Những cuộc gọi của tía

Trước giờ, tía luôn có mặt trong hầu hết những ngày trọng đại của tui: thi cấp ba, thi học sinh giỏi, thi đại học, lần đầu lên thành phố trọ hoc… Nhưng tía ngày một già, không thể theo sát tui mãi được. Và thế là, thay vì có mặt trực tiếp, tía bắt đầu gọi điện cho tôi.  

Quê tôi là một làng quê nghèo ở Long An. Cái nắng gió xứ này sinh ra đặc sản là dưa hấu và bánh tráng. Tía tui vẫn hay chọc rằng, cái nắng gió ấy còn sinh ra thêm tui – nhỏ con gái càng lớn càng đen đúa như than củi. 

Má tui mất sớm, tía một mình gà trống nuôi con, vất vả làm lụng để hai chị em tui được ăn học đàng hoàng như người ta. Tía chẳng bao giờ nói thương yêu chi hết nhưng trong lòng hai đứa tui luôn hiểu, chẳng ai thương tụi tui bằng tía. Ngày còn nhỏ, tía luôn là người đưa đón tụi tui đi học, chăm nom từng miếng ăn, giấc ngủ. Những đêm hè nóng nực, nhà cúp điện, tía nằm quạt cho hai đứa cả đêm. Kể cả lúc hai đứa đã ngủ say, tía vẫn không ngừng quạt. Có lần tui chợt tỉnh giấc giữa đêm, thấy tía vẫn nằm cạnh, tay phe phẩy cái quạt, thi thoảng đưa lên lau mặt lau mồ hôi như thể lau nước mặt. 

Trong suốt hành trình trưởng thành của tui, chẳng lúc nào thiếu hình bóng tía. Từ lúc tui bắt đầu vô lớp một, lên cấp hai, cấp ba, đi thi học sinh giỏi, rồi thi đại học… Lúc nào tía cũng ở bên, đèo tui trên con xe cúp đã cũ, phải đạp máy ba bốn tiếng mới nổ. 

Tía tôi một nắng hai sương, nuôi chúng tôi khôn lớn

Nhà nghèo nhưng những dịp quan trọng như thế, tía cũng ráng chuẩn bị váy áo cho tui sạch đẹp như con nhà người ta. Có năm dưa hấu mất mùa, cả công ruộng được có trăm ngàn, tía vẫn dành ra để mua đồ dùng, sách vở cho tôi vào năm học mới. 

Biết tía cực vầy nên tui cũng chẳng bao giờ dám đòi hỏi, chỉ gắng học cho giỏi. Ngày tôi được học bổng của một trường đại học trên Sài Gòn, tía mừng đến chảy nước mắt. Tôi không nhớ chính xác đó là ngày mấy, chỉ nhớ trời rất nóng, nóng đến nỗi mồ hôi tía tôi chảy đầm đìa, hoà chung với nước mắt, chẳng nhìn rõ nổi. 

Và rồi, tôi trở thành cô sinh viên đại học, “khăn gói quả mướp” lên thành phố trọ học. Tôi bắt đầu lo sợ. Trước giờ, tôi có biết thành phố nó trông như nào đâu. Giờ phải đi tìm nhà trọ, tìm trường, tôi cũng hơi rén. Thế là sáng hôm nhập học, tía dậy từ 3 giờ chỉ để nổ con xe cúp cũ rích, đặng 6, 7 giờ thì nó nổ được. Tía đèo tôi qua những con đường làng lấp lánh nắng. Cái nắng xứ đất cát, nóng hắt lên, làm người ta thấy rát cả mặt, sao hôm nay lại khiến tôi vui đến lạ. 

Thu xếp cho tôi xong, tía lại quay về quê để lo cho thằng em trai tôi. Tôi bỗng thấy tía rút trong túi ra cái điện thoại smartphone, đưa cho tôi. 

- Cầm lấy, khi nào tía gọi thì nghe. 

Tôi tròn mắt: 

- Tía lấy đâu tiền mà mua vậy?

- Năm nay bán công dưa cũng lãi được chút, tía mua cho con với tía mỗi người một cái.

Nói đoạn tía giơ con Nokia đời cũ ra lắc lắc trước mặt tui. Lòng tôi chợt nhói lên. Không biết lãi lời bao nhiêu tía dám chi sang vậy. Thế là những cuộc gọi của tía cứ thế bắt đầu. Ngày ba bận tía gọi hỏi thăm, xem tôi ăn cơm chưa, có thiếu thốn gì không, để cuối tháng tía gửi xe khách lên cho. Những ngày đầu mới đến thành phố, lạ lẫm và sợ hãi. Những cuộc gọi của tía là niềm an ủi duy nhất tôi có, để tôi bấu víu như tìm được chút hơi ấm thân quen. 

Tôi đã bị phố thị lung linh, rực rỡ ấy cuốn đi lúc nào không biết

Chắc tía cũng hiểu điều đó, nên dành dụm được ít tiền là tía mang đi mua thẻ suốt, đến mức thằng em trai tôi còn phải càu nhàu: “Sao tía gọi chị hai hoài vậy”.

Nhưng rồi phố thị xa hoa cuốn tôi đi theo. Thành phố đẹp quá, lấp lánh ánh đèn suốt ngày đêm, chẳng như làng quê nơi tôi sinh ra. Thành phố nhiều chốn vui chơi quá, chẳng như xóm làng giản dị, bình yên tôi đã sống. Thành phố cũng nhiều bạn bè mới, những con người hiện đại, năng động, thú vị, chẳng như dân quê nghèo chất phác, giản đơn. Tôi bỏ những hơi ấm thân quen, chạy theo thành thị như lẽ tất nhiên ở những đứa con gái mới lớn, thích điều mới mẻ. Sáng tôi đi học, chiều họp CLB, nếu không thì cũng tham gia sự kiện đến tối muộn. Những ngày rảnh, tôi lại theo bạn bè đi chơi đó đây khắp thành phố.

Và vì thế, những cuộc gọi của tôi với tía dần thưa thớt. Nhiều khi, thấy tía gọi, tôi chẳng buồn nhấc máy. Cho đến ngày, cuộc gọi giữa đêm làm tôi chợt tỉnh giấc sau những ngày rong ruổi vui chơi cùng chúng bạn. 

“Tía bị tai nạn xe, đang nằm viện tỉnh rồi, chị hai mau về đi”, giọng thằng em tôi hớt hải. 

Tôi choàng tỉnh dậy. Không biết nói gì, vội vàng thu dọn ít đồ, bắt xe về Long An ngay. Vừa tới bệnh viện, tôi thấy thằng em ngồi thất thần trước phòng bệnh. Hoá ra hồi chiều tối, tía đi làm thuê về bị người ta tông phải, ngất lịm đi. Xe máy kia bỏ trốn. May có người dân quanh đó đưa tía tôi vô bệnh viện. 

Vì để trang trải cho chúng tôi mà tía đi làm thêm đủ nghề

Tôi ngồi đó, cũng thất thần sau câu chuyện thằng em thuật lại. Thì ra từ ngày tôi đi học xa, tía phải vất vả hơn trước nhiều, mấy công dưa chẳng đủ cho tôi trang trải sinh hoạt phí trên thành phố. Tía phải đi làm thuê làm mướn thêm. Chân tay của tía mấy năm gần đây đã hay đau nhức rồi. Sống mũi tôi bắt đầu cay cay. Tôi thương tía quá, cũng tự trách mình vô tâm. 

Ơn trời, lát sau bác sĩ đi ra, thông báo tía chị bị thương phần mềm, không quá nghiêm trọng. Tôi thở phào. Hai chị em chạy lại thăm tía. Tía tôi gầy rộc đi. Nhìn gương mặt hốc hác của tía mà tôi không kìm được nữa, tôi khóc và khóc thật nhiều. 

Cả nhà ba người chúng tôi cứ thế mà ôm nhau khóc. 

***

Tôi trở lại phố thị. Nhưng lần này, tôi không còn là cô bé con lầm đường lạc lối nữa. Tôi vẫn sẵn sàng cho những trải nghiệm mới, những vấp ngã, những thành công. Nhưng hơn hết, tôi đã biết trân trọng gia đình, biết thương tía nhiều hơn mà chịu khó học hành, biết gọi về cho tía thường xuyên, không còn để tía phải ngóng trông mỗi ngày. Tôi cũng thầm nhủ, phải ra trường và kiếm công việc thật tốt để đỡ đần tía, để cuộc sống của chúng tôi tốt đẹp hơn. Nhất định là như thế!

Bảo Nghi