Trước công chúng, khi nào thì nên nói thật

Công chúng vốn chẳng gặp bạn bao giờ nên tùy thuộc vào lời nói của bạn mà quyết định có yêu mến bạn hay không. Vậy trước công chúng, khi nào thì nên nói thật? 

Phát ngôn trước công chúng, dù người nổi tiếng có thật thà và cá tính, bất cần đến mấy cũng khó mà bỏ qua được những nguyên tắc: Điều gì được nói trước công chúng? Điều gì được nói trước một nhóm thân sơ? Điều gì chỉ được phép giữ lại cho mình với Chúa biết? 

Có thể nhắc đến một ví dụ điển hình là vụ “vạ miệng” của ngôi sao “Bản năng gốc” - Sharon Stone hồi năm 2008. Sau trận động đất ở Trung Quốc làm 7 vạn người thiệt mạng, Sharon Stone, người cũng nổi tiếng vì có chỉ số IQ 145 (cao xấp xỉ bằng Bill Gates và Steve Job), phát biểu trước công luận quốc tế rằng đó là nghiệp chướng người Trung Quốc phải gánh chịu vì những gì họ đã làm với người Tây Tạng. Sau lời phát biểu này, tất cả bộ phim có sự góp mặt của Sharon Stone bị ngừng công chiếu ở Trung Hoa đại lục, hợp đồng quảng cáo với Chistian Dior bị hủy bỏ. Còn nhân dân Trung Quốc đồng loạt lên tiếng nguyền rủa lại cô đào bốc lửa. Cuối cùng Sharon Stone phải lên truyền hình để nói lời xin lỗi. 

Ban nhạc huyền thoại The Beatles cũng từng bị vạ miệng như thế khi bỗng dưng họ đưa ra lời bình luận hồn nhiên rằng “Chúng tôi còn nổi tiếng hơn cả Chúa Trời”. Khỏi phải nói số lượng phát hành đĩa của The Beatles bị sụt giảm đến mức nào và họ bị la ó dữ dội ở nhiều nơi mà họ tới lưu diễn. Sharon Stone và The Beatles mà còn bị “vạ miệng” thế, vậy mà chúng ta vẫn còn coi sự cố tình vạ miệng phát ngôn gây sốc được gọi là chiêu PR sao? 

Nữ nhà văn cá tính Di Li

Trong các giáo trình dạy Kỹ năng nói trong PR, có những quy định rất chặt chẽ về việc phát ngôn trước công chúng. Ấy là người nói tuyệt đối nên tránh dùng những ngôn từ hay lời bình luận khiến vô tình (chỉ vô tình thôi) đụng chạm đến tôn giáo, sắc tộc, tầng lớp xuất thân, giới tính, nghề nghiệp, vùng miền… vì nếu không, anh không phải đầu cũng phải tai. Điều này cũng đơn giản như khi trên bàn tiệc có một người béo hoặc một người lùn thì bạn đừng có lỡ miệng mà đả động đến từ “béo” hay từ “lùn”. 

Hồi mấy năm trước tôi còn nhớ báo chí tường thuật về câu chuyện cô bé blogger ra Hà Nội chơi rồi chê Hà Nội đủ thứ trên blog, trong đó có câu “Mình phân biệt Sài Gòn citizen và công dân của những vùng miền khác”, sau bị các blogger (chắc không phải người Sài Gòn) tổng tấn công đến nỗi phải đổi số điện thoại. Ngược lại có một cô bé hoa khôi trả lời phỏng vấn rằng cô chỉ thích lấy chồng Hà Nội vì cô sinh ra ở Hà Nội và cảm thấy con trai Hà Nội “ga lăng, lịch thiệp, và phần lớn là sống có trách nhiệm với gia đình” đã ngay lập tức bị hàng loạt comment đổ bộ vào bình luận rằng cô “vô vị, tầm thường, thiếu sâu sắc, chảnh, nhạt nhẽo… vân vân và vân vân”. Hai trường hợp này thì bị “vi phạm” yếu tố vùng miền trong... luật phát ngôn PR. Các bạn nói như thế thì cư dân của 62 tỉnh thành còn lại “chạnh lòng” là đúng rồi. 

Nói đến cái việc miêu tả bóng hình người trong mộng thì cũng là đến khổ. Các nhà báo phỏng vấn nhân vật thường rất ưa hỏi “Người lý tưởng của anh/chị là thế nào?”. Đứng trên phương diện công chúng thì rất nên thận trọng trước câu hỏi này. Cựu hoa hậu Nguyễn Thu Thủy trả lời rằng “Tôi rất thích hình ảnh anh hùng ưa phiêu lưu Lệnh Hồ Xung, đánh Đông dẹp Bắc chán chê, cuối cùng chỉ để về vẽ lông mày cho người con gái mình yêu” rồi cũng bị hẳn một bài báo phê bình. Thậm chí thông minh như nhà văn Trang Hạ, trả lời “Tôi thích một người đàn ông, thấy cướp chạy qua thì phải đuổi bắt, không né tránh” cũng bị bình luận rằng nhà văn “Thiếu tinh thần nhân văn, nhân đạo vì vô tình xúi con người ta (những người đàn ông) đi vào… chỗ chết.” Những câu trả lời kiểu này rõ ràng là gây khó chịu cho nhiều đấng mày râu kiểu “Thế chúng tôi không biết kẻ lông mày, không biết bắt cướp, không có tiền thì… coi như bỏ à?”.

Trong PR, chúng ta tuyệt đối không được nói dối, nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải nói sự thật. Không phải điều gì chúng ta cũng nên phơi bày ra trước công chúng. Thực ra tất cả những phát ngôn gây sốc thậm chí được coi là “hiện tượng báo chí” trong suốt một năm sẽ không có vấn đề gì nếu như chúng chỉ được bình luận bên bàn ăn tối tại gia. 

Từ hồi sinh ra các trang mạng xã hội, ngôn luận bắt đầu trở nên khủng khiếp hơn bao giờ hết. Nó ngày càng cuốn các blogger vào cơn nghiện “nói thật”. Ngay cả những người nổi tiếng có tri thức, có văn hóa cao, đạo mạo và biết tiết chế ở ngoài đời nhưng lên blog lại thường đưa ra những blast kinh hoàng. 

Khi đứng trước một vạn người đông kín một quảng trường, tôi tin rằng các bạn sẽ phát ngôn cực kỳ cẩn trọng. Nhưng khi ngồi trước màn hình chữ nhật vô tri, xung quanh toàn những người cũng hi hi ha ha giống mình, lại không được coi là một kênh phát ngôn chính thống, các blogger thường quên đi số lượng người “vô hình” đang cập nhật vào trang để xem những gì mình nói. Nhiều blogger là người của công chúng đã tự biến mình thành lố bịch chỉ qua một vài câu vô thưởng vô phạt trên nhật ký điện tử cá nhân là như vậy.

Di Li là cây bút nữ thành công với thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị

Hơn nữa, có nhiều phát ngôn mà người này có thể được phép nói, song người kia thì không. Ví thử có lần tôi đọc một bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Vladimir Nabokov, tác giả “Lolita”, ông đã trả lời rằng: Gần đây, khi viết về Pale Fire trên mục điểm sách ở một tờ báo New York, một gã nhà quê vô danh tiểu tốt đã tưởng nhầm tất cả những tuyên bố mà nhân vật dẫn truyện tưởng tượng trong tác phẩm của tôi phát biểu chính là ý kiến của tôi. Tôi tin rằng Nabokov, một trong những tác gia hàng đầu của thế kỷ 20 mắng một nhà báo nào đó là “gã nhà quê vô danh tiểu tốt” thì không hề gì. Nhưng nếu một nhà văn vừa mới xuất bản được dăm ba cuốn sách không mấy tên tuổi mà mắng ai đó “nhà quê vô danh tiểu tốt” ắt lại tự biến mình thành “hiện tượng báo chí lá cải” khủng khiếp suốt một năm.

Ai được nói, nói ở đâu đôi khi lại quan trọng nhiều hơn là nói cái gì.

Di Li

Đôi nét về tác giả

Di Li (tên thật Nguyễn Diệu Linh) là một nhà văn nữ, một dịch giả Việt Nam. Cô được đánh giá là cây bút nữ đang nổi, hiện tượng của văn học phía Bắc khi rất thành công với thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị. 

Cô cũng là một chuyên viên tư vấn trong lĩnh vực quảng cáo & PR, giảng viên bộ môn Quan hệ công chúng. 

Các tác phẩm tiêu biểu: Trại Hoa Đỏ (2009), Đảo thiên đường (2009), Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng (2010)...