Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Thầy Linh ‘Mega’ và những giờ học văn 4.0 cho Nhái Bén FSchool Hà Nội
Gắn bó với các Nhái Bén FSchool Hà Nội từ năm 2015 đến nay, thầy Đoàn Mạnh Linh (thầy Linh Mega) nổi tiếng với những giờ học Văn “cực chất” khi ứng dụng công nghệ 4.0, biến kiến thức trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận.
Làm nghề giáo theo truyền thống gia đình
Từ nhỏ, thầy Mạnh Linh đã bộc lộ sự nhạy cảm của mình với Văn học. “Mình cũng không biết có thật sự là năng khiếu không nhưng với mình, học Văn rất nhàn, nghe là hiểu ngay. Có lẽ vì mình biết đọc khá sớm, từ năm 4 tuổi cơ”, thầy Linh kể.
Gia đình có truyền thống làm nghề giáo nên thầy Mạnh Linh được tiếp xúc với môi trường sư phạm từ sớm. Dẫu vậy, suốt những năm tháng phổ thông, thầy Linh chưa từng nghĩ sẽ học sư phạm Văn và theo đuổi bộ môn này.
Có lực học tốt, năm cấp II, thầy Linh được chọn đi thi Học sinh giỏi cả 3 môn Toán, Lý, Văn. Nhưng, một ngày đẹp trời, cô giáo dạy Văn kiêm hàng xóm sang “dụ” mẹ thầy: “Cho thằng Linh đi thi văn đi!”. Kết quả, mẹ thầy nghe lời… cô hàng xóm, còn thầy Linh năm đó ẵm giải Học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh môn Văn. Mình mới nghĩ bụng: ‘Ô môn Văn hay phết!’, thế là theo Văn đến giờ”, thầy Linh chia sẻ.
Và thế là, thầy Đoàn Mạnh Linh bắt đầu hành trình trên con đường sư phạm Văn từ ngày ấy. Còn cơ duyên đưa thầy đến với Ao làng và FSchool Hà Nội, thầy chỉ dí dỏm kể: “Tốt nghiệp ĐH, mình nộp hồ sơ xin việc vào mấy trường nhưng chỉ có FSchool nhận thôi chứ không có lý do gì đặc biệt đâu (cười)”.
Từ “anh thầy” không biết dùng Powerpoint đến “phù thủy” công nghệ
Nhắc đến thầy Linh Mega của FSchool Hà Nội, Nhái Bén nào cũng sẽ nhớ ngay đến người thầy 4.0 với phương pháp giảng dạy cực mới lạ: kết hợp video 3D trong bài “Người lái đò sông Đà”; vừa chơi game nhập vai vừa học Văn hay sử dụng máy tính bảng, smartphone quét mã QR trên sách/slide để truy cập thông tin về tác giả, tác phẩm, bài học…
Nhưng ít ai biết rằng, khi mới ra trường, thầy Linh còn không biết dùng cả… Powerpoint. Thầy chia sẻ chân thành: “Xây dựng 1 bài giảng E-learning rất vất vả, phải biết đủ thứ: Photoshop, Illustrator để thiết kế hình ảnh minh họa, lại phải biết chỉnh sửa video, làm hiệu ứng âm thanh chuyên nghiệp, để tạo cảm hứng cho học sinh học tập”.
Thời gian ban đầu, làm quen với công việc giảng dạy ở trường học giàu trải nghiệm công nghệ như FSchool Hà Nội, thầy Linh lắm lúc muốn “bỏ cuộc luôn”. Nhưng may có “người thầy” Youtube giúp đỡ, thầy Linh cứ tự học, không biết cái gì thầy lại lên đó tìm hiểu, lâu dần thành quen.
Càng làm càng mê, thầy Linh đã “thổi luồng gió mới” vào từng tiết dạy Văn của mình. Không có việc đọc chép chính tả hay giảng bài khô khan, giờ học của thầy sống động với đủ trải nghiệm đa chiều qua từng tác phẩm. Gây tiếng vang nhất chắc hẳn là dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các môn xã hội”.
“Dự án đó là thành quả của nhiều người, đầu tiên là Nguyễn Lân - học trò mình rất yêu quý, chị An Linh giáo viên cùng tổ trợ giúp chuyên môn, Lê Việt Dũng cũng là cựu học sinh FSchool hiện đang học ĐH FPT chứ không riêng gì mình đâu”, thầy Linh khiêm tốn chia sẻ.
Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các môn xã hội” xuất phát từ ý tưởng hữu hình hoá, trực quan hóa một hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Văn học giúp học sinh dễ tiếp cận hơn, nhất là với tác phẩm luôn được đánh giá là “khó nhằn” như “Người lái đò sông Đà”.
Học “Người lái đò sông Đà” theo cách thức hoàn toàn mới này, các Nhái Bén được trực tiếp trải nghiệm, chơi game nhập vai điều khiển chiếc đò đi trên sông Đà, lướt vào thế giới đá vách thành, trùng vi thạch trận, cửa ải nước… như nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả trong tác phẩm.
Học sinh sẽ tự mình khảo sát vùng sông núi, vượt qua những thác ghềnh khúc khuỷu. Chỉ khi tự mình trải nghiệm trực tiếp thì những xúc cảm đến từ dòng chữ, câu văn của tác giả mới thật sự thấm thía đến mỗi học sinh.
Công sức của thầy Linh và các cộng sự trong dự án được đền đáp xứng đáng với giải Bạc tại iKhiến (Cuộc thi Sáng kiến do Tập đoàn FPT tổ chức – PV) và Top 6 tác giả xuất sắc nhất cuộc thi “Tìm kiếm Đại sứ E-learning Việt Nam” 2019.
Bí quyết dạy hay là để sếp… chê
Không chỉ ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, thầy Linh còn đầu tư làm cả kênh TikTok “ThayLinhmegavan” và kênh Youtube cùng tên để dạy Văn. Ý tưởng làm mạng xã hội của thầy đơn giản xuất phát từ việc, một học sinh FSchool nhờ thầy ghi video bài giảng cho bạn ấy xem lại.
“Học sinh ấy à, muôn đời chỉ đến lúc thi mới học, các Nhái Bén cũng không ngoại lệ. Vậy nên, mình xây kênh TikTok và Youtube cho các em có hứng thú với việc học, cảm thấy dễ học và nắm bắt kiến thức”, thầy nói. Hiện kênh TikTok của thầy đã có gần 60 nghìn người theo dõi và xuất sắc đạt Top 5 TikToker có lượt bình chọn của người xem cao nhất tháng vào tháng 3/2022.
Ngoài ra, thầy cũng là tác giả độc quyền của Megabook từ năm 2016. Tính đến nay, thầy đã cho ra đời 7 đầu sách, chuyên về ôn thi và luyện đề. Biệt danh thầy Linh Mega cũng vì thế mà ra đời.
Đa tài, “cân” được nhiều công việc mà việc gì cũng làm tốt, thầy Linh chia sẻ, bí quyết chính là để sếp… chê.
“Cứ lãnh đạo chê là mình phải làm nghiêm túc, tự mà mày mò, khám phá. Để được sếp khen một câu là một chặng đường gian nan lắm”, thầy Linh dí dỏm.
Thành công trong việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và đạt nhiều giải thưởng nhưng thầy Linh vẫn luôn đặt yếu tố chuyên môn lên trên hết: “Công nghệ là yếu tố bề ngoài để thu hút các em chú ý vào bài giảng. Sau đó, mình phải duy trì sự quan tâm ấy bằng phân tích sâu sắc, hấp dẫn, dẫn chứng cụ thể…”, thầy Linh khẳng định.
Hiện tại, thầy Linh và các Nhái Bén K9 FSchool Hà Nội đang chuẩn bị cho dự án mới mang tên “Ngữ Văn: Connect”. Chúc thầy trò FSchool thành công với dự án này và có nhiều trải nghiệm đáng nhớ.
Maimai