Ngăn bàn trong mắt thần dân Ao làng mùa thi

Chiếc ngăn bàn vẫn được xem là “hộp đen” bí mật của học sinh, sinh viên tụi mình. Mùa thi lại về, không chỉ có sách vở, những trò nghịch ngợm, chiếc ngăn bàn còn chứa đựng bao điều hay ho khác nữa về những cô cậu “nhất quỷ nhì mà” nữa đấy. Hãy cùng Cóc Đọc khám phá xem, mùa thi này, ngăn bàn của các thần dân Ao làng có gì nhé.  

Đồng Thị Hạnh - FPoly Cần Thơ

Mỗi mùa thi về là mình có cả “vựa trái cây” trong ngăn bàn: Ba ký quất, một ký xoài xanh, một ký nhãn rồi chôm chôm kèm thêm muối tôm Tây Ninh nữa. Chua lè à! Vậy mà không hiểu sao mình với tụi bạn lại cảm thấy rất ngon. Mình và đứa bạn thân cùng bàn tính nghịch ngợm lắm nên cứ vừa kiểm tra vừa... ăn vụng. Có lần hai đứa hí hoáy ăn đồ dưới ngăn bàn nên thầy giám thị tưởng quay cóp, đến kiểm tra. Sau cùng, tụi mình bị trừ mất hai điểm lận, cũng hơi buồn xíu nhưng may là thầy không thu lại “vựa trái cây” của tụi mình. Từ đó, mình hứa tém tém miệng lại rồi.

Nguyễn Hoàng Anh - FPTU Hà Nội

Hôm ấy học slot 3, mình vừa buồn ngủ vừa mong đến giờ ăn lắm rồi vì bụng réo từ sáng. Tiết trời nóng bức, lời giảng của cô đều đều. Mình đã không cưỡng được sức hút của mặt bàn mà “chợp mắt” một xíu, nhưng tay thì liên tục đưa vào ngăn bàn, nhón đồ ăn… cho vào miệng. Mỗi lần tỉnh tỉnh, mình cố gắng viết được ba bốn chữ rồi lại để miệng hoạt động. Cứ như vậy, quyển vở của mình phải đến chục vết gạch ngang, gạch dọc liền, như ký tự cổ vậy. Giờ cứ nhắc đến ngăn bàn là mình lại nhớ lại bản thân những giây phút “gục ngã” hồi ấy.

Nguyễn Quang Huy - Swinburne Hà Nội

Mình rất thích những lần thi đấu hùng biện – Debate căng não tại “nước Úc thu nhỏ” (Little Australia). Cứ tuần nào đến lượt đội mình tranh biện là công tác chuẩn bị diễn ra khá “căng”. Ngày nào sau giờ học chúng mình cũng nán lại ngồi trên lớp bàn chiến thuật với nhau. Trong ngăn bàn tụi mình luôn chất đầy giấy bút để nháp và rất nhiều đồ ăn để anh em “lấy sức”. Nói thế chứ, lúc lên debate cũng run lắm. May mà các đội đối thủ cũng “máu lửa” không kém nên càng tranh biện càng sung và vui. Đây chắc sẽ là kỷ niệm mình nhớ nhất thời Đại học bên những người bạn “đồng cam cộng khổ”. 

Lê Thị Cát Tiên - FSchool Đà Nẵng

Cứ đến ngày thi là lớp mình lại rủ nhau ngồi vào một bàn để học lúc giải lao, chỉ nhau làm bài các thứ. Cũng nhờ các bạn bày mình cách học mà kết quả kỳ vừa rồi cao ngoài mong đợi của mình luôn. Chưa hết, học xong tụi mình còn tận dụng chiếc ngăn bàn, bày trò chơi cho đỡ căng thẳng nữa: Nào là nhét đồ vào ngăn bàn rồi lần lượt sờ và đoán tên, bốc thăm “may mắn” hay đơn giản là giấu vài thứ vào ngăn bàn để hù nhau. 

Nguyễn Võ Ngọc Vũ – ĐH Greenwich (Việt Nam) - Đà Nẵng

Mình nhớ nhất kỷ niệm làm assignment đầu tiên trong đời. Lúc đó mình còn khá  “non và xanh” nên phải đầu tư hẳn 2 tuần để làm bài tập này đến mức ăn nằm trên máy tính luôn. Lúc đó, chiếc ngăn bàn thành người bạn, trợ thủ cực kỳ đắc lực của mình. Ngăn bàn vừa là nơi mình đựng sách vở, tài liệu, đồ ăn, thỉnh thoảng mệt mỏi, mình ngủ gục xuống bàn luôn. Nhiều khi mẹ vào phòng thấy mình mệt quá, lại để chút đồ ăn vào ngăn bàn cho mình nữa. Nên với mình ngăn bàn là điểm tựa thân thương lắm. 

Đặng Minh Nguyệt - FSchool Hà Nội

Với mình, ngăn bàn trong những kỳ thi luôn là điểm tựa vững chắc nhất vì nó chứa đựng biết bao kiến thức, lời giảng và lời gửi gắm, dặn dò thi cho tốt rồi sẽ có thưởng của các thầy cô (cười). Mặc dù vậy, ngăn bàn cũng là nơi khiến mình... thấp thỏm nhất. Mỗi khi ngó xuống ngăn bàn mà không thấy vở ghi bài tập về nhà hoặc lúc giấu đồ ăn vặt dưới đó, mình sợ thầy cô phát hiện lắm luôn. Thế mà cũng sắp đến lúc rời xa chiếc ngăn bàn cùng mình trải qua bao phi vụ, rời xa mái nhà FSchool để bước chân vào giảng đường đại học. Tuy vậy, những kỷ niệm với các bạn, các thầy cô quản sinh sẽ mãi luôn đọng lại trong mình.

Tuổi học trò hồn nhiên là thứ chúng mình khó có được lần hai. Và chiếc ngăn bàn vô tri vô giác ấy lại chính là nơi ghi dấu bao kỷ niệm thân thương.  Mong rằng các độc giả của Cóc Đọc sẽ tận hưởng quãng thời gian tươi vui này và sống trọn vẹn bên những góc bàn ghi dấu thanh xuân.

Mi Mi