Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Đọc sách - đặc quyền cô đơn
Có người nói với tôi rằng phải hết sức thận trọng, cứ kêu gọi đọc sách đọc sách đọc sách, nhưng đọc cái gì thì phải xem kỹ, nếu không rất nguy hiểm. Tất nhiên rồi, lái xe trên đường cũng có thể chết người, thái thịt ở nhà cũng có thể đứt tay. Không làm gì thì mới không nguy hiểm. Đôi khi người ta có thể lấy cái ý "đọc cũng nguy hiểm" để ngụy biện cho việc không đọc. Thái thịt sao cho gọn, lái xe sao cho chuẩn, và đọc sách sao cho tốt đều cần luyện tập, tìm hiểu, và có sự nâng đỡ của gia đình, xã hội.
Theo khảo sát gần đây, số người đọc sách ở Việt Nam tăng lên ì ạch, không khác biệt nhiều qua các năm. Năm 2019 chúng ta đọc trung bình là 1,4 cuốn/người/năm nếu không tính sách giáo khoa, giáo trình là thứ bắt buộc. Lượng đọc thế này chắc còn xa lắm mới tới được chỗ nguy hiểm nào đó.
Nếu hôm nay bạn đi ăn một bán bún riêu ba mươi ngàn, thì bạn có biết đó cũng là số tiền mà trung bình người Việt dành để mua sách hằng năm? Số tiền này tương đương khoảng hơn 2 đô la, trong khi người Malaysia dùng gần 9 đô, và Hàn Quốc thì gần 100 đô, gấp ta chừng 50 lần. Dân số Hàn Quốc hơn 51 triệu, nhưng họ đã có những đầu sách bán triệu bản. Tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-sook - nữ nhà văn đầu tiên nhận giải Man Asian Literary 2011, theo Korea Times, khoảng hai năm rưỡi bán 2 triệu bản ở trong nước! Trong khi Việt Nam 97 triệu dân, đỉnh cao lượng bán vẫn là Nhật ký Đặng Thùy Trâm, khoảng mười năm bán trên 500 nghìn bản. Nhà văn có sách bán chạy nhất hiện nay - Nguyễn Nhật Ánh, với cuốn thành công nhất Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, trong khoảng mười năm bán được hơn 350 ngàn bản, đã là niềm mơ ước của nhiều người viết.
Một trong những lý do cho việc ít đọc, theo tôi là bởi trong khi chúng ta chưa có một chiến lược khuyến khích đọc sách đồng bộ, cụ thể để biến đọc sách thành một thói quen xã hội, thì các thiết bị công nghệ và mạng xã hội đã đổ bộ và nhanh chóng chiếm chỗ. Việt Nam là một trong mười nước dùng mạng xã hội nhiều nhất thế giới. Mọi người đặc biệt người trẻ, chụp ảnh, check in, đăng những status ngắn ngắn mọi lúc mọi nơi, rồi háo hức xem nó được like bao nhiêu và comment thế nào.
Tôi còn nhớ năm ngoái khi sang Pháp, Áo, Tây Ban Nha và quan sát thì thấy người ta vào nhà hàng ít khi chụp hình “cúng phây” (ai nghĩ ra cái từ này hay xuất sắc này vậy!), nhà hàng cũng không cung cấp wifi tự do trừ khi được hỏi, mà hỏi cũng khá ngại. Thậm chí tôi ngồi ở một nhà hàng gần Bảo tàng Louvre thì nhìn thấy ngay trên chiếc gạt tàn có câu “Wifi is where your home is” - nếu thích wifi thì tốt nhất nên ở nhà, tức là từ chối thẳng cho wifi. Tôi đọc câu ấy thấy khá sốc, vì đã quá quen với cảnh ở Việt Nam các nhà hàng cung cấp wifi tự do, kêu gọi check in, và thực khách trẻ cũng rất khoái điều đó, vì họ có nhu cầu được trưng bày, tỏ ra mình vui vẻ thoải mái, mình có đời sống thú vị v.v..
Đọc sách đang là một thách thức với nhiều người. Thách thức, bởi vì đọc là một hoạt động cô đơn. Đọc là một phép trừ mạnh mẽ đối với những thông tin và tương tác ngồn ngộn trên smartphone và mạng xã hội.
Mọi người bây giờ lướt nhanh, đọc ngắn, các những hình ảnh, nội dung thay đổi liên tục, những đường link chen ngang mời gọi, kéo chúng ta theo những hội hè miên man của không gian mạng. Bạn có thể đang muốn đọc các phân tích sâu về biến đổi khí hậu, về ứng xử với tài nguyên và vấn đề bão lụt miền Trung, thì bỗng bị kéo vào một trang về “con giáp thứ 13” lúc nào không hay. Chúng ta tiêu thụ thông tin rất nhiều nhưng lại không sâu và theo cách thụ động.
Thêm nữa, con người luôn có tâm lý bầy đàn, bản năng tìm đến bầy đàn, những người giống mình, những người thích mình để tìm kiếm sự an toàn, đã được mạng xã hội khuếch đại. Vì thế nó hấp dẫn. Đó là lý do ai cũng thích chụp ảnh, thao tác nhanh, dễ trưng bày bản thân, dễ được like. Bây giờ trải nghiệm mà không được chia sẻ trên mạng xã hội thì trải nghiệm đó không còn có ý nghĩa nữa, thậm chí cái phần “cúng phây” đã nuốt chửng cả phần “trải nghiệm”. Giữa tháng 11 vừa qua có chuyện các bạn trẻ đến triển lãm nghệ thuật ở VCCA như đến studio chụp ảnh, họ sờ mó tác phẩm, thậm chí giẫm vỡ tác phẩm và cản trở những người xem khác, chỉ để có được tấm ảnh đẹp, lạ, chứ không màng thưởng thức nghệ thuật.
Trong khi đó đọc một cuốn sách là hành động chủ động, là sự chấp nhận dấn thân vào cô đơn. Không ai bên cạnh bạn để thả like hay thả tim, không ai tung hô bạn, lại đòi hỏi sự tập trung cao, đòi hỏi phải khó nhọc suy nghĩ, phải đối diện với nội tâm, khi ở ngoài kia mọi thứ đều vận hành vui vẻ theo cách “không phải nghĩ”.
Nhưng tôi luôn nhìn thấy vẻ đẹp ở những người đọc sách. Sự cô đơn ấy, sự nhẫn nại và tập trung ấy, có một cái gì đó rất con người.
Phải đặt ra câu hỏi: đọc sách và sự cô đơn đó có cần thiết không? Cần thiết. Sách giúp ta thu nhận kiến thức; khi đọc sách ta nhận xét, so sánh, đối chiếu, liên tưởng, từ đó phát triển tư duy và có suy nghĩ độc lập; đọc là bài tập thể dục cho não, để đầu óc minh mẫn, có khả năng tập trung; và cuối cùng, đọc sách giúp phát triển cảm xúc, nuôi dưỡng năng lực đồng cảm và thấu cảm, giống như một ngọn hải đăng dẫn đường để con người có lối sống tử tế, có đạo đức, nhân tính.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết, “Cô đơn, cô đơn, cô đơn hơn nữa - đấy là lối mòn bậc thánh nhân.” Chúng ta có thể không được chọn để làm thánh nhân, nhưng sự hiểu biết và tử tế luôn cần cho cuộc sống.
“Loneliness is the way by which destiny endeavors to lead man to himself” - Sự cô đơn là con đường mà theo đó số phận cố gắng dẫn dắt con người tới chính mình - nhà thơ, nhà văn Hermann Hesse từng nói. Sự cô đơn có thể là điều khó nhọc, nhưng ở một góc độ khác, hãy nhớ chúng ta có quyền được cô đơn. Giờ đây chúng ta đang bị dẫn dắt vừa lộ liễu vừa tinh vi, và nếu không ý thức, chúng ta sẽ mất đi đặc quyền được cô đơn đó. Chúng ta sẽ liên tục bị ép làm phép cộng đến mức quên cả phép trừ, và biết đâu một ngày ta chỉ còn là một bản thể trống rỗng. Cuốn tiểu thuyết Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới của tác giả trẻ Nguyễn Hải Nhật Huy mô tả khá sống động điều này, nhân vật của anh chờ cơn bão như một thứ phép trừ để có thể tái tạo, hồi sinh.
Cuối cùng là câu chuyện đọc cái gì phù hợp với mối quan tâm của ta, giúp cho sự hoàn thiện của bản thân ta, không đọc theo phong trào, không đọc rác, lại là một phép trừ nữa nằm trong sự đọc, nhưng xin bàn vào một dịp khác.
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
Đôi nét về tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy Nguyễn Hoàng Diệu Thủy sinh năm 1980 tại Thái Nguyên. Chị tốt nghiệp Thạc sĩ tại Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Văn học sau 1975. Chị hiện là Biên tập viên - Phó phòng Tu thư của Nhã Nam. Chị Diệu Thủy nổi tiếng là biên tập viên của nhiều tác giả quan trọng mà Nhã Nam đã xuất bản, đồng thời chị cũng viết các bài điểm sách, làm diễn giả và điều phối viên cho các cuộc tọa đàm. Nhà sử học Chương Thâu từng yêu mến gọi chị là “kỳ nữ của Đông Tây” (Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây – Nơi được xem như chốn tụ họp của giới văn nghệ sĩ). |