NGĂN BÀN KÝ ỨC

Chúng ta, khó ai quên được cảnh Doraemon xuất hiện từ trong ngăn bàn học của Nobita và mang đến cho cậu cả một tuổi học trò rực rỡ sắc màu. Có lẽ kỉ niệm những tháng ngày đến trường sẽ không thể thú vị và đáng nhớ đến thế, nếu như không có những chiếc ngăn bàn màu nhiệm, nơi ai cũng đã từng để lại ở đó biết bao niềm vui, nỗi buồn và cả những bí mật của mình.

Ngăn bàn học - chiếc túi thần kỳ

Ngày còn đi học, vì cận thị, lại thấp bé nhẹ cân nên tôi thường được các thầy cô ưu ái cho ngồi ở bàn đầu. Ngày ấy không nghĩ là “được ngồi” đâu, thấy “bị ngồi” thì đúng hơn. Chính vì thế, tôi rất ghen tỵ với tụi được ngồi ở mấy dãy bàn cuối. Ở dưới đó, chúng nó tự xưng mình là “xóm nhà lá”, tập trung những thành phần đô con nhất lớp (vì to con quá ngồi trên che hết tầm nhìn của các bạn), lớp trưởng hoặc lớp phó kỷ luật (để bao quát lớp cho dễ). Vì ở xa trung tâm, xa thầy cô giáo, nên xóm nhà lá luôn là nơi tập trung những trò vui nổ trời và cũng cả những bí mật động trời khác của lớp.

Chiếc ngăn bàn – “địa bàn” cho những trò vui “nổ trời” năm nào của chúng tôi 

Ngăn bàn học khi đó trở thành chiếc túi thần kỳ Doraemon, giúp chúng nó bày đủ trò “nhất quỷ nhì ma”. Có đợt Vũ Anh, hot boy lớp tôi phải lòng cô nàng Thùy Vân mới chuyển về lớp nên ngày nào cũng đến sớm, đặt vào ngăn bàn nàng khi thì cái bánh mỳ trứng, khi thì hộp sữa và chiếc bánh ngọt. Thùy Vân thắc mắc lắm, nhưng vì không biết của ai nên nó không ăn mà đem cho thằng Phong ngồi cùng bàn. Vũ Anh tức lắm. Giờ ra chơi hôm ấy, cả lớp được một phen hốt hoảng khi thấy Vũ Anh và Phong đánh nhau, căng đến mức cả hai bị mời lên Phòng Hội đồng và mời luôn cả phụ huynh đến giải quyết.

Sau vụ đó, cái Vân có vẻ ngại. Vũ Anh cũng chẳng gửi gắm đồ ăn gì nữa. Mối tình chưa kịp phôi thai đã chết yểu một cách lãng xẹt. Thế rồi một buổi chiều trước khi đi học về, Vân bất ngờ nhận được trong ngăn bàn một bức thư. Của Phong.

Ngày nào tớ đứng ở hành lang cũng bắt gặp Vũ Anh lén lút nhét đồ ăn vào ngăn bàn của ấy. Nhưng tớ không nói gì cả. Vì tớ sợ ấy sẽ thích Vũ Anh. Tớ không thích điều đó. Vì tớ… cũng thích ấy. Nhiều.

Thùy Vân là bạn thân của tôi. Khi cô ấy đưa lá thư cho tôi đọc, tôi thấy trong mắt cô khẽ ánh lên một nụ cười. 

- Rồi mày thích ai? - Tôi nhướn mắt hỏi Vân, sau khi đọc xong.

- Tao cũng không biết nữa… - Vân nhẩn nha cắn một miếng ô mai.

Chuyện tình cảm học trò cứ chênh vênh như thế đấy, vừa nồng nhiệt lại vừa ngại ngần, như cơn mưa chẳng thể trút hết mình một lần cho trời trong trở lại. Chiếc ngăn bàn của Vân từ đó cũng trở nên yên bình. Không còn những đồ ăn, những lá thư tay chất đầy tâm sự. Rồi suốt những tháng ngày sau đó, chúng tôi cuốn vào với những kỳ thi cuối cấp, những đợt thi thử, thi theo khối… 

Mà đó, nói đến thi cử, kiểm tra, thì chiếc ngăn bàn còn như một căn cứ bí mật cho mấy đứa xóm nhà lá “làm trò mèo”. Học sinh mà, đi học ai chẳng có lần… quay cóp. Tôi nói thật, nếu tôi được ngồi ở dãy bàn cuối, tôi cũng sẽ làm vậy mà thôi. Mỗi lần kiểm tra mười lăm phút bất chợt hay kiểm tra những môn học thuộc, ngăn bàn là nơi chứng kiến biết bao trận bắt quả tang tại trận những cô cậu học trò đang chuẩn bị có ý định hay thậm chí là đang… quay cóp dở. Những chuyện dở khóc dở cười cũng vì thế mà ra.

Hôm ấy, lớp tôi có bài kiểm tra môn Sinh học, toàn lý thuyết thôi nhưng vì kiểm tra 15 phút bất ngờ nên khối đứa trở tay không kịp. Trong những đứa chẳng có chữ nào trong đầu có Tuấn - cậu bạn to con nhất lớp, lại ngồi ở dãy bàn cuối cùng. Ngồi đó mà không giở vở ra xem thì… phí quá. Tuấn nghĩ vậy, nên nhét ngay cuốn vở vào ngăn bàn, vừa xem vừa liếc cô giáo. Đang ngon trớn, thì cái Linh ở bên cạnh bỗng hét toáng lên vì ngăn bàn nó có một con gián to đùng chui ra, thập thò trên cặp sách của nó. 

Thế là thôi. Tiếng thét của Linh làm cả lớp giật nảy mình, Tuấn không là ngoại lệ. Lúc cô giáo chạy xuống xem cũng là lúc cuốn vở nó đang để một nửa trong ngăn bàn, một nửa trên đùi mình rơi ra. Cả lớp cười ồ vì con gián lại là kẻ làm lộ tẩy hết “bài” của Tuấn. Đương nhiên là Tuấn nhận ngay một điểm 0 tròn trĩnh cộng ghi tên vào sổ đầu bài vì tội quay cóp trong giờ kiểm tra.

Rồi còn vô vàn những tác dụng khác của chiếc ngăn bàn thần thánh nữa. Đứa thì để đồ ăn vặt, đứa thì chọn đó làm nơi giấu điện thoại để nhắn tin. Ngày ấy không có smartphone đâu, đứa nào oai lắm thì có cái điện thoại Nokia đen trắng để nghe gọi và chơi trò rắn ăn mồi. Đứa thì dùng ngăn bàn để giấu một đống truyện tranh hòng đọc lén trong giờ học. Chiếc ngăn bàn chẳng khác gì túi thần kỳ của Doraemon, nơi mở ra là có biết bao điều kì diệu và bí mật đang chờ.

Những mùa thi đi qua, những ngăn bàn ở lại

Rồi thời gian cứ trôi miết không ngừng. Những tiết học, những giờ ra chơi qua nhanh không ngờ, để Hè đến, tiếng ve râm ran khiến những hàng phượng đỏ rực khiến chúng tôi không khỏi bồi hồi. 

Những chiếc ngăn bàn vẫn lặng yên nằm đó, chỉ có lũ học trò là cứ mỗi năm lại rời xa mái trường một khóa, để lại nơi đây biết bao kỉ niệm và những ký ức ngọt ngào. Để rồi năm tháng có qua đi, mỗi lần nhắc lại về những ngày xa xưa ấy, chúng ta ai cũng mỉm cười, thấy lòng sao mà ấm áp dịu dàng đến lạ.

Nhà văn Khúc Cẩm Huyên

Nhiều năm sau khi ra trường, vì nhiều lí do nên tôi không còn liên lạc thường xuyên với Vân nữa. Nhưng lần họp lớp mới đây nhất, tôi thấy Vân, Phong và Vũ Anh đều đi đủ. Vân đã có chồng, Phong và Vũ Anh đều đã có vợ và con. Nhưng chúng nó không phải vợ chồng của nhau. Buồn cười thế đấy. Nhắc lại chuyện xưa đánh nhau, cả lũ phải phá ra cười. Vân bảo “Biết thế ngày ấy cứ ăn bừa đi, biết đâu giờ lại khác”.

Có ai đó đã nói “Người hạnh phúc là người có một sức khỏe tốt và một trí nhớ tồi”, để luôn sống khỏe mạnh và quên đi những điều làm mình mệt mỏi, đau buồn. Nhưng những ký ức về ngăn bàn học sinh, về những năm tháng vô tư bên nhau dưới mái trường thân yêu, thì có lẽ người có trí nhớ tồi đến mấy cũng vĩnh viễn không bao giờ quên được.

Chúng ta đã cùng nhau sống những tháng ngày thật rực rỡ. Có phải không?

Khúc Cẩm Huyên

Nữ nhà văn Khúc Cẩm Huyên từng là biên tập viên tạp chí 2! Đẹp và 2! Người Trẻ Việt. Công việc hiện tại của chị là Content strategist của Sendo. Chị được biết đến là nữ tác giả trẻ với những tuyên ngôn về nữ quyền thông qua các tác phẩm nổi tiếng như: Nữ thần hay thảm chùi chân, Quân hậu trên bàn cờ vua, Mở mắt ra là mùa lá rụng…

Văn phong của chị tinh tế, giản dị, rất đời nhưng cũng rất nổi loạn.