Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Sinh viên FPTU xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ giáo dục 4.0
Với hàng loạt các sản phẩm phục vụ việc dạy và học sử dụng công nghệ 4.0, sinh viên FPTU đã tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ giáo dục, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số đang được chú trọng triển khai tại Trường ĐH FPT nhiều năm gần đây.
Trợ lý học tập thông minh
Trợ lý học tập thông minh (Smart learning assistant) là một sản phẩm của nhóm 5 sinh viên, chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường Đại học FPT Hà Nội, bao gồm: Nguyễn Công Vinh, Nguyễn Thái Dương, Bùi Hoàng Thái Dương, Nguyễn Ngọc Khánh và Nguyễn Nghĩa Hoàng. Sản phẩm được sáng tạo nhằm mục đích giúp người học giải quyết vấn đề ôn tập dồn dập, học tập nhồi nhét những ngày sát kỳ thi để rồi người học sẽ quên ngay sau đó.
Ứng dụng được sáng tạo dựa trên những trải nghiệm thực tế của Nguyễn Công Vinh – trưởng nhóm đồ án. Công Vinh cho biết: "Bản thân mình đã trải nghiệm các sản phẩm liên quan đến học tập và nhận thấy một số những bất tiện trong các sản phẩm đó. Vậy nên nhóm mong muốn tạo ra một sản phẩm toàn diện hơn, khắc phục các nhược điểm của những hệ thống hỗ trợ học tập trước đó".
Với Trợ lý học tập thông minh, người dùng có thể được gợi ý thời gian biểu ôn tập phù hợp dựa trên thông tin đầu vào từ phía người sử dụng. Bằng cách này, ứng dụng giúp người học có thể ôn tập kiến thức một cách khoa học, ghi nhớ kiến thức lâu hơn và đảm bảo người học sẽ có đủ thời gian ôn tập toàn bộ kiến thức trước ngày thi. Đây cũng là chức năng cải tiến nổi bật của Trợ lý học tập thông minh so với các sản phẩm khác có cùng chức năng đã có mặt trên thị trường.
Bên cạnh đó, hệ thống cũng đồng thời xây dựng cộng đồng người dùng cùng nhau học tập thông qua việc cho phép người dùng tạo các Room cùng học, có khả năng chia sẻ các bộ tài nguyên đã tạo như: đề cương, bộ câu hỏi ôn tập… Đồng thời Trợ lý học tập thông minh cũng đóng vai trò là một nơi lưu trữ tài nguyên học tập với các tính năng tạo thẻ học tập dạng Flashcard, lưu trữ file mềm (hình ảnh, word, pdf…).
Được biết, tại hội đồng bảo vệ đồ án tốt nghiệp vừa qua, sản phẩm đã được đánh giá cao nhờ giao diện đẹp, thân thiện với người dùng, sản phẩm chạy ổn định, có tính xã hội, tính ứng dụng cao, đặc biệt là trong bối cảnh học tập online đang được triển khai rộng rãi như hiện nay.
Nhóm đồ án cho biết, trong thời gian tới, nếu điều kiện cho phép, nhóm mong muốn sẽ tiếp tục phát triển dự án thành một dự án cộng đồng, tối ưu về giao diện và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng: thêm các khung mẫu để nhập kiến thức nhanh chóng, dễ dàng và phù hợp với nhiều loại kiến thức hơn, hoàn thiện chức năng lịch của sản phẩm, cho phép người dùng nhập thời khóa biểu, tích hợp hệ thống trên nền tảng app…
Hệ thống giáo dục Hava
Hệ thống giáo dục Hava (hay còn gọi là Hava Education) là một dự án học tập trực tuyến trên nền tảng website ra đời từ năm 2017, với các khách hàng chính là học sinh THPT. Trải qua sự thay đổi của thời đại và sự phát triển của công nghệ, nhận thấy nhu cầu sử dụng hệ thống trên thiết bị di động ngày càng tăng cao, công ty ICAREVIET – đơn vị chủ quản của Hava Education đã hợp tác với nhóm 5 sinh viên, chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường ĐH FPT Hà Nội để phát triển sản phẩm trên nền tảng mobile, nhằm đáp ứng nhu cầu và mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng.
Các tính năng nổi bật của Hệ thống giáo dục Hava trên nền tảng mobile có thể kế đến như: giao diện thân thiện với người dùng, đáp ứng tốt các tính năng phức tạp theo yêu cầu của khách hàng như tạo sự kiện, tổ chức cuộc thi xếp hạng, hiển thị gợi ý/đáp án/lời giản chỉ với 1 lần chạm, hệ thống dữ liệu được tổ chức một cách quy củ và chi tiết.
Hoàng Tiến Dũng – Trưởng nhóm phát triển Hava Education mobile cho biết: "Tuy Hava Education không phải một sản phẩm mới trên thị trường, nhưng sản phẩm được đánh giá cao về tính thực tiễn. Việc thực hiện chuyển đổi từ nền tảng website sang nền tảng mobile cũng đòi hỏi coder phải thiểu cả 2 ngôn ngữ mới có thể hoàn thành tốt được sản phẩm".
Được biết, hiện tại sản phẩm đã hoàn thành bước đầu. Nhóm sẽ tiếp tục làm việc với công ty khách hàng cho tới khi sản phẩm được phát hành tới tay người dùng.
Hệ thống làm bài thi trắc nghiệm sử dụng Deep learning
Cùng với sự phát triển của công nghệ AI, với mục đích tìm ra một phương pháp có thể cải thiện mức độ trả lời đúng các câu hỏi trắc nghiệm của AI, nhóm 5 thành viên bao gồm: Lang Quốc Khải, Khúc Xuân Hào, Trịnh Bá Bình, Phạm Anh Minh, Lưu Hoàng Thiện – sinh viên K13, Trường ĐH FPT Hà Nội đã xây dựng một hệ thống làm bài thi trắc nghiệm sử dụng Deep learning.
Hệ thống được xây dựng trên nền tảng sử dụng ngôn ngữ Golang cho lập trình phần Backend, VueJS cho phần Frontend, Python cho phần AI Model. Riêng về AI Model, nhóm đã lợi dụng Pre-trained deep learning model để thực hiện việc trả lời câu hỏi. Việc xây dựng hệ thống cũng gặp nhiều khó khăn do đây là một đề tài mới. Nhóm đã phải học nhiều công nghệ mới, tiên tiến nên trong suốt quá trình làm đồ án, việc gặp khó khăn với công nghệ xảy ra khá thường xuyên. Tuy nhiên, từng thành viên luôn cố gắng tự tìm tòi, học hỏi để để giải quyết vấn đề.
Bằng cách sử dụng Hệ thống làm bài thi trắc nghiệm sử dụng Deep learning, người dùng hoàn toàn có thể tìm lời giải cho bài thi trắc nghiệm một cách nhanh chóng chỉ bằng vài thao tác đơn giản như: đăng ký, đăng nhập, đăng tải đề thi theo mẫu có sẵn. Đồng thời, người dùng cũng có thể tạo một bài thi trắc nghiệm mới ngay trên nền tảng của hệ thống, hoặc cung cấp cho hệ thống những tài liệu có chứa thông tin để phục vụ cho việc giải đề, xem lại lịch sử các hoạt động…
Bước đầu, sản phẩm đã được hội đồng đánh giá cao về hiệu năng làm việc, hệ thống có thể giải các bài trắc nghiệm bằng AI và quá trình hoạt động diễn ra rất tốt.
Hệ thống chấm thi thực hành môn CSD
Nhằm giảm bớt thời gian cũng như tiết kiệm công sức của các giảng viên trong việc chấm bài thi thực hành cuối kỳ môn CSD201 (một môn học của ngành Công nghệ thông tin tại Trường ĐH FPT), nhóm 5 sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, FPTU Hà Nội, bao gồm: Trần Đức Tâm, Đào Như Minh Hiếu, Vũ Thành Nam, Nguyễn Thành Công, Phạm Thị Mai Hương, đã phát triển sản phẩm mang tên Hệ thống chấm thi thực hành môn CSD. Sản phẩm có 3 tính năng chính: Quản lý ngân hàng câu hỏi - tự động tạo đề thi, chấm điểm tự động và gửi mail tự động để thông báo kết quả bài thi cho sinh viên.
Chia sẻ về quá trình phát triển sản phẩm, Trần Đức Tâm – trưởng nhóm đồ án cho biết: "Để làm ra một hế thống chấm thi hoàn thiện và chính xác, nhóm đã phải trao đổi với cán bộ phòng khảo thí để hiểu hơn về cách vận hành của hệ thống và cấu trúc bài làm của sinh viên. Đồng thời, từng thành viên cũng phải tự tìm hiểu về các kiến thức nằm ngoài phạm vi hiểu biết của cả nhóm".
"Hệ thống chấm thi tự động không phải là một sản phẩm mới. Nhưng so với các hệ thống đã có, hệ thống chấm thi thực hành môn CSD được cải tiến về tốc độ chấm thi, đồng thời cũng được thêm một số chức năng giúp cán bộ, giáo viên dễ dàng quản lý và thao tác hơn" – Đức Tâm chia sẻ thêm.
Được biết, hệ thống đã được chính thức đưa vào hoạt động từ tuần 9 của kỳ Summer 2021, đồng thời cũng là tuần thi thực hành của sinh viên và tuần thi hết block 5. Theo kiểm chứng, độ chính xác của hệ thống là 100%.
Từ ngày 26/08 – 01/09/2021, sinh viên Đại học FPT Hà Nội sẽ bắt đầu tham gia đợt Bảo vệ tốt nghiệp học kỳ Summer2021 theo hình thức online. Đợt bảo vệ có sự tham gia của hơn 440 sinh viên với 103 đề tài khóa luận thuộc 8 ngành/chuyên ngành: Khoa học máy tính, Thiết kế đồ họa, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Nhật, An toàn thông tin, Kỹ thuật phần mềm.
Các đề tài trong đợt bảo vệ tốt nghiệp này của sinh viên Đại học FPT Hà Nội hướng tới đa dạng các lĩnh vực trong đời sống như y tế, giáo dục, booking, tìm kiếm – quản lý thông tin, kết nối…
Hải Ngân