Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
“Tôi đi học” – Hồi ký của một người thầy đặc biệt
Chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta biết đến Nhà giáo Ưu tú – Nguyễn Ngọc Ký thông qua những mẩu chuyện nhỏ trong cuốn SGK cấp 1. Thầy Ký còn là minh chứng cho việc chỉ cần có quyết tâm, con người có thể làm nên điều kỳ diệu. Hành trình truyền lửa của thầy đã được khắc họa rõ nét qua cuốn sách “Tôi đi học” do chính tay thầy chắp bút.
Người ta thường nói: “Cuộc sống công bằng lắm, khi bạn mất đi một thứ gì đó, bạn sẽ được bù đắp bằng một thứ khác”. Nhưng tôi đôi khi cảm thấy bất lực khi có cảm giác cuộc sống đang muốn nhấn chìm tôi giữa bộn bề lo toan của xã hội. Tôi bất lực khi mình thua kém giữa dòng người, mình quá nhỏ bé giữa cái thế giới bao la này.
Cuốn sách “Tôi đi học” đã thay đổi hoàn toàn góc nhìn của tôi về cuộc sống. Nhìn lại chính mình, tôi tự thấy mình đã may mắn hơn rất nhiều người về cả thể xác lẫn tinh thần. Ngoài kia, có những cô bé, cậu bé phải trải qua nhiều nỗi đau, không có điều kiện đến trường, phải đấu tranh với định kiến xã hội, với sự xa lánh của bạn bè, nỗi bất lực của bản thân khi có những khiếm khuyết trên cơ thể… từ câu chuyện về cậu bé Ký viết bằng chân trong cuốn sách “Tôi đi học”.
Không đầu hàng trước số phận
Cậu bé Nguyễn Ngọc Ký sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, đang ngày ngày chơi đùa cùng những đứa trẻ trong xóm vô tư và hồn nhiên. Vậy mà sau một trận sốt cao cậu đã bị liệt đôi tay, “Ôi, sao tay Ký lại thế này?”, một người bạn của Ký thốt lên. Đang có một đôi tay mạnh khỏe, đang vui đùa mà tự dưng niềm vui ấy biến mất, cậu chẳng thể tự mình làm mọi việc như trước đây, chẳng đi chơi với chúng bạn như trước và còn bị trêu đùa là “Ký què!”
Khi các bạn đi học, Ký không muốn phải ở nhà một mình, khóc lóc đòi đi học với bố mẹ, đi học rồi thấy các bạn chép được bài mà mình chỉ ngồi nghe được Ký đã tìm cách viết được chữ, từ viết bằng miệng chuyển sang tập viết bằng chân. Những ngón chân ngắn, lại khó điều khiển, đâu có như những ngón tay, thất bại ấm ức tính bỏ rồi lại thôi, lại cố tập, thế rồi thành công. Ký đã có thể viết được như các bạn.
Điều đặc biệt mà tôi khâm phục ở thầy Ký là thầy không cảm thấy mặc cảm tự ti hay e ngại những điều khó. Khi thấy các bạn có thể làm gì là thầy Ký luôn nghĩ cách để bản thân mình cũng làm được, dù thầy cô có bỏ qua không bắt thầy nộp bài, hay mọi người bảo thầy không cần phải biết làm hết. Cũng có lúc cậu bé Nguyễn Ngọc Ký khóc lóc ăn vạ, vứt hết sách vở, đồ dùng sang một bên vì làm mãi không được nhưng sau đó lần nào thầy cũng tiếp tục cố gắng từng chút một.
Hậu phương vững chắc trên con đường thách thức
Cha mẹ thầy Ký là những người đã yêu thương giúp đỡ thầy trong suốt hành trình. Ngày cậu bé Nguyễn Ngọc Ký khóc muốn đi học lần đầu tiên, dù có phần ái ngại, nhưng ba mẹ và chị của cậu vẫn ủng hộ và giúp cậu đến trường. Bên cạnh đó, cậu bé Ký còn có những người bạn luôn giúp đỡ mình như Bằng, Bích, Nghiệp, Liễu, Tam, Phụ… Nhờ có các bạn ở bên cạnh mà cậu luôn được vui vẻ học hành như một đứa trẻ bình thường. Bằng hàng ngày chép bài cho Ký, giúp Ký đi học mỗi ngày. Nghiệp giúp Ký có chỗ học tốt hơn, đến nhà Ký trọ học để đưa Ký đi học. Liễu tặng Ký chiếc compa để Ký có thể vẽ dễ dàng hơn... Những tình cảm chân thật, mộc mạc xuất phát từ sự yêu thương mà có lẽ Ký và những người thân, những người bạn ấy sẽ luôn trân trọng.
Ký cũng được thầy cô giáo nhiệt tình giúp đỡ kể từ khi bắt đầu được đi học với cô giáo Cương, rồi là thầy Mộc, thầy Châu, thầy Vịnh, thầy Độ… đều là những thầy cô yêu thương, quan tâm tận tình với học trò của mình. Các thầy cô không ngại khó để giúp Ký học tập, quan tâm đến những khó khăn vất vả của Ký.
Để rồi vượt lên trên tất cả những chông gai tưởng chừng như không thể vượt qua từ lớp vỡ lòng đến tốt nghiệp trung học. Đặc biệt là Ký từ một đứa trẻ toàn bị điểm kém môn Toán trở thành học sinh giỏi Quốc gia, từ học sinh xuất sắc Toán chuyển qua thành học sinh xuất sắc Văn. Đó là kết quả của sự đấu tranh bằng tinh thần, nghị lực, bằng khát khao và hy vọng.
Có những con người như hạt giống trong ta…
Tôi rất thích cuốn sách “Tôi đi học” này bởi lẽ nó là một câu chuyện phi thường về một cậu bé bị liệt có thể trở thành một thầy giáo ưu tú. Thầy Nguyễn Ngọc Ký đã dùng chân viết lên số phận của mình như một huyền thoại.
Tôi rất thích câu “Tôi sẽ chẳng bao giờ quên quãng thời gian ngắn ngủi đáng yêu ấy, những ngày đôi tay của tôi còn lành lặn. Bây giờ nhớ lại, tôi ước gì được sống lại, dù chỉ đôi phút…”. Lần đầu tôi đọc đoạn này tôi nhìn đôi tay của mình, cảm thấy may mắn và hạnh phúc biết bao. Nếu mình là thầy Ký thì mình sẽ như thế nào, một cảm giác đau đớn thương tiếc bất chợt trong tim khiến tôi nhói lòng, thật đáng sợ. Sau khi đọc xong cuốn sách nói về cuộc đời đầy khổ luyện và ý chí phấn đấu, vượt qua nghịch cảnh để đến với thành công của người thầy “tàn nhưng không phế”.
“Tôi đi học” là cuốn tự truyện kể về chặng đường vất vả mà thầy Nguyễn Ngọc Ký đã trải qua. Câu chuyện chân thật về sự khổ luyện đầy cảm động của thầy Ký thật đáng để mọi người noi theo. Cuốn tự truyện như một lời nhắn nhủ cho học sinh hãy cố gắng học tập tốt hơn, lao động và rèn luyện tốt hơn để sau này trở thành người có ích cho xã hội. “Hãy sống đừng để cho một phút nào của tuổi trẻ trôi đi hoài phí. Không có gì ngày mai không đạt được nếu hôm nay ta biết học hết mình”.
Minki