Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ
Bạn có bao giờ từng tò mò ẩn sau những “tấm áo” cool ngầu được chăm chút kỹ lưỡng cùng thái độ không sợ trời, không sợ đất của một số bạn trẻ là gì không? Đó là những trái tim cằn cỗi rên rỉ, đang chật vật trên hành trình “ép chín”: Trầm cảm, giận dữ, đơn độc và đang tìm kiếm một lối thoát riêng cho chính bản thân…
Ngay từ những ngày đầu còn đọc cuốn “Điểm đến của cuộc đời”, nói về thế giới của người cận tử; hay “Bức xúc không làm ta vô can” nói về vấn đề phản biện xã hội; “Thiện, Ác và smartphone” nói về tấn công trên mạng… thì tôi đã thực sự hâm mộ tác giả Đặng Hoàng Giang. Những dự án sách trước đây của ông đều là những chủ đề rất nổi và được rất nhiều người quan tâm trên mạng xã hội.
Nhưng lần này, cuốn sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”, ông lại chọn một mảng “chìm” là thế giới tâm lý hậu tuổi thơ. Một thế giới ít người biết tới. Thật lòng mà nói, cuốn sách này khiến tôi phải “rùng mình” khi bắt gặp hình ảnh của chính bản thân tôi trong đó, và tôi tin chắc bạn cũng sẽ như vậy.
Tiếng nói của những người trẻ cô đơn, hoảng loạn…
Cuốn sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” hoàn toàn khác biệt với những cuốn trước đó của Đặng Hoàng Giang. Bởi lần này người kể chuyện chính là những bạn trẻ mà tác giả đã dành gần 2 năm để trò chuyện riêng. Càng đọc, tôi càng cảm thấy xót thương những con người ấy. Và càng buồn vì những gì tôi đọc được đã xác nhận một niềm tin mà bấy lâu nay tôi cố cất giấu trong lòng. Đó là một đứa trẻ lớn lên mà thiếu sự ấm áp, quan tâm về tinh thần của bố mẹ thì sẽ lớn lên với những lỗ hổng rất lớn trong tâm hồn.
Như chính một nhân vật đã chia sẻ trong cuốn sách: “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác.” Nếu vậy, chúng ta sẽ sống trong một xã hội mà ngày càng có nhiều người vô cảm, không biết và không thể yêu thương ai. Cái vòng quay luẩn quẩn ấy sẽ khiến cuộc sống trở nên tăm tối và mỏi mệt hơn. Thế giới đấy có đáng sống không?
Câu chuyện của Minh Khuê, 20 tuổi. Cô có thai ngoài ý muốn và phải tới phòng khám để phá thai. Sau đó, cô gái trẻ luôn dằn vặt bản thân: “Tôi có phải người xấu không? Tới giờ tôi vẫn không có câu trả lời”. Cô độc, hoảng loạn, đã có lúc Khuê định tìm sự an ủi ở mẹ. Nhưng nhận lại chỉ câu nói: “Buồn cái gì mà buồn?” Cuối cùng, chỉ còn lại một trái tim bị tổn thương ẩn sau một ngoại hình thật gai góc như vỏ bọc của cô: Xăm mình, xỏ khuyên mũi, cạo đầu.
Tiếp tục men lối theo tác giả, các bạn cũng sẽ bắt gặp những đứa trẻ “nhầm vai”, mong muốn được nâng đỡ nhưng cuối cùng lại phải dìu dắt bố mẹ mình. Bởi chính người lớn cũng là hậu quả của những sang chấn tâm lý “hậu tuổi thơ” thông qua câu chuyện của Ngân, 20 tuổi.
Hay Li, 22 tuổi – cô gái có thành tích học tập xuất sắc, 2 bằng bên Mỹ – tự nhận mình là một “cỗ xe tăng” nhưng không hề hạnh phúc. Vì nỗ lực của cô xuất phát từ nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm cho sự bất hạnh của mẹ, người mẹ chơi vơi trong chính cuộc hôn nhân của mình.
Và câu chuyện của Hương, 20 tuổi đam mê nhạc điện tử, nhưng bị gia đình bắt theo đuổi con đường hàn lâm đến độ trầm cảm. Có lẽ nhiều người cũng không còn quá xa lạ với những câu chuyện của những bạn trẻ bị kèm cặp từ nhỏ, không thể theo đuổi đam mê của mình. Bố mẹ cứ nghĩ đó là sự yêu thương vô bờ bến nhưng đối với các bạn ấy lại là “ngục tù của tình yêu”.
Đi qua từng câu chuyện của cuốn sách, tôi lại có cơ hội trải nghiệm vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau: đồng cảm, tự soi chiếu thấy chính bản thân mình hay bàng hoàng, xót xa, thương cảm khi biết có một thế giới nội tâm đầy biến động như vậy. Đằng sau cái vẻ ngoài ngổ ngáo, bất cần của các bạn ấy là một trái tim hướng thiện, khao khát được sống trong một gia đình ấm áp, được có ích cho xã hội. Nhưng 10 năm nữa, trái tim hướng thiện đó có thể sẽ đông cứng...
Qua đó, tôi thấy chúng ta nên thực sự lắng nghe mà không phán xét, thay vì chỉ thông qua bề ngoài mà đánh giá những bạn trẻ ích kỷ, ăn chơi, không quan tâm đến gia đình, đất nước… Bởi các bạn ấy đang bị “mắc kẹt”.
Khi yêu thương trở thành gánh nặng…
Trong một buổi nói chuyện về sách, tác giả Đặng Hoàng Giang từng thổ lộ rằng: “Tôi thấy rất buồn cho bố mẹ các bạn ấy. Con của họ có thể tìm đến và kể cho một người xa lạ về những băn khoăn của mình, những điều xảy ra trong cuộc sống của mình, nhưng lại không kể cho bố mẹ mình. Tôi nghĩ bố mẹ nào cũng muốn nghe những chuyện đó nhưng họ không được nghe, vì họ không kết nối được với con cái. Họ yêu con họ, nhưng con họ lại phải đi tâm sự với một người xa lạ”.
Tuyệt đại đa số các bố các mẹ đều muốn cái gì tốt đẹp nhất dành cho con cái, nhưng bao nhiêu bố mẹ trong số đó chịu bớt một chút thời gian giữa cuộc sống hối hả hằng ngày để lắng nghe xem con mình thực sự cần gì?
Họ quá bận bịu với những đổ vỡ của mình, vật lộn với chính cuộc sống của mình, nên không thể quan tâm đến con cái.
Hoặc họ cho rằng, nghĩa vụ làm cha mẹ của họ chỉ gói gọn trong việc cho con ăn học, đưa đón con đi học thêm đều đặn, vậy là hết lòng lắm rồi…
Nhưng tất cả những điều đó có ý nghĩa gì không nếu những đứa trẻ cảm thấy như mình và bố mẹ đang chỉ cùng sống trong một căn nhà, chứ không có bất kỳ sự một sợi dây kết nối nào?
Và chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy sự lắng nghe và chia sẻ chỉ có tác dụng nếu ta có thể giúp người khác tìm ra giải pháp cho một vấn đề cụ thể nào đó. Nhưng thực tế cho thấy đôi khi chỉ cần ta khiến người kia cảm thấy được lắng nghe, được thấu hiểu thôi là đã tốt lắm rồi. Họ sẽ tự tìm được giải pháp cho chính mình.
Với gần 400 trang giấy, “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” vang lên như những bài hát đau khổ. Những chân dung trong cuốn sách cùng cách phân tích tâm lý của tác giả có thể sẽ khiến người đọc phải lặng người khi bắt gặp mình ở đâu đó trong cuốn sách. Đến lúc ta cần cùng nhau ngồi xuống lắng nghe và suy ngẫm về bản thân, để học cách chữa lành và yêu thương đích thực.
Diệu Vi