Lựa chọn trong đời: Khi mỗi con người là một ý chí tự do

Một mùa xuân nọ của vài thế kỷ trước, người Mỹ bên phía bờ Đông – siêu cường ở cái thuở vẫn chỉ là một dải đất hẹp bên bờ Đại Tây Dương – đang ngắm đỗ quyên trổ hoa rực rỡ trên khắp dãy Appalachian, thầm mường tượng về miền viễn Tây xa xôi bí ẩn, khuất sau những rặng núi dài bất tận này. 

Với cực Bắc khởi nguồn từ Canada và cực Nam xuống đến tận các bang Alabama và Mississipi, dãy Appalachian chạy song song gần hết bờ Đông nước Mỹ và đã từng là một trong những chướng ngại lớn nhất trên cuộc viễn chinh mở mang bờ cõi về phía Tây của Hoa Kỳ.

Dãy Appalachian ở Bắc Mỹ

Trong cuộc sống thường nhật, dám hay không dám vượt “dãy Appalachian” – ví như những chướng ngại đang phong ấn vạn vật – để “dấn thân về miền viễn Tây hoang vu” – ví như những chân trời mới, những điều kỳ thú chờ được khám phá – không hẳn chỉ là câu chuyện xa xôi tận phía bên kia bán cầu, mà là những điều gần gũi, thân quen vẫn âm thầm xảy ra quanh ta mỗi ngày. Đại bàng chẳng thể làm chủ bầu trời, nếu những chú đại bàng non không dám vượt qua nỗi sợ để dang cánh bay, khi bị đại bàng cha mẹ ném ra khỏi cái tổ cheo leo trên mỏm đá. Nếu sợ băng giá lạnh lẽo, những cánh hoa xuyên tuyết mỏng manh cũng chẳng thể vươn mình đón nắng xuân ấm áp và trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và sự kiên cường.

Hoa xuyên tuyết vươn mình khỏi lớp băng giá

Con người cũng vậy. Mỗi chúng ta, có lẽ ai cũng có một khoảng trời thân quen đôi khi khiến ta nhàm chán nhưng an toàn và bình lặng đến mức ta không dám và cũng chẳng muốn mạo hiểm đánh đổi để bước ra. 

Đó có thể là những điều nhỏ nhặt như thói quen thức rất khuya, dậy rất muộn, dù biết không tốt nhưng cũng chẳng buồn sống khác đi. Đó có thể là con đường thân thuộc mà ta đã bước qua bao nhiêu mùa lá rụng, dù gần đây đang sửa sang đầy khói bụi, ta vẫn không nỡ rẽ sang lối khác. Đó có thể là giữa thành phố vô tình hối hả, mệt mỏi với một “đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công”[1], nhưng chần chừ không dám bỏ ngang tất cả. Đó cũng có thể là những định kiến, quy chuẩn trói chặt con người, ép ta vào những lề thói ngột ngạt, khổ đau, nhưng bởi quen thuộc đến ngấm sâu vào cốt tủy, nên được mấy ai dám vùng lên để thoát ra? Đó có thể là rất nhiều, rất nhiều câu chuyện nữa, câu chuyện về người đang ở lại đến mỏi mòn trong cái gọi là “vùng an toàn”.

Thế nhưng, liệu có phải lúc nào vùng an toàn cũng là một điều gì đó không tốt, và những người chọn ở lại sẽ phải ngưỡng vọng, tiếc nuối trước những người dám bước ra?

Thật ra, việc chọn ở lại trong một vùng an toàn không phải lúc nào cũng là điều không hay. Vùng an toàn giống như một mái nhà, nơi ta có gia đình, có bạn bè, có con mèo nhỏ lười biếng cuộn mình trên salon, có nhành táo trổ hoa trắng xóa như mây trời bên ô cửa sổ, có tiếng mẹ bước ngoài hiên, có mùi khói bếp thơm mỗi chiều hôm người trở về nhà. Bước ra khỏi vùng an toàn là 

rời xa những điều thân thương ấy, liệu có phải ai cũng đủ mạnh mẽ để xoay xở giữa vô vàn điều xa lạ, để vững vàng dấn thân và khám phá? Trong khi đó, vùng an toàn cho ta thứ cảm giác an toàn để nương tựa, và bởi vì được nương tựa nên nhiều khi ta mới thấy an lòng để đón nhận những điều hay, học hỏi thêm cái mới. Nếu chúng ta may mắn có một khung trời thân quen như hơi thở, một chốn bình yên để quay về nương náu giữa bão giông, thì có nhất thiết bỏ lại rồi dấn thân vào nơi mịt mù xa lạ?

Nhà văn Nga Lê

Con người thích tạo ra khuôn mẫu, trong khi cuộc sống vốn không hề có quy chuẩn nào. Mỗi con người là một cá thể duy nhất với ý chí tự do của riêng mình. 

Một người hướng nội thấy bình yên ngồi bên cửa sổ với cuốn sách và tách trà không nhất thiết phải ép bản thân lạc lõng, chơ vơ khi cố trở thành một phần của đám đông để tìm kiếm một cái tôi mới nào đó xa lạ. Một người hướng ngoại luôn tràn trề sức sống khi được hòa mình vào những nơi ồn ã, thì chẳng có lý do gì phải bắt chước một ai để lui về góc yên ắng mà bản thân không thuộc về. Thay vì chạy theo khuôn mẫu của số đông, thì bước ra hay ở lại vùng an toàn đều là lựa chọn của bạn, hãy chọn điều khiến bạn thấy nhẹ nhõm, một lựa chọn có cân nhắc và sự chuẩn bị sẵn sàng, thay vì bốc đồng muốn đột phá, thay vì quá dè dặt mà để cơ hội tuột khỏi tầm tay. Và giữa bước ra hay ở lại vùng an toàn, chúng ta vẫn còn một lựa chọn nữa: mở rộng không ngừng vùng an toàn của mình, để được nương tựa cảm giác bình yên và tiếp tục vững tâm khám phá những điều chưa biết. 

Ngày nay, Hoa Kỳ là một lãnh thổ rộng lớn gần 10 triệu km2 trải từ bờ Đại Tây Dương ở phía Đông đến bờ Thái Bình Dương ở phía Tây. Nếu những người Mỹ năm đó chần chừ không dám vượt qua dãy Appalachian hùng vĩ, sợ hãi không dám dấn thân về miền viễn Tây hoang vu, thì có lẽ nước Mỹ ngày nay chắc gì đã là một siêu cường. Nhưng biết đâu ngày đó, nếu tổ tiên của họ chọn ở lại bên bờ Đông với vỏn vẹn mười ba bang, thì có lẽ lịch sử thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã có nhiều đổi khác. 

Lựa chọn nào cũng có ưu có khuyết. Cuộc đời bạn nằm trong tay bạn, một khi đã lựa chọn, thì dù kết quả có ra sao cũng hãy cứ dũng cảm đón nhận. Thành là chiến công. Bại cũng là kinh nghiệm. Mong bạn đừng ngần ngại bước tiếp với những chiến công và kinh nghiệm gom góp trên hành trình, để tiếp tục mở rộng hơn nữa vùng an toàn của bản thân.

Thuý Nga

Đôi nét về tác giả:

Tác giả Thúy Nga hiện là dịch giả của nhiều đầu sách đã được xuất bản như “Toán học không hề ngán”, “Yêu mình trước đã yêu đời để sau”... Đồng thời, chị là tác giả tập truyện thiếu nhi có tên “Này thơ dại bước chậm lại đi” với bút danh “Nguyệt”. 

[1] “Bài này chill phết” - Đen Vâu.