Những giấc mơ hậu thành niên

Mùa hè năm ấy, chúng tôi thuê một căn phòng nhỏ trên tầng cao ở Vịnh Đồng La. Từ cửa sổ, nhìn ra chen chúc những mái nhà cao tầng đã xỉn màu, phía xa là núi. Căn phòng rất nhỏ, chỉ vừa đúng một chiếc giường và một phòng tắm, chẳng có cả chỗ ngồi. Chúng tôi cứ nằm ườn trên cái giường ấy cả buổi sáng, và nhìn mưa ngoài cửa sổ. Thỉnh thoảng tôi mở cửa sổ thò đầu ra hút thuốc. Trời mưa lạnh. Có một cơn bão đang đi qua, đường phố rất vắng người.

Phía ngoài khách sạn là một con dốc thoải dài. Trời ngớt mưa, chúng tôi đi bộ dọc con dốc ấy, đến một quán mì nằm trong con đường nhỏ khuất sau những tòa nhà rất cao tầng của Vịnh Đồng La. Con dốc cũng vắng người.

Chúng tôi mua một cái ô màu vàng, rồi lên tàu đi ra phía biển. Chuyến tàu rất dài, và đến ga cuối phải bắt thêm một lần taxi nữa. Không khí vẫn ẩm ướt sau những cơn mưa. Sát mép biển có một làng chài, nhỏ bé và sạch sẽ. Những căn nhà hai tầng cứ lèn sát vào nhau bên sườn đồi, chỉ chừa ra những ngõ nhỏ ít ánh sáng, và bạn có thể đi dạo trong đó hàng tiếng đồng hồ, dù khung cảnh của những ngõ nhỏ cứ giống nhau. Chúng ấm cúng, và không có nhiều khách du lịch. Không khí ngày bão tan có một vẻ yên tĩnh lạ kỳ.

Chúng tôi dắt tay nhau đến bến cảng, ngồi xuống một quán ăn, và gọi hai con tôm, hai con sò điệp, một con cá, nhẩn nha ăn. Cái bến cảng trông rất quen thuộc. Đây là Tân Giới. Những thanh niên trong thế hệ của tôi, lớn lên với những cuốn phim TVB thuê ngoài hàng một nghìn rưỡi mỗi ngày, ghi nhớ đầy khung cảnh của Tân Giới. Mọi thứ những ngày Hè ấy đều đẹp đẽ như một cuốn phim của Christopher Doyle.

Cuối cùng, chúng tôi thanh toán những hóa đơn. Khách sạn, taxi, mì, tôm và vé máy bay. Đoạn này, thì không cần tả kỹ. Thành phố đẹp đẽ xa xôi ấy là một trong những địa điểm đắt đỏ nhất thế giới, chuyện này ai cũng biết.

Khi người biên tập của tờ báo này gọi điện cho tôi và đặt bài về chủ đề “Mùa Hạ, mang gì đi xa?”, tôi đã nghĩ rất nhiều về bản thân mình, và nhận ra rằng mùa Hạ - mùa tôi rời khỏi mái trường phổ thông hay sau này là cả đại học - không thực sự mang gì đi mất khỏi đời tôi. Và tôi đã mở đầu bài viết bằng một khung cảnh thật bình yên, loại khung cảnh người ta tìm thấy trong phim Vương Gia Vệ hay là truyện ngắn của Le Clezio, loại giấc mơ lãng đãng của tuổi thanh niên. Thực tại cũng có thể yên tĩnh như thế. Mùa Hè ấy, tôi nằm trên một căn gác nhỏ ở Hong Kong, hút thuốc và ngắm thành phố trong mưa rơi. Chỉ có một vấn đề: khung cảnh này có chi phí. Nó khác với những khung cảnh đẹp thời niên thiếu, hoàn toàn miễn phí.

Những thước phim đẹp của cuộc đời chúng ta chia làm hai giai đoạn: có chi phí và không có chi phí.

Loài người, cho đến giờ các học giả vẫn đang tranh luận về động cơ, nhưng là loài nuôi con nhỏ lâu nhất trong các sinh vật có vú. Xã hội chúng ta quy ước rằng ta sẽ nuôi lũ trẻ đến năm 18 tuổi. Nếu có ai không làm được điều đó thì chỉ là hãn hữu và xã hội sẽ cố gắng sửa sai cho anh ta (bằng hàng loạt chính sách).

Và cho đến khi bạn vượt qua tuổi “thành niên” này, bạn mặc định sống một cuộc đời an nhiên. Có rất nhiều thứ miễn phí. Tôi cũng đã nắm tay một người thương nào đó, trong một ngày cuối tuần hửng nắng nào đó, đi dạo ở một thành phố bình yên, trong thời niên thiếu. Không phải thanh toán hóa đơn, vì khi ấy chúng tôi đi bằng xe đạp, tôi đón nàng ở đầu ngõ và thành phố ấy, là thành phố của tôi.

Nhưng những mùa Hè đi qua mang lại luật chơi mới cho cuộc đời. Bạn ra trường, đi làm, tự nuôi sống bản thân. Thế giới của bạn được mở rộng, bạn có quyền đưa ra mọi lựa chọn cho bản thân. Nhưng khi đó, bạn chịu đựng những quy luật rất ngặt nghèo. Và những bài toán chi phí mới. “Chi phí” không chỉ là tiền. Hãy nghĩ đến thành phố của bạn: đến một lúc khi bạn ra trường đi làm đủ lâu, nó trở thành một tập hợp các khái niệm đau khổ về tiếng ồn, giao thông, những chuỗi địa điểm công việc, những quán ăn trở thành nơi bàn thảo hợp đồng, và bạn rất khó tìm được sự thư thái trong thành phố của mình. Đó là chi phí. Bạn đã trả phí rồi, nên việc cố gắng đạp xe cùng người thương giữa lòng Hà Nội hay Sài Gòn không mang lại sự thư thái nữa. Tôi đến tận Tân Giới, để tìm kiếm những giấc mơ tuổi thơ. Và việc này, lại tốn một khoản chi phí khác.

Mùa Hè không mang gì đi xa. Người ta khi già đi vẫn có thể sống trong mọi khung cảnh mà mình muốn. Chỉ là, khác với trước, việc di chuyển giữa các khung cảnh tuân theo những giao dịch thú vị và nghiêm khắc.

Nhiều người không suy nghĩ được đơn giản như thế. Họ bi đát rằng tuổi niên thiếu đi qua là có điều gì đã vĩnh viễn biến mất. Tôi không tin rằng người ta không có quyền trong sáng, có quyền bình yên, có quyền ngu ngơ trong những khung cảnh yên tĩnh khi đã bước sang tuổi 30, tuổi 40. Nếu tuyệt đối hóa như thế, bạn sẽ rất dễ nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích. Bạn được rỉ tai: mục tiêu của người 30 tuổi là kiếm tiền, là xây dựng sự nghiệp, các thứ các thứ và điều duy nhất người ta có thể làm khi ấy là vật lộn trong đống bầy hầy của các quan hệ kinh tế. Và nếu nghĩ thế, ta sẽ rất dễ không còn biết mình là ai. Tiền chỉ là một loại thủ tục kỹ thuật để ta đi từ khung cảnh này sang khung cảnh kia.

Một mùa Hè nào khác, tôi đã nộp đơn xin thôi việc, vét những đồng xu cuối cùng trong túi và bay sang Bangkok chỉ để chui vào giữa một đoàn người áo vàng đang biểu tình. Bangkok hôm ấy nắng dịu, tôi không có tiền nhưng cảm thấy thư thái. Lúc ấy, giữa sự náo nhiệt của một đám người đang cố chiếm lấy một cái đài truyền hình, tôi phát hiện ra mình giống một cậu bé 16 tuổi ngây ngô đang cố học hỏi về thế giới. Năm ấy, tôi quyết định rằng mình sẽ trở thành một người viết báo.

Đôi lúc giấc mơ lại trở thành một loại chi phí, người ta trả giá để được mơ, rồi lại dùng giấc mơ để kiếm tiền, và rồi dùng tiền để sống tiếp các giấc mơ. Nói chung, nếu ai bảo bạn rằng những giấc mơ thời thanh niên một đi không trở lại, đừng tin họ.

Hoàng Hối Hận