắc sai lầm. Nhiều bạn cứ lo sợ mình chọn sai hướng. Hướng đi thì có rất nhiều, và hướng nào cũng dẫn đến đích cả. Điều quan trọng không phải là bạn tìm được hướng đi “đúng nhất” mà là bạn phải “đi”. Chỉ có đi thì mới tới đích. Vì vậy thay vì tốn thời gian cho việc tìm đường thì hãy cứ đi, cứ trải nghiệm để trưởng thành. Bạn đừng lo, thà mất 1 năm vì đi con đường “không phải tốt nhất” còn hơn cứ ở yên một chỗ lo lắng đến... 3 năm.”

Còn các Cóc, bạn đã sẵn sàng cho những “cú nhảy” của riêng mình chưa?

Khánh Như