Ranh giới giữa thành thật và dối trá

Dù ta trẻ dại hay trưởng thành, ranh giới giữa thành thật và dối trá luôn khó có thể phân định. Lời thật lòng và dối trá cách nhau bao xa? Có ranh giới nào để phân định chúng hay không?

Lời dạy của mẹ

Thuở nhỏ, mẹ thường dạy hai anh em tôi rằng nói dối là xấu, là một đứa bé ngoan thì không nên nói dối. Tâm hồn trẻ con như tờ giấy trắng, hiển nhiên là tôi vâng lời và niềm tin đó theo tôi suốt cả tuổi thơ. 

Tuy vậy, có đứa trẻ nào lớn lên mà chưa từng nói dối đâu. Bắt đầu từ những câu nói dối ngô nghê, vụng về vì những nguyên do rất vụn vặt như làm vỡ bình hoa của mẹ, sợ bị mẹ mắng, trốn tiết đi chơi hay những lần làm bài kiểm tra bị điểm kém... Sau mỗi lần nói dối như thế, cảm giác dằn vặt, áy náy là không thể tránh khỏi. 

Mãi đến khi đã trưởng thành, đủ để hiểu và đánh giá mọi thứ xung quanh, tôi mới nhận ra rằng, bài học mẹ dạy không phải chỉ để ngăn chúng tôi nói dối. Mà quan trọng hơn, mẹ muốn chúng tôi đủ dũng cảm để nhận trách nhiệm cho cái sai của mình và lĩnh hội giá trị của sự trung thực. 

Bài học mẹ dạy tôi là về giá trị của sự trung thực

Người lớn cũng nói dối đấy thôi

Sự thật là, không chỉ trẻ con, người lớn cũng nói dối. Những lời nói dối có thể vô hại, xuất phát từ việc muốn tốt cho người khác, chứ chẳng phải từ những sự lọc lõi hay mưu mô nào. 

Công việc của mẹ tôi để kiếm ra được đồng tiền, so với sức lực của người phụ nữ bình thường, nhọc nhằn và cực khổ vô cùng. Mẹ từng có thời gian đi khắp các tỉnh thành suốt mấy tháng trời không về nhà. Mỗi lần về, mẹ cũng chỉ ở được ít hôm. Lúc nào anh em tôi gọi điện cho mẹ, kể cả lúc nửa đêm, mẹ tôi vẫn đang cặm cụi làm việc. Mệt là thế, nhưng lần nào chúng tôi hỏi, mẹ đều trả lời là mình vẫn ổn, rồi thì mẹ khỏe lắm nên chúng tôi không cần phải lo. 

Bố tôi ngược lại, có nhiều thời gian để chăm lo cho các con hơn vì đi làm gần nhà, nhưng tiền lương cũng không dư dật là bao. Hồi nhỏ, tôi rất thích sưu tập búp bê, và cứ đến sinh nhật hàng năm, bố sẽ mua tặng tôi một bộ búp bê thật “xịn” kèm thư tay chúc mừng. Dẫu rằng, gia đình tôi khi đó không có nhiều tiền và cần phải chi tiêu tiết kiệm, bố luôn nói: “Không sao, con thích là được”. 

Những lời nói dối của bố mẹ khi đó, âu cũng là để chúng tôi dần bước vào cuộc sống một cách nhẹ nhàng, thanh thản, không sớm bị vướng bận bởi những gánh nặng từ cuộc sống. 

Tôi yêu bố mẹ, cũng rất biết ơn những lời nói dối ngọt ngào của bố mẹ. Vì nhờ đó, anh em tôi biết thế nào là hy sinh cho người khác.

Cảm ơn bố mẹ vì đã cho chúng con một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản 

Ranh giới thật – giả rất mong manh

Con người luôn có thiên hướng làm việc đúng đắn, nói lời trung thực. Nhưng không phải lúc nào bộc lộ hết suy nghĩ bên trong cũng là tốt. Cuộc sống của người trưởng thành, đôi khi cần những lời nói dối vô hại: Bác sĩ vẫn “nói dối” để bệnh nhân yên tâm chữa trị; cha mẹ vẫn “nói dối” để những đứa con an lòng học hành và bản thân chúng ta vẫn “nói dối” để những người thương yêu bớt lo lắng. 

Nói là vậy nhưng không có nghĩa, hành xử khác đi so với những chuẩn mực của sự trung thực là điều được khuyến khích và áp dụng trong mọi tình huống. Lời nói dối chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ thiện chí, từ tình yêu thương chân thành. Ngược lại, khi ta nói dối nhằm đạt được mục đích cá nhân, hay để che đậy tội lỗi, cũng chính là lúc ta đánh mất giá trị của chính mình và cả những mối quan hệ trân quý. 

Tôi đã từng nói “Tôi ổn” với nhóm bạn cũ suốt một thời gian dài, dù sự thật là bản thân đang trải qua một quãng thời gian đầy tăm tối vì áp lực học hành, thi cử. Vì tôi không muốn năng lượng tiêu cực của mình ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nhưng không thể ngờ, những lần nói dối đó lại vô tình đẩy tôi ra xa các mối quan hệ. Đến khi nhìn lại, tôi chỉ còn lại một mình và ngày càng thêm cô đơn, lạc lõng. 

Ranh giới giữa dối trá và thành thật, vốn đã rất mơ hồ. Có những cơ hội để tình yêu thương, sự thấu hiểu được kết nối sâu đậm nhưng rồi lại bị phá vỡ đầy tiếc nuối bởi lời nói không thành thật. Chung quy lại, nói dối được xem là có hại hay không phụ thuộc vào mục đích của người nói.

Ranh giới giữa dối trá và thành thật, vốn đã rất mơ hồ 

Dối trá và thành thật cách nhau bao xa, chỉ có bản thân chúng ta mới là người đưa ra được câu trả lời. Bởi, sẽ có những lúc bạn buộc phải đưa ra lựa chọn và chịu trách nhiệm cho tất cả những quyết định của chính mình dù đúng hay sai. Những mối quan hệ sẽ như thế nào nếu chúng ta luôn nói dối? Sự thật nào sẽ đến với ta trong tương lai? Lời nói thành thật tác động tới cuộc sống và những người quanh ta như thế nào? 

Dù sao, hãy cứ đi về phía trước để học được nhiều bài học đáng giá và hãy tin vào tình yêu thương – điều vẫn sẽ luôn tồn tại trên thế giới này, vượt qua mọi ranh giới thật – giả của cuộc đời. 

Ngọc Minh Nguyễn