“Người trong muôn nghề”: Không có con đường đúng và sai

Lỗ Tấn từng nói : “Kỳ thực trên mặt đất này làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi”. Câu nói cũng được dùng để mở đầu một cuốn sách tôi rất tâm đắc: “Người trong muôn nghề”. Một cuốn sách đáng đọc cho những ai còn đang lạc lối giữa con đường kiếm tìm mục đích sống của mình.

200 trang sách là tổng hợp ý tưởng, câu chuyện, kinh nghiệm của 22 tác giả, những người được xem là gặt hái nhiều thành công trong công việc của họ (có cả ca sĩ Thịnh Suy nữa đó nha). “Đất diễn” của từng tác giả chỉ tầm 8 – 10 trang giấy nên thông điệp của họ cực kỳ cô đọng. Sách chia làm ba chương: “Phù hợp hay là chết”; “Nghề chọn người, người chọn nghề”; “Hành trang vào nghề”

“Phù hợp hay là chết”

Chương đầu tiên của cuốn sách là góc nhìn về sự phù hợp trong cách chọn ngành, chọn nghề. Người ta thường hay đặt ra một câu hỏi: Sinh viên sau khi ra trường nên làm ở công ty startup hay những tập đoàn lớn, công ty nhà nước hay làm freelancer?

Theo cuốn sách, đây là câu hỏi không ai có thể giúp bạn trả lời, mà chính bạn phải là người đi tìm câu trả lời cho chính mình thông qua những trải nghiệm và năng lực của bản thân.

“Người trong muôn nghề” là cuốn sách của 22 tác giả được xem là thành công trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp

Dù làm ở môi trường nào đi chăng nữa thì bạn cũng nên có sự chuẩn bị kỹ càng về kỹ năng, kiến thức và nhất là sự thích nghi với môi trường, văn hóa doanh nghiệp.

Môi trường làm việc ở công ty startup, tập đoàn lớn, công ty nhà nước... đều có những điều thú vị riêng. Ở các startup, bạn có thể được làm việc trực tiếp được sếp tổng, không cần những quy trình rườm rà. Tuy nhiên, các công ty khởi nghiệp mới thành lập nên quy trình chưa được hoàn thiện và sẽ phải chỉnh sửa thường xuyên. Vì vậy, bạn cần phải học hỏi nhiều hơn để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh. Ở startup, bạn có cơ hội kinh qua nhiều vị trí công việc khác nhau, và đôi khi còn đảm đương nhiều việc một lúc kể cả những công việc ngoài chuyên môn.

Các công ty, tập đoàn lớn thường có quy trình làm việc rõ ràng và phân nhiệm cụ thể cho từng nhân sự. Bạn cũng được tiếp xúc với những người đồng nghiệp chuyên môn cao, kinh nghiệm dàn dày; làm việc trong các dự án lớn và tất nhiên lương thưởng đãi ngộ cũng hấp dẫn hết sức. Tuy nhiên, để được làm việc trong một “big corp”, bạn cũng cần phải chuẩn bị mọi thứ: kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng mềm... để không bị đào thải.

Còn nếu bạn thích tự do, phóng khoáng, vẫn có một nghề gọi là freelancer để bạn có thể trải nghiệm. Tuy nhiên, làm freelancer, bạn phải là người cực kỳ chủ động tìm việc, chủ động quản lý thời gian và năng lượng để có thể làm tốt công việc của mình. Nhược điểm của công việc là bạn sẽ rất dễ bị sự lầy và lười của mình kéo lệch khỏi đường đi ban đầu nhưng nếu bạn có đủ năng lực về quản lý thời gian, quản lý dự án, kỷ luật cá nhân, tài chính... thì bạn sẽ được tự do làm điều mình thích, với mức thu nhập không hề tệ.

“Người chọn nghề, nghề chọn người”

Ở chương này, bạn sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về con đường đi thực tế trong nhiều ngành nghề, có cả những ngành nghề quen thuộc như: công nghệ thông tin, kế toán, kiểm toán, giáo viên cho đến những ngành rất mới hiện nay như game thủ, youtuber, nghệ sĩ... Có lẽ, bạn sẽ có cho mình câu trả lời mình sẽ làm gì, làm như thế nào nếu theo đuổi các ngành nghề đó.

Chương sách tổng hợp trải nghiệm của các tác giả thông qua những câu chuyện có thật của họ, giúp bạn có thêm sự lựa chọn, mở rộng góc nhìn về nghề nghiệp bạn quyết định theo đuổi trong tương lai.

Việc khó khăn nhất với người trẻ hiện nay có lẽ không phải là tìm việc mà là lựa chọn được công việc phù hợp với mình. Đôi khi, công việc đó không đúng chuyên ngành của mình đã từng học trên ghế nhà trường mà lại xuất phát từ những đam mê cá nhân. Nếu hỏi bạn thích gì thì sẽ có rất nhiều câu trả lời nhưng đam mê chỉ có một mà thôi.

Cuốn sách được kiểm duyệt bởi Spiderum – Cộng đồng viết nổi tiếng và TopCV – Một startup nổi bật do cựu sinh viên ĐH FPT Hà Nội sáng lập

“Hành trang vào nghề”

Ở chương cuối, sách “Người trong muôn nghề” giúp bạn có được hành trang, kinh nghiệm bước vào thị trường lao động sắp tới. Chương sách nhắc tới những kỹ năng mà hầu hết nhân sự trẻ ngày nay cần có là tiếng Anh và trải nghiệm thực tiễn trong suốt thời gian học tập trên ghế nhà trường. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng được đề cập đến đó là “thái độ”. Theo các tác giả của cuốn sách này, thái độ làm việc chuyên nghiệp giúp các bạn trẻ có nhiều cơ hội đạt được thành công trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp.

Chương 3 cũng sẽ cho người đọc biết, bạn cần trau dồi bản thân như thế nào, nâng cao khả nâng trình độ ra sao để mình có thể đứng vững trong môi trường làm việc thời đại số.

Các lĩnh vực nghề nghiệp là thế giới đa màu sắc và cạnh tranh đầy khốc liệt, bạn cần phải có sự chuẩn bị vững vàng, tập thích nghi trong mọi tình huống để phát triển vững vàng hơn. “Người trong muôn nghề” là cuốn sách cho độc giả có thêm cảm hứng để định hình vững vàng kỹ năng, kiến thức, trải nghiệm cho bản thân trong sự nghiệp tương lai.

Trần Cẩm Hừng