Đường làng

Tháng 9 lại về, không khí đầy “sương thu và gió lạnh” ấy khiến tôi bỗng nhớ về những ngày tựu trường năm xưa. Khi đó, tôi được ngồi trên chiếc yên xe đạp cũ của mẹ, cũ đến mức, mỗi khi đạp lại phát ra tiếng cót két. Chúng tôi lướt trên con đường làng, qua những đồng lúa thơm để đến trường cấp một.

Quê tôi nằm ở vùng ngoại ô yên bình của Hà Nội, nơi người ta vẫn trồng lúa, nuôi bò mặc cho những ánh đèn điện phố xá cũng đã bắt đầu tràn về. Cứ độ tháng 9, khi lúa bắt đầu chín thơm khắp các con đường làng, đó cũng là lúc tôi chuẩn bị quần áo, khăn quàng đỏ để đi khai giảng.

Còn nhớ, đó là lần đầu tiên tôi vào lớp một, buổi khai giảng đầu tiên trong đời học sinh. Con đường đi học của tôi nằm giữa một bên là cánh đồng lúa, bên kia là dãy nhà dân. Mọi người vẫn gọi là đường làng để phân biệt với đường quốc lộ. 

Vài cô bán hàng đang tất bật, mấy chú bê con tinh nghịch đùa giỡn trên con đường làng. Mùi cỏ nồng lên, làm đậm đặc thứ không khí buổi sáng nơi làng quê. Tôi ôm chặt lấy mẹ từ phía sau xe đạp. Mẹ đèo tôi đi dọc con đường làng, trong lòng ngập tràn những lo lắng, khuôn mặt méo xệch chỉ trực khóc òa. Thỉnh thoảng vài cái ổ gà lại làm xe bị xóc lên, tưởng như khiến tôi bắn ra ngoài. 

Đứng trên con đường làng chỉ cần giơ tay ra là vơ được cả nắm lúa

Mẹ đưa tôi tới trường, dặn dò vài câu rồi dắt tôi vào lớp. Tôi mếu máo: “Mẹ đừng về nhé, mẹ ở đây với con nhé”. Nói rồi tôi nắm chặt lấy ngón tay mẹ. Mẹ cũng chỉ ôm tôi, cười rồi an ủi: “Lớn rồi, đi học rồi mà còn bám mẹ”. Có vẻ thấy tình hình của tôi không ổn lắm, mẹ phải nhắc đi nhắc lại rằng mẹ sẽ không đi cho đến khi tôi vào học. 

Tôi được đưa vào lớp. Chỗ ngồi của tôi cách xa cửa sổ - nơi mẹ tôi đang đứng dõi theo, khiến tôi có chút bất an. Nhưng rồi những lời cô giáo nói, bạn bè mới lôi cuốn tôi khiến nỗi sợ dần bị quên lãng. 

Sau này, nông dân chỗ tôi còn trồng cả mía để bán cho nhà máy đường nên mẹ cũng bận rộn hơn với công việc đồng áng, ít có thời gian đưa tôi đi học. Nhưng không sao, tôi đã biết đi xe đạp, có thể tự đi đến trường. Tôi còn thích tự đến trường hơn vì được đi cùng bạn bè. Chúng tôi cứ vừa đi vừa trêu chọc nhau, cười vang khắp đường làng. 

Có một lần đang đạp xe từ trường về nhà, thằng bạn béo cùng lớp thách tôi đi xe mà buông thõng hai tay giống nó. Tôi háo thắng, cũng làm theo. Kết quả, tôi ngã xước đầu gối. May mà đường đất chứ không phải đường nhựa nên chân tôi không sao, chỉ “đau” nhất là làm vỡ cả lọ mực mẹ mới mua cho. Tôi đã phải năn nỉ mẹ rất nhiều để được mua mực và bút máy, thế mà… Tôi sợ hãi mang khuôn mặt lấm lem về gặp mẹ. Hôm ấy, tôi ăn một trận đòn nhớ đời. 

Con đường làng cũng là nơi ghi dấu bao kỷ niệm của tôi và chúng bạn

Lần khác, tôi đang đi thì xe bị tuột xích. Mà khổ nỗi đường làng chẳng có chỗ nào sửa xe. Tôi lếch thếch vác cái xe to hơn người đi giữa trời nắng. May sao, mẹ tôi thấy con đi lâu về quá bèn đi tìm. Mẹ đặt cái xe lên yên sau, mang nó đi sửa, dặn tôi ngồi ở chỗ mát. Tôi ngồi dưới bóng cây to nhất trên con đường làng.

Lên cấp ba, tôi học trên thị trấn. Đường đi học cũng vì thế mà xa hơn. Không có tiền mua xe đạp điện giống các bạn nên tôi phải đi xe buýt. Sáng ra, tôi lúc nào cũng dậy sớm hơn mọi người để tránh đi xe giờ cao điểm lại muộn học. Nhưng cũng có vài lần tôi bị đi học muộn vì không thể chen chân lên xe nổi. Bố mẹ đều bận rộn đi làm nên tôi phải tự xoay sở thôi. 

Lên Đại học, tôi đi ở trọ, đúng nghĩa là sống tự lập. Tôi ít về thăm nhà hơn vì bận đi học, đi làm thêm. Lần ấy, tôi về cũng đúng ngày khai giảng của đứa em. Tôi thay mẹ đèo em đi học. Con đường làng năm nào tôi vẫn đi giờ đổi khác nhiều quá, nhà cửa bắt đầu san sát, đất nông nghiệp thu hẹp dần. Trước đây, chúng tôi có thể vừa đi vừa giơ tay ra là chạm được vào lúa chín, bắt được mấy con chuồn chuồn, bướm trắng… giờ thì chỉ còn nhà cửa, kiot mọc lên. Chỗ tôi, người ta chuyển sang làm nghề mộc nhiều nên không khí cũng toàn mùi mùn cưa, bụi gỗ mù mịt thay vì không khí trong lành, thoang thoảng hương cỏ dại khi trước.

Đèo đứa em sau xe, tôi chợt nhớ đến mẹ. Năm đó, tôi cũng khép nép như thế sau lưng mẹ. Tôi bỗng thương mẹ vô cùng. Người mẹ tần tảo của tôi sớm hôm chỉ biết làm lụng không ngơi nghỉ. Tôi cũng thương con đường làng nhỏ bé, già nua, có lẽ sẽ sớm bị thay thế bởi con đường bê tông mới. Tôi đã bước qua tuổi thơ ấu yên bình, tuổi mới lớn ẩm ương, và dần lớn lên trong vòng tay của mẹ, bước những bước đầu đời trên con đường làng ấy.  

Dẫu biết thời thế đổi thay, khó có điều gì còn tồn tại mãi như thuở ban đầu. Nhưng tôi không hiểu sao, về lại trường cũ, con đường đi học năm nào vẫn khiến tôi day dứt khôn nguôi. Cảm giác giống như gặp lại người bạn cũ, cũng như một người thân, mà họ chắc chẳng còn nhớ mình là ai, bản thân họ cũng ngày càng khác lạ. Về đến nhà, tôi kể với mẹ. Mẹ liền gõ đầu tôi mà nói: “Chẳng lẽ quê mình nghèo mãi chỉ để cho mày ngửi hơi lúa à”. Đúng rồi, chẳng lẽ quê mình cứ nghèo mãi…

Annie