Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Thầy Lữ Thanh Xuân: Bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái
Nhắc đến thầy Lữ Thanh Xuân (Chủ nhiệm bộ môn Vovinam tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic) là hội Ong lẫn Cóc nhớ ngay đến người thầy tâm huyết, điềm đạm và hơn hết, luôn chú trọng uốn nắn học trò trong từng lời ăn tiếng nói, cách đối nhân xử thế cùng hàng tá câu chuyện hài hước, ly kỳ.
Ngoại hình “hổ báo”, tâm hồn... “mong manh”
Thầy Xuân có lẽ là một trong số ít những giảng viên gắn bó với cả hội Ong lẫn tụi Cóc chúng mình. Thầy vào dạy tại ĐH FPT ngay từ khóa 1 (10/9/2007) với vai trò giảng viên thỉnh giảng. Đến đầu năm 2009, thầy trở thành giảng viên cơ hữu đầu tiên dạy Vovinam tại ĐH FPT nên vẫn thường được trêu là “lão đại” đầu tiên.
“Lúc đầu thầy chỉ tình cờ có duyên với FPT Edu nhưng càng làm càng thấy môi trường ở đây tuyệt vời quá, bản thân mình cũng thấy sự nghiệp làm thầy vô cùng ý nghĩa và được các bạn sinh viên yêu quý nên gắn bó luôn tới giờ” – thầy Xuân kể
Sang tháng 7/2021 thầy Lữ Thanh Xuân đảm nhận một vai trò mới là Chủ nhiệm bộ môn Vovinam tại Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic.
Học võ với thầy Xuân, các Cóc, Ong không chỉ được rèn luyện sức khỏe, khả năng tự vệ, tăng cường thể chất và quan trọng bậc nhất là rèn kỷ luật, ý chí, khiêm cung, độ lượng, tôn sư trọng đạo và có một tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Bởi đó là phương châm giảng dạy của thầy. Thầy Xuân luôn tâm niệm: “Vovinam là môn võ tượng trưng cho tinh thần bất khuất của người Việt.”
Mỗi giờ học, thầy luôn nhấn mạnh tinh thần Võ đạo song hành với Võ thuật. Thầy thường dành những giây phút giải lao hay lồng ghép vào bài giảng để chia sẻ với sinh viên về tinh thần Võ đạo. Ai học qua thầy rồi thì chắc chắn sẽ được “thỉnh kinh” 10 điều tâm niệm Vovinam, rèn cách đối nhân xử thế trong cuộc sống thông qua những câu chuyện trong sách, trong cuộc sống, từng trải của cá nhân. Nhiều sinh viên còn thường tìm thầy để chia sẻ và tâm sự về những điều gặp phải trong cuộc sống.
Thầy cũng nổi danh là “siêu nhân” và cực kỳ yêu nghề khi có lần gặp tai nạn giao thông ngã đến dập chân, thầy vẫn chống nạng đến lớp dạy. Di chứng tai nạn đó khiến chân thầy bây giờ, khi tập các động tác gập chân, co gối, vẫn có chút bất tiện.
Ấy thế mà sau sự nghiêm túc và có phần “hổ báo” đó của thầy lại ẩn giấu tâm hồn mong manh. Thầy rất tốt bụng và thích giúp đỡ người khác, nhưng cũng chính vì vẻ ngoài có phần nghiêm khắc, hơi khó gần đó mà nhiều lần thầy còn bị hiểu nhầm thành... người xấu.
Tình huống éo le nhất, có lẽ là lần thầy phóng xe máy từ Hòa Lạc về Hà Nội, gặp một chị gái xách đồ nặng nên dừng xe ngỏ ý xin giúp. Chị nhìn thầy hồi lâu, lại tưởng thầy... lừa đảo liền từ chối rối rít. Vốn nhiệt tình nên thầy bèn cởi khẩu trang, thậm chí còn cho chị xem phù hiệu Vovinam trên áo để chứng minh sự... “lương thiện”. Ấy vậy mà kết quả chị gái vẫn không tin. Thầy đành tiếc nuối cáo từ rồi đi tiếp. “Nếu có lần sau, thầy vẫn sẽ tiếp tục chủ động xin giúp mọi người thôi. Không biết có phải mặt mình nhìn không đủ tin cậy hay không. (Haha)”, thầy kể.
Các Ong từng học thầy vẫn chọc rằng: “Chỉ cần bị từ chối như thế thôi, đảm bảo thầy Xuân buồn mất mấy ngày đấy”.
“Bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái”
Đối với thầy Xuân, trường học chính là môi trường sống thu nhỏ của người học. “Nếu môi trường tốt, các em mới phát triển tốt. Môi trường chưa ổn, các em cũng sẽ dễ bị nhiễm thói hư tật xấu. Người đang yếu về nội lực thì môi trường sống và người thầy vô cùng quan trọng”. Có lẽ đó là lý do mà thầy rất nghiêm khắc với chính bản thân mình và chú trọng rèn “nội lực” đó cho học trò của mình để sẵn sàng “sinh tồn” ở bất cứ môi trường nào.
Thầy Xuân luôn nhấn mạnh rằng bản thân có thể chấp nhận sinh viên yếu về đòn võ nhưng không muốn sinh viên mình không để ý rèn luyện nhân cách. “Học làm người trước, học võ sau. Đặc thù của lớp thầy Xuân từ trước đến nay là luôn chia sẻ để thầy hiểu trò và trò hiểu thầy.”
“Mình nhớ như in buổi học hôm đó, do xích mích với đứa bạn mà mình buột mồm nói vài từ khá khó nghe rất to trước lớp. Thầy Xuân nghe thấy đã hỏi chuyện đầu đuôi rồi đưa cho mình hình phạt là ra góc lớp hô to: Tôi tên là…, lớp… hôm nay tôi đã nói bậy. Tôi xin lỗi thầy và các bạn, lặp đi lặp lại 30 lần mới được trở lại lớp học.”, một Cóc Hola chia sẻ.
Lần khác, một Cóc nào đó lỡ miệng nói lời khó nghe với bạn ngay trong lớp thầy. Cậu bạn này ngay lập tức được thầy Xuân dắt lên tầng 3 tòa nhà để hét to 30 lần xin lỗi cho... cả trường cùng nghe.
Nhiều Cóc, Ong còn cực kỳ yêu thích lẫn “ám ảnh” với chiêu đấm lưng của thầy. Trong lớp thầy Xuân, nếu ai làm bạn ngã hay đánh bạn, cuối giờ cả 2 sẽ phải đấm lưng cho nhau khi nào hết mỏi thì thôi.
Vậy mà sau những hình phạt đó, cũng chẳng ai giận thầy Xuân mà ngược lại, các cô cậu học trò đó còn thấy rất vui. Bởi những bài học làm người khó quên ấy cũng là kỷ niệm đáng nhớ mà các Cóc, Ong hiểu rằng, chỉ những người thầy thật sự có tâm mới mang đến cho mình được.
Đối với bản thân mình, thầy Xuân luôn bình tĩnh lắng nghe sinh viên, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, trước khi đưa ra yêu cầu. “Thầy sẽ để các bạn nói ra cảm nhận về hành vi của mình, lắng nghe các bạn giãi bày hết tại sao lại hành xử như vậy? Sau đó thầy sẽ phân tích cái nào đúng với đạo lý, cái nào chưa hợp thuần phong mỹ tục, rồi cùng các bạn lựa chọn phương án giải quyết từng vấn đề.”
Ngoài ra, theo thầy Xuân, không thể áp đặt một phương pháp với tất cả mọi người. Tùy tính cách sinh viên mà có cách linh hoạt khác nhau. Người thì thầy sẽ gợi ý cách sửa sai khi nhắc lỗi các bạn, người thì chỉ thẳng việc các bạn nên làm, người thì dìu dắt mấy tháng, thậm chí ra trường vẫn còn hỗ trợ, liên lạc thường xuyên. Có lẽ đó là lý do mà đến tận bây giờ, nhiều sinh viên từ khóa 1 đến khóa 16 Đại học FPT vẫn thường xuyên liên lạc với thầy để thầy chia sẻ, hỗ trợ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
“Không thương nổi học trò hư thì sao là thầy tốt?”
Tính đến nay thầy Xuân đã có gần 15 năm gắn bó với nghề giáo. Được gặp gỡ và dạy dỗ nhiều thế hệ sinh viên là điều thầy Xuân luôn trân trọng. Với thầy, làm nhà giáo điều quan trọng là phải tâm huyết với nghề, biết bao dung và luôn có tinh thần học hỏi.
“Một người thầy có đạo đức, có hiểu biết mà còn không thương nổi đứa học trò hư thì không biết nó sẽ thế nào? Ai sẽ thương nó? Chính mỗi người học trò cũng sẽ cho thầy những bài học. Những bài học để mình làm thầy ngày càng tốt hơn nữa, để trò đến với mình là đến với sự tử tế nhất, Người thật NGƯỜI nhất!”, thầy nói.
Nhìn vào sự nhẫn nại, bao dung của thầy với học trò, không ngạc nhiên khi biết thầy Xuân có sở thích đọc sách về Đạo học Đông phương Phật – Lão – Nho hay rất mê leo núi, đi du lịch bụi...
Thầy cũng là người ưa sự tĩnh lặng nên luyện Thiền, tu Đạo là việc thầy làm hàng ngày. “Lý tưởng sống của thầy là "Tỷ phú tinh thần". Đức Phật là người Thầy vĩ đại nhất trong cuộc đời thầy nên mọi suy nghĩ, lời nói và hành động đều noi gương Đức Phật.”, thầy Xuân nói.
Thầy cũng hay khuyên các học trò của mình phải có ý chí vì "có chí thì nên". Ai thành công trong cuộc sống đều là những người có chí lớn. Có chí sẽ vượt qua tất cả những khó khăn khác. Lý do thì muôn vàn nhưng ý chí thì có một. Có chí mọi lý tưởng sẽ từ đó mà thành công.
Một Ong FPoly tâm sự: “Phải chăng thầy Xuân dạy chúng em ngay từ lần đầu tiên để em không phải học võ lại đến ba lần? Em thực sự rất cảm ơn thầy vì đã rèn luyện để chúng em có ý thức và trách nhiệm với bản thân và yêu võ thuật nhiều hơn”.
Lời khuyên và lối sống của thầy đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ sinh viên FPT Edu. Sau bao năm giảng dạy, cứ mỗi khi có dịp là thầy trò lại gặp gỡ, trò chuyện đôi điều về kỉ niệm xưa, cuộc sống hiện tại… nhiều bạn ở xa cũng không quên nhắn tin hỏi thăm thầy. Đối với thầy Xuân, sự trưởng thành của học trò chính là tài sản quý giá nhất tích lũy được sau bao năm làm thầy.
Vân Anh