Mùa hè của ông ngoại

Mùa hè đã đến thật rồi. Tháng 5 bắt đầu bằng những cơn mưa rào chợt đến rồi chợt đi, đủ làm ướt những tầng cây xanh mướt rồi lại kéo nắng đến hong khô lại. Đâu đó tiếng ve râm ran khúc giao mùa trong những trưa oi ả. Lòng tôi bất giác bồi hồi nhớ về những mùa hè bên ông ngoại…

Bố tôi là bộ đội, thường xuyên phải đi đóng quân ở những nơi xa. Ở nhà, một mình mẹ vừa phải chăm sóc tôi – khi đó còn rất nhỏ, vừa phải bận bịu quản lí công việc kinh doanh của quầy thuốc nên tôi đã được gửi tới chỗ ông bà ngoại. Nhà ông bà nằm ở thị trấn, cách nhà tôi tầm 4km. 

Bà ngoại cũng đứng quầy bán thuốc từ sáng sớm đến tận tối khuya, còn ông ngoại thì đảm nhiệm công việc nội trợ: nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, quét nhà… Vì lẽ đó nên tôi thân thiết với ông ngoại hơn. 

Ông ngoại đưa đón tôi đi học mỗi ngày trên chiếc xe đạp cũ, kể cho tôi nghe những mẩu chuyện vụn vặt về thời ông cùng đồng đội chiến đấu nơi chiến trường xa. Có những câu chuyện ông cứ kể lặp đi lặp lại, nhưng tôi nghe bao lần không chán. Những câu chuyện đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ lúc mới lên 3 cho đến năm lên 10. 

Ngày nhỏ, tôi là đứa rất hay ốm vặt. Mỗi lần tôi ốm, ông là người ở bên chăm sóc tôi suốt cả ngày, đút cho tôi từng thìa cháo, hát ru tôi bằng những câu hát xưa cũ... 

Nhớ mùa hè năm ấy, tôi ốm khá nặng, nhà thì mất điện khiến cái nắng trưa hè thêm nóng nực. Ông ngoại kiên nhẫn thức cả trưa để quạt mát cho tôi bằng chiếc quạt nan đã sờn góc. Làn gió nhẹ hiu hiu lạc cả vào giấc ngủ khó nhọc. 

Những mảng ký ức với ông ngoại trong tôi còn là chuyến đi du lịch mùa hè đến vùng biển vắng năm ấy. Tôi thì không biết bơi, ông ngoại phải đỡ dưới bụng để tôi có thể nổi trên mặt nước, thoải mái vẫy vùng như thể bản thân là một kình ngư. Ông còn dẫn tôi trèo lên những sườn núi thoai thoải, để có thể phóng tầm mắt ra xa nơi tít tắp chân trời. Trong cái nắng chiều êm dịu, tôi để mặc từng cơn gió biển mơn man trêu đùa những lọn tóc con, hít một hơi đầy không khí ngập tràn vị mặn mòi của biển cả.

Những mùa hè bên ông ngoại là những mùa hè bình yên nhất trong thơ ấu của tôi

Những mùa hè với ông ngoại cứ thế êm đềm trôi qua. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, năm lên 10, bố tôi chuyển công tác về gần nhà, điều đó cũng có nghĩa tôi sẽ trở về sống cùng bố mẹ. Tôi vẫn đến thăm ông bà ngoại mỗi cuối tuần, nhưng việc học hành cùng nhiều mối bận tâm khác đã khiến những lần gặp gỡ ngày một ít đi. Thi thoảng, bố mẹ phải nhắc về thăm ông bà không thì tôi cũng quên mất. Tôi cứ vô tư cuốn theo những cuộc vui của tuổi trẻ, cho đến mùa hè năm ấy, mùa hè năm nhất Đại học. 

Lúc này, tôi đã biết đi xe máy. Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè, mẹ dặn tôi về đưa ông ngoại đi khám bệnh định kỳ. Ông tôi mắc bệnh tiểu đường và gout. Căn bệnh quái ác khiến ông thường bị đau đớn đột ngột giữa đêm và sưng đỏ các khớp khi đợt viêm cấp bùng phát. Tôi xách xe ra đường với tâm trạng không mấy thoải mái, phần vì ngại thời tiết nắng nóng, phần vì cứ nghĩ về nhà là được nghỉ ngơi.  

Cái nắng chói chang của tiết trời tháng 5 khiến con đường từ nhà lên thị trấn trở nên xa hơn bao giờ hết. Tôi đến căn nhà gắn bó với mình suốt thuở bé thơ với tâm trạng bực bội, cáu bẳn. Đến nơi, ông bà ngoại đang ngồi trên chiếc chõng tre trước hiên, vui vẻ nói chuyện. Tôi chào ông bà rồi chẳng kịp gạt chân chống, cứ để máy nổ rồi giục ông đi luôn cho đỡ nắng. Ông ngoại từ từ bước xuống hè, trong tay là chiếc cặp táp cũ mèm đựng hồ sơ khám bệnh. Ông lò dò bước tới cạnh chiếc xe, loay hoay tìm chỗ để ngồi lên yên. 

Tôi đợi một hồi, mất kiên nhẫn bèn quay lại nhìn. 

Lâu lắm rồi tôi mới nhìn kĩ ngoại ở khoảng cách gần đến vậy. Thời gian đã điểm cho mái tóc của ông ngoại thêm màu trắng bạc phơ, những nếp nhăn in hằn trên khóe mắt, cái lưng đã còng xuống khiến ông trông thấp bé đi rất nhiều. Bệnh tật khiến ông ăn uống phải kiêng khem nhiều thứ, nhìn ông gầy gò hẳn so với ngày trước. Tôi lặng đi khi thấy sống mũi mình cay cay.  

Dựng xe xuống, tôi gạt chỗ để chân ra giúp ông ngồi lên yên. Suốt con đường từ nhà ông bà đến bệnh viện, lòng tôi ngổn ngang bao nhiêu suy nghĩ. 

Trên chuyến xe đó, lần đầu tiên, tôi cảm nhận được ông ngoại đã già đi. Đôi vai tôi tưởng là rộng nhất, bây giờ đã rũ xuống dưới cái áo khoác sờn màu. Đôi tay trước đây vẫn nhanh nhẹn làm việc, xoa trán tôi đẫm mồ hôi khi đâu ốm, đút cho tôi từng miếng ăn, nắm chặt tay tôi dắt đi khắp chốn giờ đây, chỉ toàn những vết đồi mồi, run run nắm lấy vạt áo tôi. 

Tôi vô tình quên mất rằng, mình càng lớn, thì ông ngoại càng già đi

Ông ngoại đã lớn tuổi lắm rồi, và sức mạnh tuyệt đối mà tôi luôn tưởng chừng ngoại có, nó đang tan biến. Trên chặng đường đi đến bệnh viện đó, không biết tôi đã nén khóc bao nhiêu lần. Tôi sợ ngoại biết. 

Cái nắng gắt của đỉnh trưa đang hắt từ trên đầu xuống làm tôi thấy rõ ràng hơn bao giờ hết những ngày đón đưa tan trường ngày bé. 7 năm ròng ông ngoại đón tôi đi học về, nắng mưa ông đều cản trước. Lúc đó, cái bóng lưng của tôi nó bé nhỏ như thế nào so với tấm lưng của ông. 

Còn bây giờ, ngoại đang ngồi sau lưng tôi, gầy gò và già yếu. Những mùa hè xưa kia, ngoại đã cho tôi bao kỷ niệm ấu thơ thật yên bình. Mùa hè năm nay, có lẽ tôi phải lớn lên, phải trưởng thành hơn rồi. Để ông có thể yên tâm dựa vào tôi, để tôi chăm sóc. 

Ngoại ơi, từ bây giờ, chỉ cần ngoại muốn, con sẵn sàng cùng ngoại đi bất cứ nơi đâu!

Mai Trang