Sóng

Tôi đã luôn phải tự nhủ với bản thân rằng có những cơn sóng sẽ tốn rất nhiều thời gian và năng lượng của mình trước khi thực sự qua đi. Đối mặt với sóng, bạn nghĩ rằng mình vẫn đang đứng yên ở một chỗ cố gắng chờ chúng qua đi hoặc quy hàng và gục ngã nhưng thực ra nếu còn sống sót bạn sẽ hiểu rằng mình đã đủ mạnh để chờ đón cơn sóng khác. 

Tôi không tin vào quan niệm “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Trong gần 30 năm cuộc đời mình, dù đó không phải một con số lớn để tôi có quyền rao giảng về triết lý nhân sinh, nhưng tôi nghĩ mình và những người thân xung quanh đã đi qua nhiều con sóng cuộc đời đủ để ngẫm về hai chữ “bình đẳng”. Và cuộc sống này vốn cũng không công bằng.

Chúng ta vẫn thấy có những người sinh ra đã “ngậm thìa vàng”, “đã ở vạch đích”. Và ta cũng thấy những cuộc đời không hề bằng phẳng, phải cố gắng gấp đôi, thậm chí gấp 10 người khác để tìm cách đi đến đích. 

Theo lý thuyết thì trong cuộc sống, entropy (sự hỗ loạn) sẽ luôn tăng, tức là mọi vật đều chuyển từ ổn định sang hỗn loạn. Ví dụ, một ngôi nhà ở lâu theo tự nhiên rồi sẽ cũ, xuống cấp. Cơ thể ì trệ, không vận động sẽ tăng cân, thừa mỡ, thậm chí béo phì. Tất cả mọi khái niệm về trải nghiệm, hay thành công, thất bại đều thuộc hệ quy chiếu này: entropy luôn tăng.

Một bức ảnh tôi (tác giả) chụp biển ở Ireland, Italy

Thế nên, quãng đường trưởng thành của chúng ta là một cấu trúc mất định hình. Ta bắt đầu nghĩ nhiều hơn, gặp nhiều người, nhiều việc không như ý. Ta sẽ biết thế nào là đau khổ, thất bại trong cả công việc và tình cảm. Những cơn sóng cuộc đời cứ đến như vậy nhưng có người gặp những cơn sóng nhỏ, thậm chí chỉ lợn cợn, lăn tăn vì có thể Thượng đế đã ưu ái ban tặng cho họ một lá số tử vi hoàn hảo, một cuộc đời êm ả hơn số đông.

Nhưng ngay cả những người được cho là may mắn nhất cũng không tránh khỏi một vài cơn sóng lớn trong đời. Ta đơn giản là không thể từ chối những con sóng ấy bởi cuộc sống này không cho phép. Một người nổi tiếng, lối sống chuẩn chỉnh, giàu có, thành công tột bậc như huyền thoại làng F1 Michael Schumacher ở tuổi trung niên đã phải gánh tai họa ập đến đầy bất ngờ. Trong một lần trượt tuyết, Schumacher đã gặp tai nạn ảnh hưởng nặng nề tới não, tính mạng bị đe dọa. Giờ đây, ở tuổi 51, Tử thần dù không gọi tên anh, nhưng Schumacher được cho là mãi mãi không thể phục hồi trở lại như một người bình thường được nữa. Hay như đại dịch Covid-19, đó là một cơn sóng thần của cả thế giới, không ai tránh nổi, ít nhiều đều chịu thiệt hại mà nó đã gây ra. 

Bản thân cuộc sống đã là hành trình vượt sóng rồi. Ta có thể không phải là người thường xuyên đối mặt với những cơn sóng lớn, nhưng ta cũng nghe về những khó khăn mất mát của người thân, cũng nhìn họ chịu đau khổ, dằn vặt. Thế nên chuyện “vượt sóng” đối với tôi không phải một điều cao xa, lãng mạn gì. Có thể với những người trẻ hơn, với chủ nghĩa lý tưởng của họ sẽ có cái nhìn về những cơn sóng đời vĩ mô và sử thi hơn mà thôi.

Đọc tới đây hẳn bạn có thể cho rằng tôi là một kẻ bi quan, tiêu cực, sao lại nhìn cuộc sống qua lăng kính u ám như thế. Nhưng sự thật thậm chí ngược lại. Người xung quanh tôi đều nói tôi là người lạc quan, tích cực nhất mà họ quen biết. Tôi không cho rằng ấy là một lời khen. Tôi không có nhu cầu đánh giá và được đánh giá tốt, xấu qua cách nhìn đời vì sức chịu đựng tinh thần của chúng ta đều khác nhau. 

Thật ra, tôi trân trọng mỗi ngày qua đi, từng mối quan hệ, từng món quà nhỏ nhất tôi nhận được, nhưng tôi cũng luôn chuẩn bị tinh thần cho những kịch bản xấu để nhìn mọi chuyện thực tế nhất có thể. Nghĩa là, hôm nay tôi rất hạnh phúc vì tình yêu, nhưng nếu ngày mai tình yêu đó có qua đi thì tôi cũng sẵn lòng đón nhận và chấp nhận rằng có thêm một cơn sóng đến và mình cần phải vượt qua nó. 

Tác giả Nhi Hexe

Cuộc đời là thế. Bởi vì bản thân tôi, trước khi trở thành một người lạc quan, tích cực như mọi người thấy bây giờ, cũng đã “trải qua một cuộc bể dâu”. Tôi cũng từng rơi vào những cơn trầm cảm, từng chứng kiến cảnh gia đình nợ nần, từng không thể chịu nổi áp lực tâm lý để rồi quyết định bỏ học năm cuối ĐH để chạy trốn tất cả.

Sang Đức, tôi cũng từng sống những tháng ngày mông lung... rồi mọi chuyện cũng qua. Dù khi nó xảy ra, ta cảm tưởng như mọi thứ đã ở bước đường cùng, hoàn toàn bế tắc, không nhìn thấy tia hy vọng sáng sủa nào nhưng khi ta bước khỏi cơn bĩ cực mà cơn sóng lớn ấy xô đến, ta sẽ trở nên dày dạn, mạnh mẽ hơn trước. Đó là lúc cuộc đời sẽ dành cho ta những phần thưởng xứng đáng.

Thế nên kể từ bấy tới nay, kim chỉ nam cuộc sống của tôi gói gọn trong những câu văn này của cuốn tiểu thuyết “Kafka bên bờ biển” (Haruki Murakami): “Và khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ rằng làm thế nào mà mình đã vượt qua được nó, làm thế nào mà bạn đã sống sót. Thậm chí, bạn cũng không biết chắc rằng liệu cơn bão ấy đã thực sự chấm dứt hay chưa. Nhưng điều này thì chắc chắn, khi bạn bước ra khỏi cơn bão ấy, bạn sẽ không còn là người khi đã dấn bước vào nó”. 

Nhi Hexe

Đôi nét về tác giả Nhi Hexe

Nhi Hexe tên thật là Hà Trần Yến Nhi. Chị bắt đầu sự nghiệp viết lách với tư cách là một phóng viên thể thao. Trong nhiều năm qua, chị Nhi Hexe đã cộng tác với nhiều tạp chí, tờ báo nổi tiếng tại Việt Nam như Harper Bazaar Việt Nam, Elle Việt Nam, Vietnamplus…

Chị cũng là tác giả của nhiều đầu sách ấn tượng như Không có giờ hoàng đạo, Đừng cưa, đàn ông tự đổ…