Những “phép thuật” của “phù thủy” IELTS Writing Task 2

Một trong những thử thách “khó nhằn” của bài thi IELTS là phần Writing Task 2. Phải làm sao nếu bạn bước vào phòng thi, mở đề, đọc đề và... “bí” ý tưởng? Đừng lo, 3 phép thuật dưới đây của các “phù thủy” IELTS sẽ giúp bạn luôn có “bút lực” thật dồi dào đấy.

Phép thuật số 1: Đơn giản hóa câu hỏi. 

Phần Writing Task 2 có nhiều câu hỏi sử dụng cấu trúc ngữ pháp phức tạp với mục đích “quấy rối” não bạn. Sẽ rất mất thời gian nếu bạn vừa cố gắng hiểu câu hỏi vừa tìm ý tưởng cho bài viết. Đơn giản hóa câu hỏi là cách tiếp cận hiệu quả trong trường hợp này. 

Tách nhỏ từng thành phần và lược bỏ những từ ngữ dài dòng chỉ mang tính chất bổ ngữ trong câu sẽ giúp bạn hiểu câu một cách rõ ràng và đầy đủ hơn câu hỏi, từ đó thúc đẩy việc “brainstorming” diễn ra trơn tru, suôn sẻ.

Cùng xem ví dụ này nhé: The main purpose of public libraries is to provide books, and they should not waste their limited resources and space on providing expensive hi-tech media such as computer software, videos and DVDs.

To what extent do you agree or disagree with this statement?

Tạm dịch: Mục đích chính của thư viện là cung cấp sách cho độc giả, và họ không nên lãng phí không gian và nguồn tài nguyên hữu hạn này để cung cấp những thiết bị công nghệ cao đắt đỏ như máy tính, video hay là đĩa DVD. Bạn đồng ý hay phản đối quan điểm này?

Việc đơn giản hóa câu hỏi giúp bạn nhanh chóng nắm được ý chính mà không bị “rối não”Caption

Thật ra, toàn bộ đề bài trên có thể gói gọn trong một câu: “Should libraries provide expensive hi-tech media besides books?” (Ngoài sách ra, thư viện có nên cung cấp thêm thiết bị công nghệ cao đắt đỏ không?). Việc chia nhỏ, đơn giản hóa câu hỏi giúp chúng ta có thể nhanh chóng tìm ý tưởng cho đề bài trên. Tuy nhiên, bạn cũng cần thận trọng, vì để đạt điểm cao thí sinh phải trả lời đầy đủ tất cả các ý trong câu hỏi gốc. Rút gọn đề bài chỉ là một tip để bạn hiểu rõ ý chính câu hỏi và có thể dễ dàng xây dựng ý tưởng hơn mà thôi.

Phép thuật số 2: Dùng bản đồ tư duy – mindmap

Mind map (sơ đồ tư duy) là một kỹ thuật giúp bạn ghi nhớ từ tổng thể đến chi tiết và biến hệ thống ý tưởng lộn xộn trong đầu thành hình ảnh trực quan, nhờ đó giúp phân loại thông tin nhanh chóng và triển khai các ý tưởng IELTS Writing Task 2 một cách khoa học, không bị quên ý. 

Nói ngắn gọn hơn, bằng việc vẽ bản đồ phân nhánh bạn sẽ suy nghĩ sâu về các khía cạnh của 1 vấn đề và từ đó có thể nghĩ ra rất nhiều ý tưởng liên quan đến vấn đề đó.

Cấu tạo cơ bản của sơ đồ tư duy gồm chủ đề chính, nhánh phụ, từ khóa, liên kết, hình ảnh, màu sắc... Đối với bài Writing Task 2, hãy lọc từ khóa chính từ câu hỏi, sau đó vẽ các nhánh phụ liên quan. Trong IELTS Writing, tất nhiên bạn không có đủ thời gian để vẽ từng mind map cho từng câu hỏi. Vì vậy, khi luyện tập, hãy cố gắng dùng bản đồ tư duy để bạn có thể quen với việc động não, nghĩ ra các ý tưởng để khi thi, bạn không cần vẽ mà vẫn có thể tư duy hệ thống 1 vấn đề cụ thể.

Để tạo ra 1 Mind map, có 3 bước cơ bản sau đây:

-         Tạo ý tưởng / hình ảnh trung tâm

-         Phân nhánh chính: thêm vào các đặc trưng chính của ý tưởng trung tâm

-         Phân nhánh chi tiết: thêm vào những ý nhỏ, chi tiết thuộc từng nhánh chính

Lưu ý: Chỉ dùng key words khi vẽ, không dùng những cụm hay câu dài. Ngoài ra, nên dùng nhiều màu để phân biệt các nhánh. Còn khi đi thi, hãy lược bỏ bước tô màu và vẽ trang trí nhé.

Dùng Mind map là cách tư duy đề bài hiệu quả cho Writing task 2

Phép thuật 3: Áp dụng công thức 5W + 1H

Một phương pháp hiệu quả khác là trả lời các câu hỏi xoay quanh 5W1H. 5W1H là viết tắt của What/Who/When/Why/Where/ How (Cái gì/ Ai/ Khi nào/ Vì sao/ Ở đâu/ Như thế nào) – mô hình khai thác thông tin kinh điển được áp dụng nhiều trong báo chí.  

Ưu điểm của mô hình này là giúp người viết thu thập được các nội dung cần thiết, rành mạch các luồng tin và có cái nhìn toàn cảnh nhất. Như các topic trong IELTS, bên cạnh từ vựng, cấu trúc… cái giám khảo muốn nhận được từ phần Writing Task 2 hay Speaking của chúng ta chính là những thông tin có giá trị và rõ ràng. 5W1H giúp chúng ta phân tích được đề nhanh chóng, mạch lạc. Đặc biệt, khi chúng ta gặp phải đề mà mình chưa va chạm, chưa có kiến thức, thì 5W1H có tác dụng định hướng bước đầu cho việc tập hợp ý tưởng, nội dung bài viết/ nói.

Ví dụ: In some countries, young people are encouraged to work or travel for a year between finishing high school and starting university studies. Discuss the advantages and disadvantages for young people who decide to do this. 

Tạm dịch: Ở nhiều đất nước, người trẻ được khuyến khích nên dành 1 năm ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông để đi làm hoặc đi du lịch rồi mới học đại học. Hãy thảo luận về lợi ích và bất lợi cho người trẻ khi quyết định làm theo lời khuyên này.

5W1H được áp dụng không chỉ trong báo chí mà còn nhiều lĩnh vực cuộc sống khác

Câu hỏi được đơn giản hóa: “Should young people take a gap year?” (Người trẻ có nên có một năm ngắt quãng hay không?)

Với topic này, chúng ta sẽ phân tích theo các hướng:

-         What (Khó khăn gì): Cạn kiệt tài chính giữa chừng, học chậm hơn so với bạn bè, dính vào tệ nạn xã hội, bất đồng ngôn ngữ, sốc văn hóa, gặp vấn đề sức khỏe.

-         Who (Chân dung cụ thể): Độ tuổi, ngành nghề được đào tạo, thói quen sống, tính cách…

-         When: Gap year xảy ra khi nào? Trở thành một vấn đề đáng quan tâm lúc nào?

-         Why (Tại sao cần gap year): Để học cách tự lập, trưởng thành, làm giàu kinh nghiệm sống, hiểu về sự đa dạng văn hóa, tiết kiệm tiền trước khi đi học.

-         Where (Trải nghiệm ở đâu): Địa điểm du lịch nổi tiếng, đất nước đang phát triển, công ty địa phương, công ty nước ngoài.

-         How (Chuẩn bị như thế nào): Tiết kiệm tiền, thảo luận với ba mẹ trước, chuẩn bị nộp đơn thực tập hoặc tìm hiểu những đất nước có chi phí sinh hoạt thấp/trung bình...

Thêm nữa, trong quá trình lên ý tưởng, dựng khung bài các bạn còn có thể thêm vào chữ W thứ 6 – Wow. Còn gì ăn điểm hơn nếu 1 bài viết vừa rõ ràng, mạch lạc lại chứa những thông tin bất ngờ mang lại sự hứng thú cho giám khảo nhỉ? Điều này tùy vào sự sáng tạo và tích lũy kiến thức của bản thân bạn.  

Mong rằng sau khi biết được 3 phép thuật nhiệm màu này, các bạn sẽ áp dụng và chinh phục được IELTS Writing Task 2 – vốn là một trong những task khó nhằn của bài thi IELTS. Cóc Đọc tin rằng với nỗ lực và sự cố gắng không ngừng nghỉ bạn sẽ sớm thành công thôi.

Nguyễn Hồng Liên