Đừng ngủ vùi khi thế giới chậm nhịp bước

Trong một cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh, tôi nhớ mãi câu chuyện về loài hồng hạc ở khu vực phi quân sự, thuộc phía bắc thành phố Ch’orwon thuộc tỉnh Kangwon-Do, Hàn Quốc. Vùng phi quân sự này từng là làng mạc, ruộng đồng trù phú, nhưng sau hơn 50 năm bỏ hoang đã trở thành nơi trú ẩn của nhiều loài chim quý hiếm, trong đó có hồng hạc – hiện nằm trong danh sách các loài bị đe dọa của Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên.

Khi mùa đông đến, hồng hạc bay về vùng phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trú ẩn, chúng bình thản đi tìm mồi trong những bụi cây, và dĩ nhiên không hề biết rằng sự sống sót của mình là nhờ cuộc chiến bất phân thắng bại giữa hai nước anh em. 

Theo Alan Weisman – người viết lời giới thiệu cho cuốn sách lập luận, nếu hòa bình được tái lập giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, vùng đất hoang ở khu phi quân sự sẽ được hai bên bình định lại để mở mang phát triển, và như vậy loài chim hồng hạc sẽ không còn lý do để tồn tại.  

Câu chuyện về những chú hồng hạc cứ vấn vương trong lòng tôi

Câu chuyện trên cứ vấn vương trong lòng tôi mãi, như một lời nhắc về sự kì diệu của tự nhiên, cũng như việc hãy luôn nhìn nguy cơ là cơ hội. Ngay cả với COVID-19 cũng vậy. Bên cạnh bức tranh u ám về số người chết và những tổn thất nặng nề cho các nền kinh tế, ở một khía cạnh khác, COVID-19 dạy chúng ta những bài học về sự thích nghi, sinh tồn trước tương lai hứa hẹn sẽ còn nhiều khó khăn ở phía trước.  

Trong khi con người chật vật đấu tranh với bệnh tật, bị phong tỏa, cách ly, hoạt động sản xuất ngừng trệ, với thất nghiệp và đói nghèo vì COVID-19, Trái đất lại đang có một kỳ nghỉ ngơi sau hàng thập kỷ phát triển nóng. Điều này như một sự tất yếu, bởi lẽ cuộc sống này vận hành như một đồ thị hình sin, một khi phát triển quá nóng, sẽ dần phải nguội đi, trước khi quay trở lại thời kỳ thịnh vượng. 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong đợt phong tỏa diện rộng đầu tiên ở nhiều nước hồi đầu năm 2020, bầu trời ở nhiều nơi xanh hơn, nồng độ khí thải carbon dioxide giảm mạnh, nước ở các kênh đào tại Venice cũng trong hơn trước, tình trạng ách tắc giao thông giảm rõ rệt... Ngay cả các rung động địa chất – vốn là tổng hợp các loại tiếng ồn từ đời sống, sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, âm nhạc, bao gồm cả tiếng nói của hàng tỉ con người trên Trái đất... cũng đã giảm tới 30% - 50%. Nhờ Trái đất bớt ồn, các nhà địa chất thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu các tín hiệu rung chấn mà trước đây chúng ta khó có thể phát hiện được. Vì trong điều kiện bình thường, khi đo rung chấn, các nhà nghiên cứu sẽ mất nhiều công sức và thời gian để phân lọc đâu là rung chấn từ lòng đất và đâu là rung chấn từ bề mặt Trái đất do con người tạo ra, sự lẫn lộn giữa các loại rung chấn này dễ gây ra những phán đoán sai lầm. 

Đối với con người, COVID-19 thực sự là một cơn khủng hoảng, nhưng với Trái đất thì đó chỉ như một cơn cảm cúm để “sắp xếp” lại thế giới, cho chúng ta thấy bàn tay con người đã ảnh hưởng sâu sắc đến môi sinh như thế nào. 

Cho tới hiện tại, Trái đất đã đối diện với 5 cuộc đại tuyệt chủng, chứng kiến các lục địa hợp – tan, chứng kiến loài khủng long xuất hiện, rồi biến mất, nên ngay cả khi phải đối diện với COVID-19, hay có thể là cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6, Trái đất rồi sẽ lại phục hồi theo một cách nào đó, như cách hàng trăm triệu năm qua vẫn diễn ra. Nhưng với con người, trước diễn biến đảo cực địa từ Trái đất, của biến đổi khí hậu với các hiện tượng băng tan, xâm nhập mặn, gia tăng nhiệt độ... rồi chúng ta sẽ tồn tại thế nào khi môi trường sống trên Trái đất ngày một khắc nghiệt hơn?

Tiếc rằng không phải ai cũng quan tâm đến tầm nhìn dài hạn về sự phát triển của loài người, khi mà những lợi ích kinh tế, những vấn đề thường nhật đã choán hết tâm trí chúng ta.

Và khi chúng ta thờ ơ, tự nhiên sẽ lên tiếng.  


Chỉ trong vòng hai năm qua, COVID-19 đã dần dần “sắp xếp” lại thế giới từ cách vận hành cho tới thói quen thường nhật của từng cá nhân. Đây cũng như một bước tập dượt cho con người làm quen và thích nghi với điều kiện sống sẽ ngày một khắc nghiệt hơn trong tương lai. 

Khi sản xuất thu hẹp, nhiều dịch vụ phải đóng cửa, nhiều người thất nghiệp, lương bổng giảm sút buộc chúng ta tiết kiệm hơn trong tiêu dùng, học cách thích nghi với việc bị phong tỏa, hạn chế đi lại, phải làm việc và học tập tại nhà, họp trên các nền tảng trực tuyến...

Giữa lúc đang tận hưởng một cuộc sống sôi động mà giờ chỉ được loanh quanh trong những căn phòng hẹp, ngắm đường phố đìu hiu, khắp nơi nơi quán xá và dịch vụ đóng cửa... là điều chẳng ai mong. Nhưng khi dịch bệnh diễn ra trên quy mô toàn cầu đồng nghĩa với việc thế giới đang vận động theo xu thế mới, sự cưỡng lại hoặc tiếc nuối với quá khứ chỉ khiến chúng ta chậm chạp với việc thích nghi. Trong khi dễ thích ứng với điều kiện mới tạo lợi thế sinh tồn, giúp bạn phát triển mạnh mẽ và thuận lợi hơn so với những người khác.

Tác giả Dương Thùy

Một người bạn của tôi tại TP.HCM, trong thời kỳ khu phố bị phong tỏa đã chọn cách cùng một vài người khác tổ chức nấu ăn từ thiện, trao tặng cho những gia đình khó khăn trong xóm. Bạn bảo: “Sài Gòn giăng dây nhưng lòng người không có khoảng cách. Mỗi khi đem tới từng nhà món này món kia, sự reo hò của họ cũng làm mình chạnh lòng vì bao nhiêu lâu sống ở đây mà không biết lối xóm của mình còn nhiều hoàn cảnh khổ quá!”.

Khi cả thế giới buộc phải bước chậm lại, chúng ta như những con ốc vít bé nhỏ trong một guồng quay lớn – ít nhiều đều bị ảnh hưởng, quan trọng là thái độ ứng xử của bạn trước khó khăn sẽ quyết định khả năng vượt khó. 

Khi không thể rời tổ, vẫy vùng bay trên bầu trời, hãy thu cánh lại, dành thời gian chăm sóc nội tâm, đăng ký các khóa học online, học thêm ngoại ngữ mới, trồng một vài mầm xanh, đọc thêm sách, học vẽ tranh...Hãy tận dụng khoảng thời gian này để khám phá chính bạn và giúp đỡ những người xung quanh, chứ đừng để bản thân đứng yên. Bằng lòng với những gì đang có, ngủ vùi trong tháng ngày này chính là tự thoái hóa. Vì dù đang “bệnh”, thế giới vẫn đang vận động và chuyển hóa, từng giây từng phút một. 

Dương Thùy