Học lỏm bí kíp bất bại của các “thánh” thuyết trình

Thuyết trình giờ đây không còn là chuyện của riêng nghề diễn giả mà đã trở thành một kỹ năng quan trọng để thành công. Nếu bạn còn đang trăn trở không biết làm sao để trở thành một presenter xuất sắc, hãy cùng Cóc Đọc học lỏm vài “chiêu” từ các “thánh” thuyết trình nhé.

Practice makes perfect

Bất cứ công việc nào cũng đều cần trải qua một thời gian khổ luyện mới có thể thành công, thuyết trình cũng vậy. Nếu bạn còn ngại khi nói trước đông người, hãy bắt đầu luyện tập với chiếc gương của mình. Trong lúc nói, hãy quan sát bản thân xem còn chỗ nào phát âm chưa đúng, khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt có cần điều chỉnh gì không...

Bất cứ công việc nào cũng cần luyện tập để thành công, thuyết trình cũng vậy

Kiên trì mỗi ngày 15 phút và bạn có thể ghi hình lại từng buổi tập để thấy mình tiến bộ dần như thế nào. Điều này cũng giúp bạn sửa được những sai sót, vướng mắc của cả dáng đứng, phong thái, lẫn cao độ giọng nói của mình rồi từ đó có các biện pháp khắc phục, chỉnh sửa. Ngoài nội dung hấp dẫn và cách phát âm thì phong thái tự tin cũng là yếu tố khiến bài thuyết trình của bạn trở nên thu hút hơn nên hãy chú trọng luyện tập nhé.

Chuẩn bị nội dung thật kỹ

Không ai có hàng giờ ngồi nghe bạn thuyết trình nên hãy chắc chắn nội dung bạn nói đang ngắn gọn và đúng trọng tâm nhất. Và hãy chia outline bài hợp lý trong giới hạn thời gian cho phép, mỗi phần không nên có quá nhiều ý vì chắc chắn người nghe sẽ... không thể nhớ hết được đâu. 

Một sai lầm lớn nhiều bạn hay mắc phải là nghĩ nói càng nhiều càng tốt. Thừa hơn thiếu, có nhiều chi tiết dự phòng để thầy cô “chấm ý nào thì chấm”. Trên thực tế nó chỉ khiến bài thuyết trình của bạn trở nên dài dòng, không đúng trọng tâm và đặc biệt làm người nghe buồn ngủ hơn thôi.

Một mẹo khá thú vị giải quyết việc này từ “thánh” thuyết trình nổi tiếng Steve Jobs là luôn cố gắng đưa mọi thứ về số 3. Nếu bạn để ý, bài thuyết trình của ông luôn có 3 phần hoặc 3 ý. Jobs hiểu rằng, số 3 là một trong những con số quyền lực nhất trong giao tiếp. Số 3 là điều gì đó thường kích thích sự tò mò hơn 2, và dễ nhớ hơn 4. 

Ngoài nội dung thì hình thức cũng rất quan trọng. Hãy chuẩn bị slide với ít chữ nhất có thể và nhiều hình ảnh sinh động để minh họa. Hãy nhớ tác dụng chính của slide là minh họa chứ không phải nơi để bạn nhìn và đọc lại tài liệu. Có ai lại muốn “nghe” tài liệu trên các slide chứ?

Tuyệt đối không bao giờ đợi đến khi lên thuyết trình rồi mới nghĩ về những gì mình sẽ nói. Hành động ngẫu hứng này có thể khiến bài thuyết trình của bạn trở thành thảm họa đấy. 

Học cách tương tác với người nghe

Thuyết trình không chỉ là là một mình bạn nói “thao thao bất tuyệt” mà còn là sự tương tác và trao đổi với mọi người. Điều này làm tăng hiệu quả buổi thuyết trình, khiến khán giả hào hứng và bị lôi cuốn vào bài trình bày của bạn. 

Một số mẹo nhỏ để tương tác với khán giả chính là đặt câu hỏi với họ. Nhưng hãy lưu ý đừng để những câu hỏi làm loãng nội dung, hãy chọn 1 đến 2 câu hỏi thật thú vị và có đáp án bất ngờ, liên quan trực tiếp tới nội dung thuyết trình. Ngoài ra bạn cũng có thể mời khán giả lên giao lưu, chơi trò chơi hoặc yêu cầu họ làm một vài hành động nhỏ... để làm không khí sôi động hơn.

Hãy cố gắng tương tác với khán giả thật nhiều nhé

Tận dụng ngôn ngữ cơ thể

Thay vì đứng nói từ đầu đến cuối, hãy tận dụng ngôn ngữ cơ thể để bạn trở nên sinh động và tự tin hơn. Kết hợp với nhấn nhá giọng, biểu cảm cơ mặt và bạn sẽ tỏa sáng trên sân khấu đấy. 

Các ngôn ngữ cơ thể phổ biến là đưa tay minh họa, chỉ theo slide, di chuyển vài bước chân... Nó sẽ giúp làm tăng hiệu quả thuyết trình, khuấy động không khí, tạo điều kiện để bạn thể hiện tính sáng tạo trong kỹ năng thuyết trình và ghi điểm với người nghe. 

Bình tĩnh dù tình huống tệ thế nào

Khi bạn quên bài, máy chiếu bị trục trặc, bỗng dưng thiếu slide, mất điện... bạn cũng phải thật bình tĩnh nhé. Hãy điều chỉnh hơi thở, “niệm thần chú” giúp bình tĩnh, chẳng hạn như “Bình tĩnh, bình tĩnh. Mình có thể giải quyết việc này. Mình có thể làm được”.

Mọi tình huống đều có cách giải quyết. Nếu quên bài, hãy xem lại các slide trước và sau để nhớ lại hoặc bỏ qua. Nếu máy chiếu trục trặc, mất điện hoặc bạn phát hiện thiếu slide, hãy nhanh chóng bỏ qua slide và tiếp tục thuyết trình, bạn có thể tận dụng bảng để vừa nói vừa viết các ý lên, dùng càng nhiều ngôn ngữ cơ thể càng tốt... Và nhớ in một bản cứng bài thuyết trình để đề phòng các trường hợp như này nhé. 

Nếu bạn bình tĩnh và xử lý tình huống tốt, đây thậm chí còn là cơ hội để bạn tỏa sáng đó. 

Đối diện với những câu phản biện

Sau phần thuyết trình tất nhiên là phần phản biện rồi. Đây vừa là “ải cuối” cực khó nhằn vừa là phần thú vị nhất trong các giờ thuyết trình. Nếu câu hỏi dễ thì không sao rồi, nhưng nếu có ai đó hỏi một câu khó và bạn chưa biết phải trả lời thế nào thì sao? Hãy thử đặt câu hỏi ngược lại cho chính người đó. Có khi họ cũng không biết câu trả lời đâu. Còn bạn sẽ có thêm thời gian suy nghĩ và lấy lại “thế thượng phong”.

Trên đây là một số bí kíp để các bạn có được một bài thuyết trình thật ưng ý. Mong là bạn sẽ áp dụng và thành công.

Da Ua