Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Những lựa chọn kỳ quặc
An tắt máy tính đi, đồng hồ điểm 2h sáng. Nó day day đôi mắt đã nhức mỏi vì nhìn màn hình máy tính quá nhiều, lại một đêm thức khuya “cày” deadline. 21 tuổi, An chọn cách vừa học vừa làm, độc lập về mọi thứ.
Một cuộc sống khác
Sinh ra trong gia đình khá giả, có thể nói 18 năm đầu cuộc đời, An là một nàng tiểu thư chính hiệu. Nó có thể được chu cấp mọi thứ, dành thời gian để chăm sóc, làm đẹp cho bản thân, đi chơi với bạn bè nhưng nó đã không làm thế. Đôi khi, An cũng tự cảm thấy khó hiểu với bản thân. Vừa vào trường, nó đã lên kế hoạch đi học, đi làm, tự kiếm tiền để sống độc lập, không dựa vào gia đình.
Có những lúc, cả một tháng trời, An phải làm thêm đến 9, 10 giờ tối. Về muộn với cái bụng đói meo nhưng nó chẳng còn muốn ăn gì, chỉ vùi đầu vào trong gối khóc một trận thật to. Những ngày đầu tiên tự vào bếp nấu ăn, nó làm cháy luôn một cái nồi. Có lúc trong túi chỉ còn mấy trăm nghìn cũng bị người ta lừa mất khiến nó phải ăn mì tôm suốt những ngày cuối tháng.
Cuộc sống mới như muốn bóp nghẹt nó. An phải tập làm tất cả mọi thứ một mình mà thứ gì cũng mới mẻ. Mỗi lần cảm thấy tủi thân, An chỉ biết khóc lóc và tự trách mình. Những tháng ngày đó cứ thế qua đi, mỗi lần muốn từ bỏ nó lại nhớ đến lời nó hứa với bố mẹ: “Con muốn sống một cuộc sống tự do” rồi lại ngậm ngùi tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ.
Thành tựu nho nhỏ đầu tiên
Rồi ngày đó cũng đến, nó nhận được tháng lương đầu tiên, đó là số tiền lớn nhất từ trước đến nay mà An tự kiếm được. Cảm xúc như vỡ òa, những giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế tuôn rơi, những buồn tủi suốt thời gian qua cũng trôi mất. Ngay ngày hôm sau, An lấy nửa số tiền lương để đi mua quà cho gia đình.
An trở về nhà mà không báo trước. Đó là một ngày cuối đông nhưng nó chẳng thấy lạnh chút nào. Những chuyến đi xa cả trăm cây số như thế đã quen dần với nó. Trời lạnh, An biết tự mặc ấm, cũng không quên kiểm tra hành lý thật kỹ trước khi đi. Mở cánh cửa kính quen thuộc ra, mẹ nó đang lúi húi chuẩn bị nấu cơm trong bếp, em gái thì ngồi trông em giúp mẹ.
Nó chạy vào ôm chầm lấy hai đứa nhóc, tíu tít hỏi han, tay lôi ra mấy bộ quần áo và một bọc đồ ăn vặt. Mẹ ở trong bếp cũng cởi vội tạp dề và chạy ra. An chỉ đợi có thế, nó ôm chầm lấy mẹ. Ánh mắt mẹ nó cũng long lanh. “Mẹ ơi, con làm được rồi, cám ơn mẹ đã tin con”. Rồi nó lấy một hộp quà ra: “Đây là món quà đầu tiên con mua dành tặng mẹ”.
An ở lại nhà hai ngày cuối tuần, cả ngôi nhà nhỏ lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười. An nhận ra nó đã thay đổi rất nhiều, lần đầu tiên nó vào bếp phụ mẹ nấu ăn, rồi xắn tay dọn dẹp nhà cửa. Cả mấy tháng trời bận túi bụi vừa học vừa làm khiến nó chẳng có thời gian về nhà. Giờ đây, nó trân trọng từng giây phút được ở bên người thân.
Trải nghiệm mới
Trở lại Hà Nội, An như có thêm một nguồn động lực mới. Nó biết những cố gắng của bản thân đang dần được mọi người công nhận. Những tháng tiếp theo, cuộc sống trở về guồng quay bình thường. An thân với nhiều người ở chỗ làm hơn, áp lực công việc cũng dần dần vơi đi.
An được trải nghiệm nhiều thứ vô cùng mới mẻ, những điều mà nó còn chưa từng nghĩ đến. Nó nhận ra nhiều điều, học được nhiều thứ, biết cách trân trọng những gì mình đang có hơn.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên, nó có cảm giác được tự do quyết định cuộc sống của mình. Mỗi lúc gặp khó khăn, An chẳng còn khóc nữa. Nó biết tự đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Có lẽ, nhiều bạn bè sẽ thắc mắc “Sao An dạo này tự làm “khổ” bản thân thế nhỉ?”, An chẳng để tâm nữa vì nó biết câu trả lời của mình. Cuộc sống này thật tuyệt vời biết bao khi mỗi ngày nó có thứ để cố gắng và nỗ lực.
Vũ Hoàng Hà