Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Tuổi trẻ bạn đã có được gì?
“Dăm ba cái tuổi trẻ” – Cuốn sách khi đọc bạn chỉ muốn vỡ òa với những mạch cảm xúc từ buồn, vui, những bước ngoặt cuộc đời, tình yêu... của tuổi trẻ. Những tác phẩm trong quyển sách là câu chuyện chân thực của mỗi tác giả, cho ta góc nhìn rộng hơn, đa chiều hơn về tuổi thanh xuân.
Cuốn sách là một tuyển tập gồm 28 bài viết được chọn lọc và biên tập, minh họa từ hơn 10,000 câu chuyện của các nhóm tác giả Spiderum - một cộng đồng mạng xã hội của những con người yêu thích viết lách và đam mê tri thức, xoay quanh những trải nghiệm, suy ngẫm và khúc mắc của tuổi trẻ.
Độc giả sẽ lần lượt bước qua bốn phần: Vài chuyện cuộc đời, Mấy phút chơi vơi, Những ngày hơi tối và Một đời ba mẹ để có thể nhìn thấy phần nào bản thân mình trong đó: một thời thanh xuân với những trải nghiệm, niềm vui, nỗi buồn, sự học hỏi và trưởng thành. Dưới đây là một vài câu chuyện tôi tâm đắc nhất trong cuốn sách này.
Cuốn sách chẳng thiếu những trăn trở, suy tư, những tư duy khoa học và hệ thống để nếu ai đó đang lạc lối sẽ phần nào tìm được đường đi
Đi qua những phóng túng hình hài
Bạn đã từng nghe được một câu hỏi đau xót thốt ra từ bố mẹ của những đứa con đồng tính chưa?
“Thật ra con tôi chỉ bị bệnh, chữa là sẽ khỏi đúng không?”
Nghe đơn giản, nhưng đó là một niềm tin mãnh liệt mà những ông bố bà mẹ ấy tự tạo ra cho chính mình. Định kiến của xã hội về “người đồng tính” vẫn còn thì chắc chắn chẳng có ba mẹ nào hy vọng con mình nằm trong cái vòng định kiến đó. Có người chấp nhận, suy nghĩ thoáng hơn, nhưng đâu phải ai cũng có thể mở lòng đón nhận những đứa con đặc biệt của tạo hóa.
Ở góc nhìn của những đứa con đồng tính, họ lại chỉ mong muốn sống thật với chính mình: Ba mẹ đã ban cho con hình hài, ban cho cuộc sống thì xin ba mẹ hãy chấp nhận để chúng con sống đúng nghĩa với chính mình. Đừng để con cảm thấy cuộc sống này như là một chuỗi phim dài tập nặng nề.
Đó là câu chuyện thật của một anh chàng trong giới LGBT được chia sẻ thông qua bài viết “Đi qua những phóng túng hình hài”. Câu chuyện nghe qua như những dòng tâm sự nặng trĩu nhưng thực chất lại cho ta nhiều góc nhìn hơn về vấn đề xã hội này, để cảm thông cho những cuộc đời chẳng thể như ý muốn.
Hạnh phúc, Mèo và Circle K
Tình yêu luôn khiến ta cảm thấy có trách nhiệm hơn, không chỉ giữa người với người, với động vật cũng vậy. Qua câu chuyện “Hạnh phúc, Mèo, Circle K”, cuốn sách sẽ cho bạn góc nhìn mới về trách nhiệm. Chỉ có yêu thương là chưa đủ, trách nhiệm mới giúp tình yêu đó mới bền vững.
Câu chuyện kể về những đứa con giấu ba mẹ nuôi mèo khi không được cho phép. Kế hoạch “tiền trảm hậu tấu” thành công mặc dù họ bị ba mẹ mắng nhưng rồi thì cũng qua. Cho đến khi “Hoàng thượng” cấn thai nhưng họ vẫn không hay biết. Cao trào nhất là khi “Hoàng Thượng” khó sinh vào một đêm mưa gió làm 2 bé mèo con “xa mẹ” mãi mãi, chỉ có 1 chú mèo kiên cường sống sót.
Bạn thấy đó, yêu thương nhưng không quan tâm, không đủ hiểu biết sẽ làm bạn trở nên vô trách nhiệm, và chính điều đó sẽ giết chết tình yêu của bạn. Nếu đã yêu, bạn phải học cách bảo vệ tình yêu, chăm sóc nó. Đừng để tình yêu chết đi chỉ vì sự thờ ơ, vô tâm.
“Mấy phút chơi vơi”
Chắc hẳn bạn đã từng một lần nghe cụm từ “con nhà người ta”. Cái thời học sinh chắc là nhiều đấy: “Mày xem thằng A con bà B nhà người ta học giỏi chưa kìa, còn mày thì…”
Và rồi bạn giận dỗi, khó chịu với những “con nhà người ta” đó.
Nhưng các bạn có từng nghĩ để được gọi là “con nhà người ta”, họ đã phải cố gắng, chịu áp lực... như thế nào chưa? Họ có thật sự biết và mong được gọi như thế?
Còn với các bậc cha mẹ, có chắc làm như vậy, con cái của mình sẽ trưởng thành, sẽ tốt, sẽ giỏi hơn không? Nhìn nhận sự tài giỏi của người khác để phấn đầu là điều tốt nhưng đó phải là do chính bản thân họ mong muốn được như “những tấm gương” ấy một cách thoải mái và chủ động.
So sánh giữa người với người và dùng sự tài giỏi, thành công của một người áp đặt lên người khác đó là thể hiện của sự thiếu quan tâm. Cha mẹ hoàn toàn có thể để con mình phát triển một cách tự nhiên thoải mái theo chính sở trường, sở thích của con thay vì so sánh rập khuôn như thế.
Một đời ba mẹ
Ở một góc độ nào đó bạn sẽ thấy được khoảng cách và sự đứt gãy vô hình giữa các thế hệ vì lối suy nghĩ “Mình khôn ngoan hơn thế hệ trước, sáng suốt hơn thế hệ sau”.
Vậy bạn đã từng nghĩ, ba mẹ bạn nào có được đi nhiều nơi như bạn? Đã tiếp xúc với mạng xã hội, với cải tiến khoa học, công nghệ và sự nâng cấp của xã hội hiện đại chưa? Và tại sao họ lại như vậy?
Còn bạn, được ba mẹ cho đi học, tiếp xúc với Tây, với Ta rồi bạn lại về trách móc họ lỗi thời, không “sống thoáng” như người khác.
Đừng mặc định ba mẹ cũng sẽ hiểu hết tất cả những gì bạn hiểu, những gì bạn từng trải nghiệm. Đừng lấy chính sự hiểu biết của mình áp đặt lên người khác.
Trong câu chuyện này, có một ý tôi rất thích. Cơn mưa đưa con ếch thoát khỏi cái giếng, vì thế nó mới nhận ra thế giới này rộng lớn thế nào. Nếu không có cha mẹ, có khi chúng ta cũng mãi chỉ là những chú ếch dưới giếng.
Những bài viết ở chương Một đời ba mẹ này sẽ cho bạn thấy được bạn nợ ba mẹ bao nhiêu.
Với Tôi “Dăm Ba cái tuổi trẻ” là cuốn nhật ký cảm xúc của tuổi trẻ, nó cho ta nhiều góc nhìn khác, để ta biết yêu thương, sống có trách nhiệm và để bản thân tốt hơn ngay từ hôm nay.
Nếu bạn là một học sinh, sinh viên đang chơi vơi giữa những lựa chọn cho tương lai, một người trẻ bế tắc trong mối quan hệ tình cảm, công việc, cuộc sống hay một phụ huynh chưa hiểu được đứa con “tuổi nổi loạn” của mình… hãy thử cầm cuốn sách này lên và suy ngẫm.
Cẩm Hừng