Những lòng tốt giản dị

Từ ngày gia nhập Ao làng, tôi luôn may mắn nhận được những lòng tốt giản dị mà ấm áp từ những người xung quanh. Đó có thể là bác bảo vệ ở ký túc xá, các chị tạp vụ - những người vốn chẳng quen thân gì với tôi. Nhờ họ, tôi đã học được cách nói lời cảm ơn chân thành và rung động trước những sự tử tế tưởng như đã quá xa xỉ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. 

Câu chuyện “lạc ở đồi thông”

Hồi mới vào trường tôi đã giảm được kha khá cân nhờ chăm chỉ “đi lạc” quanh trường

Không bỏ phí biệt danh “gà công nghiệp mù đường” bố mẹ đặt cho, tối ngày đầu nhập học Ao làng tôi đã… lạc đường ngay lập tức. Khi bước ra từ căng-tin, tôi bỗng nhiên không nhớ Dom mình ở đâu, chỉ biết chỗ mình đang đứng có là một cái đồi trồng thông, cạnh đó có một cái hồ, nhiều cái cột điện và những tòa nhà giống nhau. 

Loay hoay một lúc ở đồi thông cộng thêm cái mũi sụt sịt vì ban ngày phơi nắng, tôi bỗng thấy hơi tủi thân, rồi nhớ bố mẹ. Đang rưng rưng, bỗng nhiên, tôi thấy một “cái bóng” đen xì, có “con mắt” mắt sáng quắc tiến gần lại phía mình. Dù không biết bơi, tôi đã tính đến phương án nhảy xuống hồ nếu lỡ “cái bóng” đó là… ma – thứ tôi sợ nhất trên đời. “Cái bóng” ngày càng tiến gần hơn còn tôi chỉ biết nhắm tịt mắt, “chết đứng” tại chỗ. 

Giây phút cuối cùng, đột nhiên “cái bóng” phát ra tiếng: “Không về đi ngủ đi mà đứng đây làm gì thế cháu? Cháu ở Dom nào?”. Tôi “nhảy số” kịp và nhận ra đây là tiếng của bác bảo vệ mà ban sáng mà tôi gặp ở cổng Dom. Mừng phát khóc, tôi rối rít nhờ bác dắt về “nhà”. Bác vừa cười vừa bảo tôi: “Cứ đi đường chính là không sợ lạc”. 

“Tủ quần áo” biết đi

Đối với một đứa con gái như tôi mà nói, bao nhiều đồ đạc, quần áo cũng không bao giờ là đủ. Vậy nên, khi mới dọn vào KTX ở, tôi chỉ ước mình lắp được bánh xe vào tủ quần áo ở nhà để mang lên trường cho tiện. 

Nhưng không thể làm thế nên tôi quyết định lên mạng đặt ngay một chiếc vali size 28, được quảng cáo có thể chứa được 35kg hành lý. Hào hứng cả đêm không ngủ chỉ để xếp kín vali, một bộ rồi hai bộ, quay đi quay lại tủ quần áo của tôi đã… trống trơn. Mẹ tôi đi qua còn trêu: “Trông cái vali có khác gì cái tủ quần áo biết đi không? Con định chuyển nhà lên ký túc xá luôn hay sao?”. 

Bức ảnh minh họa chính xác nhất hành lý của tôi mỗi khi dọn đồ lên trường

Tuy vậy, sự hào hứng của tôi chỉ kéo dài cho đến khi tôi kéo xềnh xệch chiếc “tủ quần áo” từ cổng trường vào cổng Dom và chợt nhận ra phòng mình ở tít trên tầng bốn. Loay hoay một hồi mà không gặp ai quen để nhờ bê vali cùng lên phòng, mắt tôi chợt lóe sáng khi bắt gặp bóng dáng bác bảo vệ. Dường như cảm nhận được ánh mắt tha thiết nhờ vả của tôi, bác chủ động tiến lại gần và hỏi tôi có cần bác giúp không. Bác còn hài hước kể: “Từ sáng đến giờ, bác vận chuyển hộ mấy cái “tủ quần áo” di động rồi đấy.” Tôi chỉ biết cười toe rồi rối rít cảm ơn bác.

Nếu trước đây tôi còn có chút sợ sệt trước nét mặt lạnh lùng, cứng rắn của các bác bảo vệ mỗi khi về ký túc xá, thì sau lần đó tôi bắt đầu hiểu đó chỉ là do yêu cầu công việc, thực ra các bác bảo vệ ở Ao làng dễ thương lắm.

Chiếc tai nghe ở căng tin

Có lần đi thi nghe tiếng Anh cuối kì, tôi đi rất sớm, tự tin ngồi vào phòng thi rồi mới phát hiện ra… mình quên mang tai nghe. “5 phút nữa là vào thi rồi nếu bây giờ chạy về Dom sợ không kịp mất, mình lại còn chạy chậm nữa chứ”. 

Tôi gọi cho đứa bạn cùng phòng để cầu cứu thì chắc hẳn nó đang ngủ nướng sau trận “cày game” nảy lửa đêm qua nên không nghe máy. Tôi chỉ còn cách xin phép thầy giám thị cho chạy về Dom lấy tai nghe và cố gắng “phi” chiếc thân ục ịch nhanh nhất có thể.

Chạy qua căng-tin, tôi chợt nghĩ ra có thể ghé qua siêu thị và hỏi mượn các chị thu ngân ở đó xem sao. Kết quả là hỏi mãi nhưng cũng không ai mang theo tai nghe. Đang định co giò chạy tiếp thì bỗng cô tạp vụ đang quét dọn gần đó kéo tôi lại rồi nói: “Cháu cần tai nghe hả? Tuần trước, trong lúc dọn dẹp, cô có nhặt được một cái tai nghe. Các cháu sinh viên chắc mất tai nghe là tiếc lắm nên cô cất cẩn thận mà đợi mãi chẳng có đứa nào quay lại lấy. Đợi chút, cô tìm cho, cháu cầm dùng cho khỏi phí nhé”. 

Để gọn chổi xẻng sang một bên, tôi thấy cô mở tủ đồ rồi tìm kiếm chiếc tai nghe mà cô nhắc. Lát sau, cô quay ra, cầm chiếc tai nghe được gói ghém cẩn thận trên tay: “Nhìn hơi xước tí thôi nhưng mà yên tâm cô lau hết mấy chỗ bẩn đi rồi. Cháu dùng tạm nhé!”.

Tôi vỡ oà mừng rỡ chỉ kịp cảm ơn cô mấy câu rồi chạy lại phòng thi cho kịp giờ. Tôi nghĩ: “Mình thật quá may mắn”. Thi xong, tôi vội quay lại tìm cô tạp vụ ban nãy vì muốn cảm ơn cô lần nữa rồi tiện thể trả cô tai nghe mình mượn. Thế nhưng, tôi không thấy cô đâu nữa. “Chẹp, lúc nãy đi vội quá mà quên chưa hỏi tên cũng không kịp nhớ mặt cô nữa”, tôi nghĩ. Đến bây giờ, tôi vẫn giữ chiếc tai nghe đó cẩn thận trong góc tủ như một kỷ niệm đẹp của tôi về những con người bình dị, tưởng xa lạ mà rất đỗi thân thương ở FPTU.

Khu vực hành lang thơm ngát, nên thơ nhờ các cô bác lao công (Nguồn: Hola Film Community)

Trong 4 năm ngắn ngủi ở FPTU, tôi đã và sẽ có nhiều trải nghiệm khó quên cùng thầy cô, bạn bè nhưng chắc chắn tôi không bao giờ quên hình ảnh bác bảo vệ chúc tôi đi học vui mỗi lần tôi đi qua cửa Dom hay cô tạp vụ tất bật dọn dẹp, giúp hành lang được sạch sẽ, thơm ngát mỗi khi chúng tôi đi học về. Lòng tốt có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, từ bất cứ ai. Và lòng tốt của những con người giản dị ấy, thật đáng trân trọng biết bao.  

MaiMai