Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Những con đường đi học
Sáng nay, nắng bỗng nhạt đi, gió thì se lại, lá xanh chớm úa màu. Mùa hè đã qua rồi, thu cũng vừa chớm sang. Cứ mỗi năm khi tháng Chín về, bài hát được “share” nhiều nhất, có lẽ là ca khúc bất hủ “Wake Me Up When September Ends” của Green Day. Và mỗi độ thu sang, áng văn thường ùa về trong tâm trí của nhiều người, có lẽ chính là những câu văn trong trẻo của nhà văn Thanh Tịnh:
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”
Tháng Chín tựu trường, hẳn trong ai cũng có một hay một vài con đường đi học để nhớ về. Những đứa trẻ thôn quê nhớ những con đường đất chạy dọc triền đê, uốn quanh những mái nhà ngói đỏ. Người miền núi nhớ những lối mòn quanh co men theo sườn núi, nhớ những buổi vượt suối băng rừng đến trường.
Những ai lớn lên chốn phố thị, lại nhớ những con phố chật xe giờ cao điểm, nhớ những đứa trẻ đeo ba lô, ngủ gà gật sau lưng cha mẹ. Còn tôi, mỗi mùa thu về, con đường khắc sâu nhất trong ký ức của tôi là con đường hồi còn học Đại học, nơi tôi thường thong dong bước đến trường mỗi sớm mai giữa lòng Hà Nội. Một con đường lát gạch xinh xinh sau khuôn viên của một trường đại học chạy giữa hai hàng muồng hoàng yến. Hoa muồng mọc thành chùm, rủ xuống như chiếc lồng đèn, san sát nhau thành từng cụm, mỗi lúc bừng nở như những đám mây hoa vàng giữa nền trời lá xanh. Đêm qua, ngày rạng, những cánh muồng lấm tấm rơi xuống, đậu trên nền gạch đỏ hồng những đốm vàng rực rỡ, quấn quanh bước chân học trò líu ríu tới trường. Con đường in dấu bước chân tôi suốt bốn năm giảng đường, cũng in dấu bước chân của bao thế hệ học trò theo cùng năm tháng.
Nhưng mùa tựu trường năm nay, con đường đong đầy kỷ niệm ấy của tôi chẳng thấy bước chân của người học trò nào nữa. Hàng muồm đứng im lìm hai bên đường, lá xào xạc trong gió thu, những cánh hoa cuối mùa nằm im lìm trên nền gạch. Những ô cửa sổ khép chặt, lớp học những ngày này không có bóng học trò, không thấy tiếng thầy cô. Những con đường từng nhộn nhịp mỗi mùa tựu trường, giờ vắng lặng, khi cả thế giới đang co mình trong đại dịch.
Khi dịch bệnh bùng nổ với quy mô và sức tàn phá đủ khiến nó được gọi là đại dịch “once in a lifetime” – cả đời người mới một lần gặp phải. Cả thế giới dường như đứng yên, những tương tác đời thường như chào hỏi, bắt tay, trò chuyện cũng tiềm ẩn nguy cơ truyền bệnh. Nếu thuở trước thế giới mong người với người xích lại gần nhau hơn, thì giờ người với người tốt nhất nên… cách xa nhau tối thiểu 2m.
Hai mươi mấy năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên tôi vào lớp Một, tháng Chín năm nay, tôi lại được chứng kiến một lễ khai giảng thật khác, thật đặc biệt. Lễ khai giảng mùa Covid, không còn những em nhỏ nép sau vạt áo cha mẹ, không tiếng trống trường, không còn tiếng hát quốc ca đồng thanh vang một khoảng sân trường rộng lớn, chỉ còn những em nhỏ thắt khăn quàng đỏ đứng nghiêm trang chào cờ trước… màn hình máy tính. Lớp học quây quần qua các phần mềm học online như Zoom, Google Met. Thầy nói với trò, trò thưa lại thầy cô, không còn là những lời mặt đối mặt, tai liền tai, mọi giao tiếp đều qua headphone, earbuds. Con đường đến trường năm nay, bất kể miền ngược hay miền xuôi, nông thôn hay thành thị, cũng đều chung con đường mạng Internet.
Đã gần hai năm kể từ lần đầu chủng virus bùng phát thành dịch; cho đến tận hôm nay, virus vẫn chưa biến mất và khả năng sẽ không biến mất mà liên tục biến chủng như dự đoán của nhiều nhà khoa học. Có lẽ, con người sẽ dần phải học cách sống chung với dịch bệnh đi kèm những biện pháp phòng bệnh trong bối cảnh sống mà người ta gọi là “bình thường mới”. Con người sống chung được với dịch bệnh khi cơ thể học được cách thích nghi với virus. Và con người cũng sống chung được với thời cuộc khi bản thân mỗi người học được cách thích nghi với sự chuyển mình của thời đại.
Khi đường đi học, lối đến trường của học trò không còn là những con đường làng quanh co, những lối phố nhỏ tấp nập, thì nỗi vất vả của học hành mùa Covid cũng không còn là con đường sình bùn sau mưa hay lúc tắc đường, kẹt xe mà có lẽ chính là… rớt mạng, đứt đường truyền. Đây là lúc học trò học cách thích nghi với những lớp học online, với sự bất tiện ban đầu khi thay vì được tận mắt nhìn thấy từng khuôn mặt, nghe những giọng nói rất thật bên tai, thì giờ đây, chúng ta chỉ có thể nhìn thầy cô bạn bè qua những ô màn hình rất nhỏ, đôi lúc rất mờ và những âm thanh thỉnh thoảng ngắt quãng vì tín hiệu mạng yếu. Cũng là lúc, học trò học cách làm quen với sự hạn hữu về mặt không gian, khi việc học không còn diễn ra trong khuôn viên rộng lớn của trường lớp, mà bó hẹp trong một màn hình máy tính, ngay trong phòng ngủ, phòng khách nhà bạn. Trước bất kỳ bước chuyển mình nào của thời cuộc, người sống sót chính là người biết thích nghi với hoàn cảnh. Các bạn học trò rồi cũng sẽ “sống sót” lên lớp, tốt nghiệp thành công nếu thích nghi tốt với những lớp học online và con đường đi học bằng Internet.
Đường đi học, vốn cứ nghĩ chỉ là con đường “cụ thể” như con đường “hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều” trong áng văn bất hủ; lại vì thời cuộc mà có thể trở nên trừu tượng như “con đường” truyền internet. Hóa ra, bất cứ “con đường” nào cho chúng ta những bài học hay, những trải nghiệm mới, đặt ra những thử thách buộc chúng ta phải thích nghi, vượt qua và chinh phục thì đó chính là con đường đi học. Mong rằng, mỗi người trong chúng ta trên đường đời sẽ được bước đi trên nhiều con đường như vậy, không chỉ để học chữ nghĩa, mà còn học làm người, học lẽ sống, học tất cả những gì khiến cuộc đời một ai đó may mắn được có mặt trên đời trở nên toàn vẹn và ý nghĩa hơn.
Thúy Nga
Thông tin tác giả: Tác giả Thúy Nga hiện là dịch giả của nhiều đầu sách đã được xuất bản như “Toán học không hề ngán”, “Yêu mình trước đã yêu đời để sau”... Đồng thời, chị là tác giả tập truyện thiếu nhi có tên “Này thơ dại bước chậm lại đi” với bút danh “Nguyệt”. |