Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Hành trình trở thành “chiến sĩ toàn cầu” của cựu Sư Tử ĐH Greenwich (Việt Nam)
Thừa nhận đi học vì đam mê mà đi làm cũng vì đam mê, anh Nguyễn Trí Trung (FPT IS FPS), cựu Sư Tử ĐH Greenwich (Việt Nam) luôn toát ra nguồn năng lượng tích cực. Sức hút của anh không chỉ đến từ năng lực chuyên môn, sự hết mình với công việc mà còn bởi tính cách hài hước, thân thiện.
Tiết kiệm tiền ra net để… học code
Từ nhỏ, anh Nguyễn Trí Trung đã nổi tiếng là một “mọt sách” chính hiệu. Anh say mê với kiến thức và đặc biệt là máy tính – người bạn mở ra cho anh cả chân trời tri thức mới. Trong khi bạn đồng trang lứa mê bắn bi, trốn tìm, chơi game… thì anh Trung lại tích góp từng tờ 500 đồng nhỏ mẹ cho ăn sáng để ra tiệm net… tập tành những dòng code đầu tiên.
“Nghe có vẻ xạo xạo ha, nhưng đó là sự thật đấy. Anh mê code lắm. Hồi đó chưa ai dạy thì tự lên mạng học. Đó cũng là lý do anh quyết tâm thi vào FPT Aptech thay vì một trường đại học nào khác” , anh Trung kể.
Thời gian đầu sau khi phát hiện con trai cả ngày ở ngoài hàng net, bố mẹ anh Trung phản đối rất gay gắt vì tưởng anh trốn học đi chơi game. Đến mức anh phải đưa bố mẹ ra ngồi cùng để… xem mình lập trình. Sau cùng, chính bố anh là người đã lắp bộ máy vi tính đầu tiên tặng anh Trung để ủng hộ con trai theo đuổi đam mê.
Ngay sau khi tốt nghiệp FPT Aptech, anh Nguyễn Trí Trung ứng tuyển vào làm tại FPT Information System (FIS) qua lời giới thiệu của một người quen.
Sau một thời gian đi làm, anh Trung nhận thấy bản thân còn thiếu sót về kiến thức. Anh cần thêm các kỹ năng mềm khác đặc biệt là ngoại ngữ. Đó cũng là lý do năm 2014, anh Trung quyết định tiếp tục con đường học vấn tại ĐH Greenwich (Việt Nam).
“Anh biết ĐH Greenwich UK từ lâu vì đây là một trong những trường ĐH nổi tiếng toàn thế giới. Sau khi tìm hiểu về chương trình đào tạo, anh quyết định theo học ĐH Greenwich (Việt Nam) luôn”.
Đối với anh Nguyễn Trí Trung, thời gian khoác lên mình sắc áo xanh Greenwich đã cho anh nhiều điều quý giá một trong số đó là sự năng động, chuyên nghiệp trong công việc lẫn học tập, kỹ năng tiếng Anh học thuật và tiếng Anh chuyên sâu về IT.
“Chiến sĩ” toàn cầu hoá
Ở thời điểm đó, anh Trung vừa đi học ở ĐH Greenwich (Việt Nam) vừa đi làm mà cả công việc và việc học đều đòi hỏi anh phải đầu tư nhiều thời gian và chất xám. Nhất là 2 tháng trước khi tốt nghiệp, anh Trung cũng đồng thời phụ trách một dự án hợp tác với Cục thuế Việt Nam. Đối với anh việc chạy đi chạy lại giữa nhà – văn phòng – trường – cơ quan Thuế đã trở thành chuyện thường tình như cơm bữa.
Vất vả là thế nhưng anh Trung vẫn rất lạc quan: “Anh rất may mắn vì được các thầy cô ở trường tạo điều kiện tối đa. Chỉ có một điều buồn là sau 2 tháng năng suất “mài đường” Hà Nội, da anh bị đen đi khá nhiều (cười)”.
Cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của anh bắt nguồn từ dự án IVAS - Dự án “Cung cấp, triển khai và bảo hành, bảo trì hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT cho Bangladesh” với trị giá 33,6 triệu USD vào năm 2015. Từ vị trí Cán bộ phân tích nghiệp vụ giai đoạn đầu, anh Nguyễn Trí Trung đã đảm nhiệm vị trí Quản trị dự án IVAS tại Bangladesh.
Hơn 5 năm thực hiện dự án, trải qua nhiều lần thay đổi nhân sự, hiện tại chỉ còn anh Trung là cán bộ Việt Nam duy nhất ở lại Bangladesh xa xôi. Sự nhiệt thành trong công việc của anh đã được anh Chu Khánh Hoà - Phó Giám đốc FPT IS FPS công nhận: “Người chiến sĩ thực thụ chỉ cần một phẩm chất duy nhất, ấy là không rời bỏ trận địa. Trung đang sở hữu phẩm chất đó”.
Cho đến nay, khi đã đi làm được hơn 10 năm và liên tục được vinh danh với cách giải thưởng như Top 13 FPT Under 35 (2018), 1st Runner-up for Best Employee of the Year tại FIS (2020), và tiếp đó là Top 100 FPT 2020, anh Trung vẫn tiếp tục học hỏi không ngừng. Điển hình là việc liên tục tốt nghiệp hơn 19 khoá học online Coursera trong vòng chỉ hơn 2 tháng. Anh Trung chia sẻ: “Lý do anh muốn tiếp tục học là để bản thân không bị “cũ” đi. Nếu không cập nhật kiến thức chúng ta sẽ giống như những người đi bộ trong khi mọi người đã bắt đầu đi ô tô”.
Thanh xuân liều lĩnh một chút mới thú vị
Để có được thành quả hôm nay, anh Trung thừa nhận đó là nhờ anh không ngại khó, ngại khổ và luôn đam mê trải nghiệm mới. Khi cầm trên tay tấm vé máy bay tới Dhaka (Bangladesh) vào tháng 1/2016, anh Trung đã tự hỏi: “Liệu mình có quá liều lĩnh?”. Vì khó khăn đang chờ đón anh không chỉ là về kiến thức, kỹ năng tiếng Anh chuyên ngành thuế mà còn là những rào cản về khác biệt văn hoá.
Để hoá giải vấn đề này, anh Trung đã nghĩ ra cách tổ chức các hoạt động team building, giao lưu ẩm thực và văn hoá 2 nước. Nổi bật nhất, năm 2018, anh đã ghi dấu ấn đậm chất tinh thần STCo của FPT khi lên kịch bản và biểu diễn chương trình Táo Quân vào dịp năm mới tại Dhaka. “Anh “Béo” thực sự đã mang đến sự kết nối cho tất cả mọi người trong nhà chung. Mỗi ngày tỉnh dậy mà không nghe tiếng anh ấy véo von, bâng quơ đôi câu thì sẽ thấy buồn và vô vị lắm”, chị Trương Thị Viên – cán bộ IVAS tâm tình.
Đối diện với công việc áp lực nơi xứ người, nỗi nhớ nhà… anh Trung luôn tìm ra cách để cân bằng: “Ngoài việc học ra, anh còn có sở thích đặc biệt với du lịch và ẩm thực. Nếu không đi đây đó thì anh sẽ ở nhà vào bếp nấu những món ngon và cùng mọi người thưởng thức. Thêm vào đó. anh còn chơi game nữa”. Được biết, từ năm 2011 đến nay anh đóng vai trò là quản lý cộng đồng và đại diện tại một số thị trường như Hàn Quốc, châu Âu... của tựa game CABAL M – Tựa game nổi tiếng đến từ Philippines, hiện đang có hàng trăm nghìn người chơi trên toàn cầu.
Gửi lời tâm sự đến các bạn sinh viên ĐH Greenwich (Việt Nam) nói riêng và HSSV FPT Edu nói chung, anh Trung tâm sự: “Nếu quay ngược thời gian anh vẫn sẽ chọn học tại FPT Edu và làm việc ở FPT. Đó là 2 quyết định sáng suốt nhất của anh. Tuổi trẻ nên liều lĩnh một chút mới thú vị. Can đảm lên nhé!”.
Nhật Mai