Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Những cú “vượt sóng” tuổi 20
Những “con sóng” của tuổi trẻ không phải lúc nào cũng ồn ào, dồn dập. Có đôi khi điều khó khăn nhất lại là vượt qua “cái bẫy” mang tên ổn định, an toàn. Và tôi đã “vượt sóng” tuổi 20 bằng cách chiến thắng chính sự trì trệ của bản thân trong những tháng ngày an nhàn, bình yên nhất của tuổi trẻ như thế.
20 tuổi, tôi vốn không phải kiểu người quá hướng ngoại. Tôi thích cuộn tròn trong chăn và nhâm nhi những cuốn sách yêu thích, thức đến 1-2 giờ sáng “cày” phim để rồi hôm sau ngủ tới trưa... Mùa dịch ập đến, ai cũng bức bối, khó chịu vì phải giãn cách xã hội, còn tôi thì thoải mái, vui vẻ bởi đó là chuyện tôi vẫn… làm mỗi ngày.
Ấy thế mà mùa dịch kéo dài đến mức tôi, chính tôi, cũng khó tránh khỏi những lúc mơ màng tự hỏi “Làm gì cho hết ngày đây?”. Cuộc sống hiện tại như những chuỗi ngày dài lặp đi lặp lại một cách gượng ép. Chính tôi cũng bắt đầu bí bách, khó chịu. Tôi biết, đã đến lúc mình “vượt sóng”. Tôi cần làm gì đó để “cải cách” bản thân, để không bị trì trệ.
Tôi khởi động bằng việc tạo cho mình một thử thách nhỏ mỗi ngày và bắt buộc bản thân phải thực hiện. Thay vì ngủ nướng, tôi dậy sớm tập thể dục. Để “vượt lười”, có thêm động lực dậy sớm mỗi ngày, tôi quyết định tự thưởng cho mình một món ăn ngon hay một món đồ học tập, một cuốn sách nào đó tôi yêu thích nếu bản thân hoàn thành thử thách. Dần dần, tôi tạo được thói quen tập thể dục và yêu bản thân hơn.
Tiếp đó, tôi cần thay đổi cái tính “nước đến… đầu mới bơi” của mình. Bài tập thầy cô giao lúc nào tôi cũng đợi “sát nút” mới làm; muốn học bơi, học tiếng Trung nhưng rồi đều tặc lưỡi cho qua, trì hoãn hết ngày này đến ngày khác; tôi cũng chẳng dám tham gia CLB nào vì sợ sệt những “chiếc” deadline…
Tôi bắt tay vào “cải thiện” bản thân. Tôi lên thời gian biểu một ngày của mình, sắp xếp mọi thứ khoa học nhất để có thể trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Sáng dậy tập thể dục, nấu bữa sáng healthy, ăn sáng và ngồi vào bàn học. Tôi đăng ký một khóa học tiếng Trung online và cố gắng duy trì việc học bài mỗi ngày. Tôi cũng gia nhập một CLB về kinh doanh ở trường để có thể giao lưu với bạn bè.
Cũng nhờ những người bạn trong CLB mà tôi biết đến một số cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên về kinh doanh, khởi nghiệp. Thế là tôi đăng ký tham dự. Tôi cố gắng làm mọi thứ để trở nên bận rộn hơn và trên hết là cảm thấy bản thân tiến bộ mỗi ngày.
Tôi cũng dành thời gian giúp đỡ mẹ việc nhà, nấu ăn, chơi với em… Tận hưởng cuộc sống đầm ấm bên gia đình thay cho những giờ cắm mặt vào phim ảnh và truyện tranh.
Có những lúc tôi muốn bỏ cuộc, muốn thoái lui, muốn lại một lần nữa đắm chìm vào cám dỗ của chiếc giường êm ả, của những bộ phim yêu thích… Nhưng may mắn tôi đã không rơi vào chiếc bẫy lười biếng và hèn nhát một lần nào nữa. Tôi đi tìm cảm hứng thông qua những video TED Talk, những cuốn sách tạo động lực. Tôi tưởng tượng ra việc cảnh tương lai của bản thân khi phải “trả giá” cho sự lười biếng của hiện tại và thế là tôi lập tức muốn lao vào làm việc, học tập, mở rộng các mối quan hệ.
1 ngày, 2 ngày, 1 tuần… cứ mỗi mốc thời gian trôi qua tôi lại cảm thấy việc duy trì những thói quen mới trở nên dễ dàng hơn. Tôi nhớ đến câu nói “If you want to change the world, start off by making your bed” (Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng việc dọn giường của bạn). Đúng thế, nếu muốn làm điều gì to tát, lớn lao, tôi phải bắt đầu thay đổi mình từ những việc nhỏ bé nhất. Câu nói đã cho tôi rất nhiều cảm hứng.
Giờ đây, mỗi buổi sáng thức dậy, tôi nhận thêm nhiều thử thách mới: công việc mới, những môn học mới, chiếc deadline mới “nóng hổi”… Tôi bận rộn hơn nhưng cũng yêu đời hơn. Việc đối diện với khó khăn không hề đáng sợ mà đó chính là cơ hội để tôi khám phá giới hạn của bản thân. “Vượt sóng” nhiều khi cũng thú vị lắm chứ.
An An