Ngọn hải đăng dẫn lối tuổi trẻ

Nếu tuổi trẻ là một chuyến hải trình đầy chông chênh giữa đại dương thì những trang sách chính là ngọn hải đăng dẫn lối cho cuộc hành trình ấy. Giữa những ngày chênh vênh của tuổi hai mươi, tôi đã “gặp” được tác giả Rosie Nguyễn cùng quyển sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” – ngọn hải đăng dẫn lối cho những điều tuyệt vời sau đó đến với mình. 

Luôn nằm trong top best-seller tại thị trường Việt Nam, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của tác giả Rosie Nguyễn là những lời chia sẻ chân thành, là những trải nghiệm của chính tác giả, là tư tưởng mang đến hơi thở tích cực cho những người trẻ. Quyển sách này như một “Đắc nhân tâm dành cho những người trẻ” bởi giọng văn gần gũi, dí dỏm và thực tế - một điều mà không phải quyển sách self-help nào cũng làm được. 

Với bố cục gồm 5 phần, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” đưa người đọc đến với cuộc hành trình học, đi và làm của tác giả Rosie Nguyễn. Chị đã từng đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, làm nhiều công việc và học được nhiều điều từ chính những trải nghiệm ấy để rồi bước qua tuổi trẻ, chị rút ra cho mình chiêm nghiệm quý giá: “Chúng ta chỉ thật sự hạnh phúc khi sống với đam mê của mình”.

“Tôi đã học như thế nào?”

Phần đầu tiên của quyển sách nói về tầm quan trọng của việc tự học, lợi ích của sách và xây dựng thói quen tốt. Điểm mạnh của quyển sách là tác giả không đưa ra những lý thuyết, giáo điều như đa phần các quyển sách self-help khác mà thông qua những câu chuyện, bộc bạch chia sẻ những khó khăn và mông lung thời còn đi học, giúp người đọc dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm hơn; từ đó, tác giả đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách rèn luyện tinh thần tự học, cách tạo động lực đọc sách đến những thói quen mà người trẻ nên có. Với tinh thần “học, học nữa, học mãi”, tác giả đã đưa ra nhiều phương pháp không mới nhưng rất thú vị để khơi dậy sự ham học như: đọc sách, học tập trên mạng, đi du lịch bụi, học vì ham thích chứ không chỉ dựa vào trường học…

Điểm đặc biệt là tác giả chia sẻ chi tiết cách thức đọc sách hiệu quả như nên đọc ít nhất bao nhiêu cuốn sách một năm, nên đọc thể loại sách như thế nào, làm sao để đánh giá một cuốn sách tốt hay xấu, cách đọc sách hiệu quả: luôn viết ghi chú, nên đọc sách nguyên tác để hiểu hết tư tưởng tác giả muốn truyền đạt và tăng khả năng ngoại ngữ. 

“Học đi đôi với hành”

Ở phần thứ 2, tác giả đưa người đọc đến với thực tế, nơi kiến thực được vận dụng. Tác giả nói về cách để hiểu rõ bản thân, làm thế nào để khai thác điểm mạnh, tìm kiếm đam mê, và hãy sống hết mình cho tuổi trẻ. 

Có một sự thật mà người ở độ tuổi đôi mươi thường không nhìn thấy được, chính là sự sợ hãi thất bại là thất bại lớn nhất của tuổi trẻ. Tôi cũng thế. Tuổi hai mươi của tôi là nhiều lần bỏ qua cơ hội chỉ vì sợ làm không tốt, sợ thất bại. Và tôi thật sự ấn tượng với quan niệm “Hướng nghiệp là việc cả đời” trong cuốn sách. Nó giúp tôi không còn sợ hãi khi đứng giữa những lựa chọn nữa, sẽ không vì sợ sai mà đánh mất những cơ hội quý giá nữa. Tuổi hai mươi chính là giai đoạn thích hợp nhất để sai và sửa. Cuốn sách gửi gắm thông điệp hãy nghe theo tiếng gọi của trái tim, “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”.

 

“Đi là một cách tự học” 

Phần này chia sẻ về đặc quyền của tuổi trẻ. Tuổi trẻ cho phép khát khao chinh phục những cung đường mới bằng trái tim nhiệt huyết và một cái đầu tràn đầy lý tưởng. Mỗi lần đặt chân đến một vùng đất mới là những trải nghiệm mới. Mỗi lần gặp gỡ một người mới là những cảm xúc mới. Chúng ta sẽ thốt lên rằng hoá ra trên hành tinh này còn có nhiều điều tuyệt vời đến thế. Hiểu thêm về một quốc gia, một nền văn hoá cũng là cách để chúng ta trân trọng những giá trị quý báu của dân tộc. 

Những chuyến đi không chỉ mang lại những trải nghiệm về cuộc sống mà còn mang đến một sức khỏe dồi dào, tinh thần minh mẫn và còn cải thiện khả năng giao tiếp, sắp xếp, giúp mỗi người chủ động hơn. Tác giả không chỉ kể về những chuyến đi của mình mà còn chia sẻ những mẹo để có một chuyến đi thật đáng nhớ, về cả kiến thức lẫn kỷ niệm. 

“Lấp lánh trước khi tỏa sáng”

Ở phần thứ tư này, tác giả nói về việc nuôi dưỡng và phát triển đam mê để đạt được thành công trong cuộc sống. Có một câu nói mà tôi rất thích: “Thành công là trở thành người mình từng mong muốn trở thành”. Sau tất cả, tiền tài hay danh vọng, thì chẳng phải điều khiến chúng ta hạnh phúc nhất không phải là được sống là chính mình hay sao? Mỗi cá thể sinh ra có xuất phát điểm khác nhau, con đường khác nhau, nhưng tựu trung lại thì chúng ta đều cùng có mong muốn được trở thành một phiên bản tốt nhất của chính mình. Điều quan trọng là chúng ta hãy sống hết mình với đam mê ấy. 

“Quà tặng kèm” 

Phần cuối cùng của sách là một món quà tác giả dành cho những người trẻ vì hầu hết đều có thể áp dụng ngay và luôn. Với các chủ đề riêng biệt như “Vượt qua khủng hoảng tuổi đôi mươi”, “Tiếng Anh là chuyện nhỏ”, “Chương trình tự học thay thế bằng thạc sĩ”, “Sách cho em tuổi đôi mươi”, phần cuối mang đến cho người đọc những kiến thức hữu ích mà tác giả đã đúc kết lại trong một phần ba thời gian sống của mình. 

Tuổi trẻ của bạn đáng giá bao nhiêu?

Tôi đọc “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” trong những ngày hoang hoải nhất cuộc đời: sắp sửa tốt nghiệp mà vẫn chưa xác định được mình thật sự mong muốn gì. Quyển sách như một ngọn hải đăng dịu dàng phát tín hiệu, dẫn lối cho chuyến hành trình đầy giông bão phía trước. Những ngày hai mươi của chúng ta, ắt hẳn ai cũng đôi lần cảm thấy chênh vênh, sợ hãi, hay khủng hoảng. Qua những chia sẻ từ một người đi trước, những trăn trở như được xoa dịu và điều ấy giúp tôi bình tĩnh hơn, chầm chậm khám phá bản thân và hiểu rõ hơn về giá trị của cuộc sống. 

Ai cũng có một tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng biết cách biến những tháng năm rực rỡ nhất của đời người trở thành những giây phút ý nghĩa nhất. Nếu bạn vẫn còn đang loay hoay, chật vật với cảm giác chán nản đang chầu chực hàng ngày, thì quyển sách này rất đáng để bạn tham khảo. Tôi đã biết tuổi trẻ của mình đáng giá như thế nào, giờ đến lượt bạn nhé! 

Pk