Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Gặp “đồ Cóc” sở hữu nụ cười đốn tim cư dân Ao làng xứ sông Hàn
Thời gian qua, Ao làng xứ sông Hàn xôn xao vì thầy giáo 9x - Hồ Thăng Triều, chủ nhiệm bộ môn Quản trị Du lịch – Khách sạn, FPTU Đà Nẵng. Không chỉ sở hữu vẻ ngoài điển trai, nụ cười “tỏa nắng”, thầy còn “đốn tim” các Cóc với giọng nói ngọt lịm và phương pháp dạy học cực trẻ trung, cuốn hút.
Bỏ Thụy Sĩ để theo đuổi ước mơ “đồ Cóc”
Sau khi tốt nghiệp ngành Du lịch - Khách sạn của Viện Quản trị Khách sạn và Du lịch HTMi, Thụy Sĩ, thầy Hồ Thăng Triều đã ở lại “đất nước hạnh phúc” này làm việc. Cứ ngỡ cuộc sống sẽ mãi bình lặng như thế cho đến một ngày đẹp trời, thầy chợt cảm thấy bản thân cần làm điều gì đó để khiến cuộc đời thú vị hơn.
Sau nhiều đắn đo, thầy Triều quyết định trở về quê nhà, về thành phố sông Hàn để sống với đam mê mới của mình – nghề cầm phấn. Và như một mối “duyên” đã định từ lâu, ngay khi Đại học FPT đăng thông tin tuyển dụng giảng viên, thầy nhanh chóng ứng tuyển. Quyết định này có được, một phần vì thầy đã thích môi trường mang bản sắc riêng của FPT Edu từ lâu, phần vì thầy nghĩ, phong cách năng động của mình sẽ hợp với các bạn sinh viên ở đây. Và thế là, các Cóc xứ sông Hàn đã có một “anh thầy” cực xịn như thế.
Tiếp đó, thầy Triều đã có màn “chào sân” FPTU Đà Nẵng không thể ấn tượng hơn khi liên tục xuất hiện trên các... trang confession của trường vì bị các Cóc nhầm thành sinh viên và đi hỏi xin thông tin. Đến giờ, thầy vẫn xem đây là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất khi giảng dạy tại Ao làng.
Thầy cũng chia sẻ, chính sự “nhầm lẫn đáng yêu đó” đã giúp thầy gần gũi hơn khi trò chuyện với học trò của mình: “Mình cũng mới đồng hành với các Cóc từ tháng 1 năm nay. Khoảng thời gian không dài nhưng mình đã có rất nhiều trải nghiệm thú vị. Mình học được nhiều điều hay ho, bổ ích. Đặc biệt, các Cóc chính là lý do to đùng khiến mình chắc chắn hơn về quyết định về Việt Nam và chọn Ao làng để gắn bó.”
“Anh giáo” với những giờ học “bánh cuốn”
Là một trong những giảng viên trẻ tuổi nhất ở FPTU Đà Nẵng, sở hữu gương mặt trẻ trung, phong cách năng động đã làm nên thương hiệu “anh giáo điển trai” của thầy Thăng Triều.
Nhưng chỉ những điều này thôi là chưa đủ để khiến các Cóc xứ sông Hàn “mê” thầy như điếu đổ. Lý do lớn nhất khiến thầy được yêu mến như vậy chính là những tiết học cực “bánh cuốn” và mới lạ.
Thầy luôn cố gắng tìm ra ý tưởng sáng tạo, làm mới bộ môn và các tiết học của mình. Thay vì chỉ truyền dạy kiến thức một chiều và nhàm chán, thầy thường đặt sinh viên vào vị trí trung tâm giờ học, khơi gợi trí tò mò để các bạn chủ động tìm tòi kiến thức bằng nhiều hình thức như mini game, cuộc thi linking tới chủ đề bài học và… có treo giải.
“Học mà chơi, chơi mà học. Mình muốn các bạn luôn tham gia vào lớp của mình với tinh thần vui vẻ, nhiệt huyết và đặc biệt là phải thoải mái. Có các tiêu chí đấy thì buổi học mới thành công được” – Thầy Triều chia sẻ,
Một Cóc K16 ngành Quản trị Khách sạn FPTU Đà Nẵng chia sẻ: “Đôi lúc việc học quá nặng, tâm trí bọn mình bị “lạc trôi” đi đâu đó, thầy là người đưa bọn mình về bằng các khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn giữa giờ hay những câu chuyện đời, chuyện nghề “thật mà như đùa” thầy từng trải nghiệm.”
Thêm nữa, nhờ tuổi tác có phần gần nhau nên thầy cũng khá thấu hiểu tâm lý của các Cóc từ cảm xúc đến hành động. Cũng bởi vậy mà những nguyện vọng, mong muốn của các Cóc đều được thầy xử lý nhanh trong vòng một nốt nhạc.
Quan điểm giáo dục của thầy Triều là không cần quá nghiêm khắc, cứng nhắc trái lại người thầy cần biết cách dung hòa giữa các cá tính trong một tập thể lớp, khiến sinh viên “nể” chứ không “sợ”.
Thầy Triều được các Cóc Đà Nẵng đặt cho biệt danh “anh thầy” vì vẻ ngoài trẻ trung và siêu cấp điển trai
“Vấp ngã” cũng là tài sản của tuổi trẻ
Như nhiều người trẻ khác, thầy Triều tất nhiên cũng có đầy đủ những “pha” ngã đáng nhớ trước khi gặt hái được thành công trong đời. Thầy khẳng khái: “Muốn thành công thì phải học cách ngã cho nó... nghệ thuật.”
Thầy Triều còn dí dỏm khi kể lại những “cú ngã” rải rác xuyên... quốc gia của mình. Dù khi còn ở trong nước hay khi đã sang học tập và làm việc ở nước ngoài, thầy cũng vẫn đôi lần gặp thất bại. Trong học tập, công việc, cuộc sống... đâu cũng có thể là “địa bàn” của những cú ngã. Từ những lần stress cực độ vì chưa biết cách sắp xếp thời gian vừa học vừa làm, những lúc ốm đau nơi xứ người đến những ngày mới đi làm bị sếp mắng tả tơi… Đối với thầy, đều là những cú ngã đáng giá và cho thầy bài học đáng trân trọng.
Với thầy, “vấp ngã” cũng chính là tài sản quý giá của tuổi trẻ. “Để giờ đây, thầy có thêm vốn sống, thêm những câu chuyện thú vị kể cho các Cóc nghe. Điều quan trọng không phải bạn ngã bao nhiêu lần, mà là bạn đã đứng lên như thế nào.”
Thầy cũng chia sẻ, các Cóc có một điểm rất giống thầy, đó là thích quậy. Có lẽ vì thế mà việc vấp ngã là điều không thể tránh khỏi. Có thất bại thì chúng ta mới biết cảm giác được đứng dậy và bước tiếp nó sung sướng đến nhường nào.
Với thầy Triều, những cú ngã cũng là tài sản của tuổi trẻ
Chia sẻ về những dự định tương lai, thầy Triều mong muốn dành nhiều năng lượng của mình cho các Cóc hơn, không chỉ để truyền dạy kiến thức mà còn giúp các Cóc thêm vững vàng trước những “cú ngã” sắp đến của tuổi trẻ.
Mong rằng, khi “Cô Vy” được đẩy lùi, “anh giáo” và các Cóc sẽ sớm ngày được gặp nhau trên giảng đường Ao làng. Cóc Đọc và Những người bạn xin chúc thầy Thăng Triều sẽ luôn tràn đầy nhiệt huyết và thành công trên con đường mình đã chọn.
Queen Hoàng