Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Tất tần tật những gì Cóc “non” cần biết về Coursera
Kể từ học kỳ Fall 2019, Ao làng chính thức cho các Cóc nhà mình học tập trên hệ thống Coursera. Nhưng… Coursera là gì? Nó có gì “thần thánh” mà các tiền bối ở Ao làng yêu thích đến vậy? Cùng tìm hiểu về nền tảng học trực tuyến siêu xịn này ngay thôi nào.
Coursera là cái chi chi?
Nếu đã học ở Ao làng, chắc các Cóc cũng đã từng nghe nói ít nhất một lần về Coursera. Thậm chí với vừa vô năm nhất, Cóc “non” đã nghe anh chị tiền bối “ra rả” về Coursera đến… “chóng cả mặt”. Vậy Coursera là gì?
Coursera là một công ty công nghệ giáo dục chuyên cung cấp các khoá học trực tuyến đại chúng mở (massive open online course - MOOC). Công ty được thành lập bởi hai giáo sư khoa học máy tính Andrew Ngô Ân Đạt và Daphne Koller thuộc Đại học Stanford.
Coursera hợp tác với nhiều trường đại học trên thế giới để cung cấp một số khoá học trên mạng của các trường này cho người đăng ký. Các khoá học có thể thuộc ngành khoa học kỹ thuật, nhân văn học, y học, sinh học, khoa học xã hội, toán học, kinh tế học, khoa học máy tính và một số lĩnh vực khác.
Tính đến nay, Coursera đã có hơn 60 triệu người dùng và hợp tác với hơn 200 trường đại học, các nhà giáo dục hàng đầu trên thế giới để cung cấp các khóa học trên nền tảng này.
Đặc biệt, Coursera không chỉ dành cho sinh viên, đã có hơn 2.400 doanh nghiệp tin tưởng chọn lựa Coursera là nền tảng học tập “Coursera of Business” để bồi dưỡng cho nhân viên của họ.
Những điểm nổi bật của Coursera
Nội dung chất lượng
Rõ ràng, chất lượng nội dung là điều kiện tiên quyết của bất cứ ai khi lựa chọn một khóa học. Đây cũng điều quyết định danh tiếng và mức độ thành công của các nền tảng học trực tuyến. Thế nên, không ngạc nhiên khi Coursera lại đình đám đến vậy vì nó đang làm rất tốt việc cung cấp và kiểm soát chất lượng nhiều khóa học hữu ích, thuộc nhiều lĩnh vực: Giáo dục, công nghệ, tài chính, marketing...
Có được điều này là nhờ Coursera hợp tác với nhiều trường Đại học danh giá trên toàn cầu. Hay nói đúng hơn, các khóa học trên Coursera đều được “đứng lớp” bởi những Giáo sư, giảng viên hàng đầu tại các trường Đại học đó. Đây là điều ít có nền tảng học trực tuyến nào làm được.
Cũng bởi vậy, chứng chỉ mà Coursera cung cấp sau khi hoàn thành các khóa học cũng sẽ trở nên đặc biệt có giá trị.
Dễ sử dụng
Khi chọn một khóa học online, bên cạnh chất lượng nội dung thì giao diện thân thiện, dễ sử dụng cũng là yếu tố nhiều người dùng lưu tâm. Hiểu được điều đó, Coursera được thiết kế với giao diện vô cùng đơn giản, hiện đại và dễ sử dụng.
Truy cập vào Coursera, các Cóc có thể dễ dàng lựa chọn những gì mình muốn học trong mục Menu hoặc nhập từ khóa vào thanh tìm kiếm; dễ dàng chọn chủ đề, ngôn ngữ chính và phụ đề… tùy theo sở thích và thói quen.
Nhiều tính năng độc đáo
Nhắc đến Coursera, không thể không nhắc đến những tính năng “độc nhất vô nhị” đã góp phần làm nên tên tuổi của nền tảng này như:
+ Những khóa học miễn phí: “Phận” là sinh viên nên đa phần chúng ta đều không có quá nhiều tài chính để chi cho một khóa học trực tuyến. Đừng lo, Coursera cung cấp cực nhiều khóa học chất lượng hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, học viên sẽ không được cung cấp giấy chứng nhận cho các khóa học này.
+ Chuyên môn hóa: Các khóa học trên Coursera có thể được phân theo các chuyên ngành, một chuyên ngành là tập hợp một số lượng các khóa học cùng chủ đề, có sự liên kết với nhau. Ví dụ, nếu Cóc học truyền thông và muốn tìm hiểu về viết lách chẳng hạn, Cóc có thể tham gia các khóa học thuộc chuyên đề riêng về viết. Khi hoàn thành sẽ được cấp chứng chỉ theo chuyên ngành đó nữa đấy.
+ Trình độ: Một tính năng khá hay ho của Coursera là nền tảng này cung cấp cho người học một lựa chọn hỗ trợ về tài chính. Ví dụ, Cóc muốn tham gia một khóa học mất phí nào đó nhưng không đủ khả năng tài chính, Cóc có thể liên hệ với công ty bằng hình thức đặc biệt. Nếu Coursera cho rằng Cóc xứng đáng, họ sẽ chi trả cho khóa học này.
+ Được cấp chứng chỉ: Chắc chắn rồi! Như đã nói ở trên, đa phần các khóa học tại Coursera đều được cấp chứng chỉ. Bật mí là các chứng chỉ do Coursera cung cấp được đánh giá khá cao trong quá trình Cóc ứng tuyển vào công việc thực tế đấy nhé.
Cần trang bị gì khi học tại Coursera?
Năng lực tiếng Anh
Tại Coursera, ngôn ngữ mặc định là tiếng Anh. Tất nhiên các Giáo sư, giảng viên cũng giảng dạy bằng tiếng Anh tuốt tuồn tuột. Vậy nên, trước khi học với Coursera, các Cóc nên trang bị cho mình một nền tảng tiếng Anh căn bản. Đảm bảo luôn là những khóa học trên Coursera sẽ giúp Cóc nâng trình tiếng Anh mình thêm đó.
Tính tự giác trong học tập
Vì là nền tảng giáo dục trực tuyến, tất nhiên Coursera là một không gian vô cùng phù hợp cho Cóc nào yêu thích sự tự học. Tuy nhiên, việc tự học cũng đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực: Chăm chỉ, tự giác, tự tìm hiểu tài liệu, biết cách quản lý thời gian…
Học Coursera vì thế mà bạn cũng rèn được rất nhiều kỹ năng thú vị khác nữa. Đúng là một công đôi ba việc nhỉ.
Kiến thức chuyên ngành
Kiến thức chuyên ngành ở đây có thể hiểu là từ vựng chuyên ngành (cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt), kiến thức nền tảng… Tất cả các khóa học đều cần đến kiến thức chuyên ngành, ngoại trừ những khóa học về phát triển bản thân, kỹ năng lãnh đạo, tài chính cá nhân...
Chẳng hạn, Cóc là sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, Cóc có thể sẽ chọn những khóa học có liên quan đến lập trình, công nghệ thông tin… Lúc này, kiến thức chuyên ngành tốt sẽ giúp Cóc tiếp thu kiến thức mới nhanh hơn nhiều, giảm bớt thời gian phải đi tra cứu.
Và đó là tất tần tật những gì Cóc “non” cần biết về Coursera, nền tảng giáo dục trực tuyến hàng đầu thế giới hiện nay mà Ao làng đã liên kết. Còn chờ gì nữa mà không truy cập ngay https://www.coursera.org/ để chinh phục kiến thức nhỉ.
Lê Duy Lương